Những điều thú vị ở Cù Lao Xanh
Từ Quy Nhơn (Bình Định) nhìn ra hướng biển chừng 24 km, ngay gần đường chân trời là một hòn đảo xanh thẫm màu cây lá nằm giữa bao la sóng nước.
Đó là Cù Lao Xanh thuộc xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn.
Cù Lao Xanh có diện tích khoảng 365 ha với rất nhiều câu chuyện kể từ biển, ngọn hải đăng và những mành lưới mà ngư dân kéo lên mỗi buổi sớm mai.
Đi tìm trứng cá chuồn ở cù lao
Với 30.000 đồng/người, chiếc thuyền gỗ đánh cá tròng trành gần 2 giờ để đưa mọi người đến đảo. Dù có phần vất vả hơn đi cano (chỉ mất khoảng 40phút, chi phí 200.000 đồng/lượt/người) nhưng đi thuyền gỗ cùng những người dân địa phương ở đây lại đem đến trải nghiệm mới khá thú vị. Trên thuyền, các chị, các mẹ rổn rảng nói về phiên chợ sáng nay, giá cá được mất ra sao và rất nhiệt tình trả lời chúng tôi những câu hỏi về xứ cù lao gần mà xa, xa mà gần thành phố này.
Đi theo chỉ dẫn ấy, một trong những việc chúng tôi muốn làm đầu tiên khi đến Cù Lao Xanh là đi tìm cho được trứng cá chuồn.
Ca dao có câu: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Trứng cá chuồn là món ăn ngon nổi tiếng miền biển. Một người bạn của chúng tôi ở làng chài Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) kể trước đây trứng cá chuồn ở quê bạn nhiều lắm. Tới mùa, người dân trong làng chỉ cần lấy rổ đi dọc biển là vớt được rất nhiều. Thế nhưng dạo gần đây, cá chuồn cũng chuồn đi đâu hết, trứng khan hiếm theo.
Đảo đón chúng tôi bằng diện mạo rực rỡ nhất của mùa hè xứ biển. Xanh ngát là sắc màu chủ đạo ở đây. Hình ảnh còn đọng lại mãi về Cù Lao Xanh là những con thuyền neo đậu gần bờ chờ đến giờ ra khơi. Trẻ con ở đảo không kể trưa nắng, hồn nhiên tắm biển và chơi các trò chơi ưa thích trước khi mẹ gọi về ăn cơm.
Cất đồ ở khách sạn xong, chúng tôi lang thang đi dạo và tiếp tục hành trình tìm trứng cá chuồn “huyền thoại”. Đi được một đoạn thì gặp người dân ở đây đang vớt thứ gì vàng vàng óng ánh dưới biển. Đúng là trứng cá chuồn rồi. Sau khi rửa qua với nước để loại bỏ rong rêu, trứng cá chuồn tươi được luộc lên cuốn với bánh tráng, ăn kèm rau sống chấm nước mắm. Quả là quà quý từ biển. Vị tươi ngọt, giòn giòn của trứng khó lẫn khó quên.
Nhiều điểm đến
Cù Lao Xanh bây giờ không còn “tắt đèn” vì chưa có điện như trước nữa. Lượng khách du lịch đến đảo ngày càng nhiều. Các công ty du lịch cũng bắt đầu đầu tư tại đây.
Đến đảo, một trong những món ăn dân dã mà du khách không thể bỏ qua là bánh xèo mực trứ danh. Những con mực tươi vừa được đem lên từ biển buổi sớm sẽ lên mâm “ngọt xớt” trên những khuôn bánh xèo nhỏ xinh ở đảo.
Ngọn hải đăng nằm trên độ cao khoảng 120 m so với mực nước biển, là nơi được giới thiệu như một cột mốc linh thiêng, đẹp đẽ ở Cù Lao Xanh. Xây dựng vào năm 1890, hải đăng này được ví như đôi mắt thần giữa biển và là viên ngọc quý của đảo. Dáng dấp của ngọn hải đăng có sự pha trộn giữa hai nền văn hóa Đông - Tây khá độc đáo. Tầng dưới cùng là bậc thang gồm 32 bậc, xây bằng gạch vồ. Vào trong lòng tháp, du khách đi lên một cầu thang lượn xoắn ốc là tới tầng chính, nơi để đèn.
Ngoài ra, đảo còn nhiều điểm đến ấn tượng khác như cột cờ Tổ quốc, bãi đá thảo nguyên, suối giếng tiên, bãi giếng thùng, bãi lặn san hô… Hơn hết là sự thân thiện, chất phác còn nguyên vẹn từ những ngày xưa cũ của người dân nơi đây. Cũng vì thế, tuy xa mà gần, Cù Lao Xanh luôn có sức vẫy gọi những bước chân yêu thích khám phá, trải nghiệm những điều mới mẻ và đẹp đẽ.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/du-lich/nhung-dieu-thu-vi-o-cu-lao-xanh-113683