Những điều kỳ diệu trong cuộc sống người tu
Theo kinh nghiệm tôi trải qua hơn 70 năm sống trong nhà Phật, nhìn lại thấy có nhiều người xuất gia đồng tu tập, nhưng mỗi người có cái thấy Phật khác nhau, từ đó tu hành cũng khác nhau và đạt đến kết quả tất nhiên cũng khác nhau.
Kết quả cao nhất là làm Phật trong hiện đời thì tôi chưa thấy người nào được. Nhưng làm Tổ, làm thầy, có nhiều người được và cũng có nhiều người sa đọa làm ma quỷ.
Vì vậy, Tăng Ni, Phật tử phải suy nghĩ, cân nhắc xem cái thấy của chúng ta thế nào, hành đạo của chúng ta thế nào để chúng ta thành Phật, thành Tổ, không uổng phí cuộc đời tu của mình.
Nếu nhìn đời bằng đôi mắt thế tục của con người, của tham vọng, thì dù mặc áo tu, chúng ta cũng chưa tu, chưa phải là người tu thực sự, nên kết quả không tốt như nhiều người mà chúng ta đã thấy.
Nhiều người nói chiếc áo tu chưa phải là thầy tu, nhưng có người nói nhờ mặc áo tu được cung kính. Đó là hai ý tưởng sai lầm lớn của phàm tục dẫn chúng ta vào con đường tội lỗi.
Nếu nghĩ nhờ áo tu của Phật, chúng ta được cung kính, cúng dường, hưởng phước báo của Phật thì chắc chắn phải đọa. Vì vậy, lúc sanh tiền, Hòa thượng Trí Tịnh rất sợ người ta cung kính qua chiếc áo tu. Cho nên ngài ít mặc áo tu đi thọ lãnh cúng dường.
Lời Hòa thượng dạy tôi đã 70 năm qua mà tôi không quên, rằng mình phải học và làm theo Phật, theo Tổ mới thành Phật, thành Tổ được. Không làm theo Phật, theo Tổ, nhưng đi lệch hướng, hậu quả không lường trước được. Ngài lập hạnh theo Tổ Ưu Ba Cúc Đa không đi trai tăng, không nhận lãnh phẩm vật cúng dường.
Ngài nói khi người ta cúng dường, vì thấy mình là thầy tu, mặc áo tu của Phật, nhưng không tròn hạnh của Phật, không đủ bốn tâm vô lượng của Phật, mà còn kẹt tham, sân, si là phá pháp, chắc chắn bị đọa.
Quý huynh đệ nên suy nghĩ mình mặc áo Phật nhưng có tâm Phật chưa. Trong bốn tâm vô lượng của Phật, mình tu được tâm nào? Mặc áo Phật không có tâm Phật là điều xấu hổ. Ý thức như vậy thì lên được.
Tôi thấy Hòa thượng giữ điều đó suốt đời. Tôi học theo ngài, tức thọ lãnh cúng dường ít chừng nào, tốt chừng đó, để đỡ mang nợ thì nhẹ bước đi lên.
Ráng tu bốn tâm vô lượng phát xuất từ tâm chúng ta và tu được bốn tâm này mới hiện tướng giải thoát. Và tướng giải thoát nằm trong bốn oai nghi của chúng ta, xa hơn nữa, vì tâm chủ đạo, nên nó hình thành 3.000 oai nghi, 84.000 tế hạnh.
Như vậy, Tăng Ni làm sao cho người thấy chúng ta có 3.000 oai nghi. Được như vậy là Tỳ-kheo này có tâm vô lượng của Phật. Nếu chưa được như vậy là chưa bước chân vào đạo, chưa xứng đáng mặc y Phật. Cần phải cân nhắc điều này.
Oai nghi rất quan trọng. Không phải chúng ta có ý lập oai nghi để người lầm tưởng chúng ta có oai nghi thật, lầm tưởng chúng ta là thầy, là Phật. Nhưng oai nghi này phát xuất từ tâm chúng ta, lúc nào cũng có oai nghi. Không phải oai nghi là gò ép bên ngoài, có khách mới trang nghiêm, không có khách, chúng ta buông lung.
Tôi học Hòa thượng Thiện Hòa hạnh này. Ngài dạy: “Tọa mật thất như thông cụ”, nghĩa là mình ở mật thất một mình nhưng nghĩ như ở trước đám đông. Trước Phật, trước quần chúng, quý vị như thế nào, về phòng cũng thế đó. Trong phòng thanh tịnh, ra ngoài cũng thanh tịnh thì tướng thanh tịnh là tướng tự nhiên. Trong phòng buông lung, có khách giữ kẽ là không thật, giả dối.
Mình rèn bốn oai nghi bên ngoài, tu bốn tâm vô lượng bên trong, lần lần thanh tịnh. Và tùy theo mức độ thanh tịnh mà chúng ta thấy Phật khác nhau. Khi tâm chúng ta chưa thanh tịnh, thấy Phật khác, khi tâm chúng ta thanh tịnh thấy Phật khác. Vì vậy, thấy Phật, không ai thấy giống ai.
Con người thì thấy Đức Phật cũng là con người như mình. Nhưng tại sao Ngài trải qua một khoảng thời gian ngắn, chỉ sáu năm tu thành Phật. Mình cũng là người mà tu suốt đời không thành Phật, thậm chí cuối đời càng tệ hơn nữa, thành ma quỷ.
Tôi nghe Hòa thượng Huyền Diệu thăm huynh đệ, ngài nói điều mà tôi suy nghĩ, Phật không bao giờ nói dối. Phật dạy dù xuất gia hay tại gia, giới cấm nói dối cũng quan trọng.
Nói dối phạm Ba-la-di, mất giới thể Tỳ-kheo, thì giới tướng Tỳ-kheo còn là còn cái áo tu. Tăng Ni tu không suy nghĩ, cân nhắc, không giữ gìn giới cấm thì tu cả đời không thành tựu quả vị nào theo Phật dạy, ví như nấu cát muốn thành cơm. Thật vậy, khi giới thể Tỳ-kheo mất, mầm bồ-đề thối, cây khác mọc lên mà chúng ta lầm tưởng là bồ-đề.
Từ yếu lý này, tôi nhìn về sự việc Phật vượt thành xuất gia, có nhiều người thấy khác nhau. Có người thấy lính gác cổng thành ngủ mê, thái tử mới bảo Sa Nặc lấy ngựa Kiền Trắc đi trốn khỏi thành. Tôi nghĩ điều này khó có. Người thường không có trí mới nghĩ chờ lính ngủ rồi, thái tử mở cửa thành đi tu. Và trước khi đi tu, thái tử còn vô thăm vợ con lần cuối. Tôi thấy tình cảm Ngài nặng nề như vậy làm sao tu. Hay mình thấy cao xa hơn để đi tu? Cái nhìn thứ hai không theo con người trần tục, nhưng thấy theo người tu có tâm hồn trong sáng sẽ thấy khác hơn người phàm chứ!
Theo lịch sử, khi thái tử đi du hành, vua Tịnh Phạn ra lệnh dọn đường sá sạch đẹp, dẹp hết những người già, người bệnh, người chết bên vệ đường, để thái tử không thấy cảnh già, bệnh, chết làm ngài buồn bã. Nhưng trên đường thái tử đi, lại xuất hiện người già, người bệnh, người chết và Sa-môn. Thấy bốn hiện tướng này, thái tử mới sợ ngài cũng sẽ già, bệnh, chết và thấy Sa-môn giải thoát nên ngài có ý muốn đi tu. Đó là cái thấy của con người trần tục thấy bằng mắt thịt. Người tu suy nghĩ khác, thấy khác mới mở được con mắt đạo. Thấy khác là sao?
Người có đầu óc triết học thấy khác. Hoặc thầy tu có cái nhìn xa trong thiền quán cũng thấy khác. Chuyện này không thể thấy như vậy được. Thử nghĩ một người thông minh như thái tử, 8 tuổi đã biết 36 ngôn ngữ, đã thuộc lòng bộ kinh Vệ Đà, là siêu thần đồng, mà chuyện sanh già bệnh chết Ngài lại không biết là điều vô lý quá. Bậc siêu việt này đi tu là đi theo cái giỏi của Ngài, đi theo cái thấy của Ngài, đi theo cái biết của Ngài mà chúng ta không thể hiểu được. Hiểu biết cao tột của Phật so với hiểu biết của ta cách nhau một trời một vực thì không ai hiểu được Phật, đó là cách nhìn của Đại thừa bắt đầu mở ra, không phải như chúng ta chấp cái này cái kia mới là của Phật.
Phật dạy trong kinh Pháp hoa rằng dù tập hợp tất cả Bồ-tát và Thánh chúng cũng không thể hiểu một phần của Phật. Bao giờ thành Phật mới hiểu được Phật.
Khi còn là học tăng, tôi thắc mắc điều gì, hỏi Hòa thượng Trí Tịnh. Ngài nói mai mốt thầy lớn, thầy ngộ, thầy chứng rồi thầy hiểu. Chưa lớn không hiểu được chuyện của người lớn. Chưa ngộ không hiểu được việc của người ngộ. Chưa chứng không hiểu được việc của người chứng. Chưa sáng mắt không hiểu sự vật. Có hỏi cũng không nói, vì nói cũng không biết.
Hòa thượng Chủ tịch ít nói, suốt 40 năm ngài không ra ngoài, chỉ ở trong thiền thất. Tôi thăm Hòa thượng, ngài cho biết ở thiền thất yên, ra ngoài bất an. Học điều này, chúng ta suy nghĩ việc làm của những con người đặc biệt. Hòa thượng Trí Tịnh cũng là người khó hiểu.
Khi Hòa thượng đi tu, ngài có giống anh em đi tu không? Đầu tiên, ngài thấy điều lạ trong giấc chiêm bao làm ngài suy nghĩ để tìm ra sự thật của giấc chiêm bao. Trong giấc ngủ, ngài thấy ông già tóc bạc phơ nói với ngài rằng bao giờ cọp chết thì rắn về núi. Chỉ một câu nói như vậy mà ngài suy nghĩ mãi. Các anh em có suy nghĩ hiện tượng trong chiêm bao không, hay chiêm bao qua rồi thôi.
Chiêm bao này ám ảnh cả cuộc sống ngài. Cho đến khi ở nhà ngài có nuôi con cọp con, vì cọp mẹ bị bắn chết. Một hôm, tự nhiên cọp con cũng lăn ra chết. Ngài chợt nghĩ đến câu nói bao giờ cọp chết, rắn về núi, mà ngài tuổi Tỵ. Thế là điềm lành được báo trước trong giấc chiêm bao đã đến. Ngài mới lên núi Cấm để tu. Hòa thượng Vạn Linh vừa nhìn thấy ngài, liền nói chú này đời trước đã là Hòa thượng Pháp sư, đời này cũng là Hòa thượng Pháp sư, đại chúng đừng xem thường. Rõ ràng cái thấy của người tu khác với cái thấy của phàm tục. Thật vậy, một vị tu hành ở trên núi nhìn một chú nhỏ chưa tu mà biết là Hòa thượng rồi. Và ngay lúc Tổ khẳng định như vậy, Hòa thượng đã xin xuất gia!
Tổ Vạn Linh cũng có điều đặc biệt, không cho ngài ở với chúng, nhưng cho cất một chòi tranh để ngài ở tu sẽ đắc đạo. Thế giới người tu có những điều lạ, mình không thể nào hiểu. Bao giờ hiểu được, ngộ được mới gọi là thấy.
Trên bước đường tu, chúng ta học có hai, ba bằng cấp tiến sĩ nhưng chưa ngộ, chưa chứng, chưa thấy lẽ huyền vi, coi như chưa có gì, đôi khi còn thành sở tri chướng. Vì học nhiều thì chấp nhiều, thường cãi nhau sanh phiền não, cho đến tăng thượng mạn, không phải là học Phật.
Học Phật phải thấy, phải biết sự vật đúng như thật. Việt Nam có Phật hoàng Trần Nhân Tông cao hơn một bước, ngài đã thể hiện sâu sắc điều này và dạy rằng không nhứt thiết phải xuất gia hay tại gia, nhưng quan trọng là phải ngộ, phải chứng, phải thấy biết thật. Còn chúng ta chỉ thấy hình thức bên ngoài. Bên trong chúng ta không thấy, nên phạm nhiều sai lầm, làm sao chúng ta thành Phật, thành Tổ được.
Thấy bên ngoài mà hiểu được bên trong. Lý này kinh Pháp hoa dạy rằng thấy tướng bên ngoài phải hiểu tánh bên trong và hiểu cả cái dụng bên trong của nó. Không hiểu tánh, không hiểu dụng của mọi sự việc, của mọi người thì không hiểu gì hết, phải thất bại cho đến mất mạng. Vì vậy, điều quan trọng là thấy sự vật như sự thật gọi là thật tướng pháp. Tăng Ni cần phải học, tu cho được pháp này.
Trở lại Đức Phật là người biết tất cả mọi việc, biết rõ kinh Vệ Đà, nhưng sanh già bệnh chết trên đời này sao Ngài lại không biết, mà vua Tịnh Phạn lại nghĩ có thể che giấu Ngài.
Điều thứ hai, vua Tịnh Phạn đã sắp xếp đầy đủ mọi cảnh quan tốt đẹp trên đường đi của thái tử, nhưng tự nhiên có bốn thứ không mong muốn lại xuất hiện, tại sao có một ông già, một người bệnh, một người chết và một Sa-môn. Nếu để tự nhiên thì phải có nhiều người già, nhiều người bệnh, nhiều người chết và nhiều Sa-môn. Đã cấm hết những người này vô thành, sao để lọt vô bốn thứ người này?
Tu hành, chúng ta phải ngộ, phải chứng, phải giải. Có người nói điều này không thể có, nhưng có được là có trong huyền bí, tức nâng cái thấy ở bước cao hơn. Nói cách khác, người tu phải khám phá cho được cái huyền bí. Còn chỉ tu hình thức, không thấy cái huyền bí trong cuộc sống thì cũng như không. Vì tu cái thân sanh diệt rồi cuối cùng thân này hoại diệt, cũng chết cũng chẳng được gì.
Chúng ta tu, bỏ cuộc đời này là muốn khám phá huyền bí trong cuộc sống con người, khám phá huyền bí trong trời đất này. Vì vậy, chúng ta dấn thân hết lòng đem cả sanh mạng đánh đổi thì mới có.
Thiền có một câu dễ thương thể hiện lý này rằng không có cái lạnh thấu xương, hoa mai đâu dễ nở. Hành giả tu có hy sinh đến độ cao là thân mạng ngũ uẩn mất thì trực giác hiện ra. Phải thấy chỗ đó. Thật vậy, Phật dạy rằng sự hiểu biết của con người gọi là thức uẩn do thọ, tưởng hành hợp lại sanh ra. Mà thọ, tưởng, hành là giả thì thức uẩn được cấu tạo bằng những thứ giả này, tất nhiên cũng giả. Vì vậy, khi thọ tưởng hành diệt thì thức cũng chấm dứt.
Nhận thức như vậy, ban đầu Tăng Ni cố gắng cắt cho được thọ, tưởng, hành, thức thì trực giác hiện ra sẽ thấy sự vật khác đi, thấy tại sao lại có người già, người bệnh, người chết và Sa-môn lù lù xuất hiện trước mắt thái tử, dù vua cha đã sắp xếp cẩn thận việc cỏn con này mà cũng không được. Cái cảnh không vui ấy lại tự động xuất hiện đúng lúc, thì theo lý giải về mặt huyền bí, đó là trời Đế Thích hóa ra một ông già lụm cụm, hóa ra một người bệnh rên la, hóa ra một người chết sình thối và hóa ra một ông Sa-môn giải thoát. Đây là cái thấy đưa về siêu nhiên do trời làm, vượt ngoài sức tính toán của vua Tịnh Phạn. Vua chỉ có thể cấm người sống lảng vảng, nhưng với người siêu nhiên, vua không thể cấm được.
Thiết nghĩ những gì vượt hơn hiểu biết của con người là siêu nhiên, là thần thánh mà thực tập pháp Phật thấy được mới thú vị. Còn hiểu thông thường thì chán lắm!
Tất cả hiện tượng người già, người bệnh, người chết và người tu thanh thản đều do trời Đế Thích hóa hiện ra cho thái tử thấy để nhắc nhở Ngài tu hành sớm ra khỏi sự ràng buộc của trầm luân sanh tử.
Và thái tử đi tu có con ngựa đặc biệt thuộc thiên mã, tức của trời Đế Thích hiện ra, không phải ngựa thường, mới chở Sĩ Đạt Ta bay ra khỏi thành được. Không phải là cảnh đơn giản bình thường Sa Nặc dắt ngựa ra, mở cửa thành cho thái tử lên ngựa trốn đi và tới bờ rừng, Ngài xuống ngựa. Rồi Sa Nặc cỡi ngựa quay về. Nhưng tại sao về đến thành Ca-tỳ-la-vệ, ngựa bỏ ăn rồi chết. Hiện tượng kết thúc kỳ lạ này khiến chúng ta suy nghĩ. Phải chăng con thiên mã, hay trời Đế Thích đã làm tròn nhiệm vụ đưa thái tử vượt thành xuất gia xong thì hóa kiếp.
Nhắc chuyện này gợi tôi nhớ có năm tôi sang Pháp ở chùa Trúc Lâm với Hòa thượng Phước Đường. Hòa thượng nuôi con chó bẹc-giê khôn lạ. Mỗi khi tôi đi giảng về, nó đón tôi ngoài cửa, dắt tôi tới phòng rồi kéo nắm cửa để tôi vào. Mở cửa phòng cho tôi xong, nó về phòng của nó. Tôi cảm nhận giữa nó và tôi có tình cảm thân thiết lạ lùng. Trong cuộc sống của mình, lần lần các anh em sẽ khám phá được hiện tượng lạ, đó là tu. Tự nhiên tôi nghĩ con chó này là anh bạn nào của mình trong những kiếp trước, nay tái sanh gặp lại mới thương nhau vậy.
Tôi xuống phòng anh, ngồi nhìn anh, lòng nghĩ anh đời trước là gì, làm gì mà đời này làm súc sanh. Thôi anh ráng tu, ở chùa được, đừng ăn thịt nữa. Chó bẹc-giê thì phải ăn thịt, không thể khác, nhưng nghe tôi nói vậy, nó nhịn đói ba ngày rồi chết khiến tôi nhớ đến con thiên mã của Sĩ Đạt Ta cũng nhịn đói chết. Điều này mở ra cho tôi suy nghĩ, hướng về cánh cửa tu huyền bí nhiều hơn.
Nhắc đến việc đi tu của thái tử, Ngài vừa tới bìa rừng, liền gặp ông thầy tu giấu cung tên trong áo ca-sa. Thái tử hỏi ông giấu cung tên trong áo tu để làm gì. Ông nói giấu cung tên, để dã thú không sợ, ông mới tới gần giết được nó.
Thử nghĩ xem sao lại có ông thầy tu giả bất chợt ở bìa rừng đón thái tử để nói như vậy. Thái tử mới bảo Ngài đưa áo cẩm bào này đổi lấy chiếc áo tu của ông để ông bán lấy tiền sống, khỏi làm thợ săn nữa.
Cũng câu chuyện đơn giản này nhưng có người lý giải rằng do trời Đế Thích hóa ra thầy tu giả để cảnh giác thái tử đề phòng, theo thầy tu giả thì suốt đời không được gì, chỉ bị đọa thôi.
Và thái tử mặc chiếc áo rách của ông thầy tu đến sáu năm không có thay đổi áo nào khác. Tới trước khi thành đạo, Ngài mới xuống dòng sông Ni Liên tắm, thấy xác chết có đắp vải vàng, Ngài lấy miếng vải đó làm áo. Và lý giải theo lẽ huyền bí thì áo này cũng của trời Đế Thích cho thái tử để hộ mạng, cũng giống cái y của Đường Huyền Trang do Bồ-tát Quan Âm cho để đi thỉnh kinh, ma quỷ không dám phá.
Người nhìn về siêu nhiên thấy được ông thầy tu giả do trời Đế Thích hóa ra và sáng hôm sau, thái tử thấy Sa-môn thật. Ông này mới chỉ đường cho thái tử đi đến nhà hiền triết Kamala học đạo và nhắc rằng thái tử phải thận trọng, đi tu sẽ gặp nhiều điều phức tạp lắm. Ông vừa đi vừa chỉ thái tử các loại trái cây, lá cây, rễ cây ăn được, vì ông biết rõ loại thức ăn này ở trong rừng mà ông chuyên sử dụng.
Riêng tôi đi tu cũng vậy gặp ông thầy trên núi chỉ tôi trái cây nào, lá cây nào, rễ cây nào mà chim thú ăn được thì mình ăn.
Tu hành mình nghiệm cũng có những điều giống như Phật kể, nên mình quyết tâm tu. Và có căn lành sẽ có chân sư chỉ lối đưa đường giúp mình đi đến đích cuối cùng.
Anh em quyết tâm tu sẽ có được những điều kỳ diệu. Tôi đi trên đường đạo cho đến nay gần cuối cuộc đời luôn gặp an lành. Từ đầu gặp chân sư chỉ đường, xa hơn, cảm giác có Bát bộ Thiên long che chở. Tất cả sóng gió cuộc đời tôi vượt qua được nhẹ nhàng.
Phải quyết tâm tu, dám đánh đổi cả mạng sống thì may ra mình có những điều kỳ diệu ngay trong cuộc sống này. Và xa hơn, có thực tập thiền quán, diệt tận thọ, tưởng, hành thức, đến chỗ trống không, kinh Pháp hoa gọi là đến bãi đất trống là Bát-nhã, ngưng bặt thọ, tưởng, hành, thức, chúng ta bắt đầu thấy khác. Thấy khác là thấy gì?
Theo kinh nghiệm tôi tu, nếu thấy bằng thức, thì ban đầu tuy không có ai, nhưng lại thấy có nhiều người xung quanh. Thật vậy, thuở nhỏ, đêm khuya thanh vắng, ở tổ đình Huê Nghiêm, chỉ có hai thầy trò, nhưng tôi nghe tiếng tụng kinh. Hòa thượng nói là Tổ tụng kinh. Đó là bắt đầu nghe cái không nghe, thấy những cái không thấy. Tôi ngồi tụng kinh, tham thiền một mình nhưng hình như thấy nhiều người tụng với mình là thấy nghe của mình vượt thời gian, không gian để đi vào thế giới siêu hình. Và thâm nhập được thế giới siêu nhiên này, từng bước miên mật tu hành, chúng ta sẽ chứng được quả tối thiểu là Dự lưu, bắt đầu bước vào dòng Thánh. Từ đây khởi tu, ít lầm lỡ hơn. Nếu chúng ta còn ở vòng vọng thức tu thì được ít mà mất nhiều, thậm chí không được gì.
Mong các huynh đệ nỗ lực thực tập đúng đắn pháp Phật để gặt hái quả vị Tu-đà-hoàn, có được cái thấy, cái biết thế giới huyền diệu để tỏa sáng Chánh pháp cho nhiều người nương nhờ, cho thế giới này tốt đẹp, an bình.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/nhung-dieu-ky-dieu-trong-cuoc-song-nguoi-tu-post66769.html