Những doanh nghiệp tôn vinh sự thất bại

SurePayroll, công ty cung cấp dịch vụ tính lương đặt tại Illinois, đã thêm hạng mục Sai lầm Mới Hay Nhất vào danh sách khen thưởng nhân viên hàng năm.

Merck & Co., một trong những công ty dược phẩm lớn nhất thế giới, tặng thêm quyền chọn cổ phiếu cho những nhà khoa học dám thừa nhận rằng nghiên cứu của họ mang lại kết quả không như mong muốn. Còn Eli Lilly, một trong mười công ty dược phẩm hàng đầu thế giới, thay vì tặng quà, đã tổ chức “bữa tiệc thất bại” cho các nhà nghiên cứu của họ.

Bài học rút ra là các nhà khoa học thất bại càng nhanh, họ càng sớm có khả năng được phụ trách những dự án với tiềm năng lớn hơn. Họ cần đầu tư vào những công việc mang lại kết quả khả quan thay vì tiêu tiền một cách vô nghĩa. Ông Peter Kim, cựu giám đốc nghiên cứu và phát triển của Merck, đã chỉ ra rằng: “Bạn không thể thay đổi sự thật. Bạn chỉ có thể trì hoãn thời gian để tìm ra, hay chấp nhận nó mà thôi.”

 Ảnh minh họa. Nguồn: Personnel Today.

Ảnh minh họa. Nguồn: Personnel Today.

SurePayroll, một công ty cung cấp dịch vụ tính lương có trụ sở tại Illinois, đã thêm hạng mục Sai lầm Mới Hay Nhất vào danh sách khen thưởng nhân viên hàng năm của mình. Ba người chiến thắng (vàng, bạc và đồng) sẽ được lựa chọn mỗi năm bởi đội ngũ quản lý và được trao giải thưởng bằng tiền mặt.

“Nếu bạn không khuyến khích mọi người chấp nhận rủi ro, thì công ty bạn sẽ mãi mãi chỉ theo đuổi được chủ nghĩa gia tăng, đi từng bước rất nhỏ để phát triển.” Michael Alter, chủ tịch của SurePayroll chia sẻ. “Bạn biết không, sai lầm chính là học phí cần thiết mà bạn phải trả để nhận được thành công.”

HCL Technologies, công ty phát triển phần mềm nổi tiếng thế giới, thậm chí còn mời các giám đốc điều hành xây dựng một tài liệu gọi là CV Thất Bại của riêng họ. Theo đó, để được tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo nội bộ rất được yêu thích tại HCL, các ứng viên được yêu cầu mô tả CV Thất Bại của mình: liệt kê các sai lầm lớn nhất xuyên suốt sự nghiệp và giải thích những gì họ đã học được từ mỗi trải nghiệm như vậy.

Phương pháp này khá tương đương với cách tiếp cận của giáo sư Edward Burger trong việc chấm điểm các sinh viên. Ở HCL, để có thể thăng tiến về chức vụ, các nhà lãnh đạo tiềm năng trước tiên phải chứng tỏ được rằng họ có khả năng biến thất bại trong quá khứ thành tiến bộ trong tương lai. Những người không xác định được bất cứ một sai lầm nào sẽ nhận được lời khuyên rằng họ nên chuẩn bị nội dung này trong các đơn xin việc hoặc xin thăng chức về sau.

Sáng kiến của HCL về CV Thất Bại thực sự là một ý tưởng rất thú vị. Từ đây, một câu hỏi được đặt ra là: CV Thất bại của những vĩ nhân như Babe Ruth, William Shakespeare hay Steve Jobs thì sẽ như thế nào? Và CV Thất Bại của họ khác biệt gì so với CV Thất Bại của chúng ta?

Một điều chúng ta có thể dự đoán được đó là CV Thất Bại của những người thành công thường sẽ dài một cách đáng ngạc nhiên. Đây là phát hiện mà đa phần chúng ta sẽ cảm thấy lạ lùng, mới mẻ. Thông thường, ta không nghĩ những người dẫn đầu lại là những kẻ thất bại kinh niên. Nhưng bằng một cách nào đó, nó lại chính xác là sự thật. Thậm chí, đây còn là yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công của họ trong sự nghiệp.

Câu chuyện trên chính là một bài học với ý nghĩa mạnh mẽ cho các doanh nghiệp để có thể xây dựng môi trường làm việc của mình. Nếu các tổ chức truyền thông trong nội bộ với nhân viên rằng thất bại là không thể chấp nhận, họ sẽ phải chịu một cái giá vô hình: đó là phản ứng tâm lý tiêu cực, khiến cho tư duy, sức sáng tạo của nhân viên bị hạn chế, thậm chí khuyến khích nói dối, che đậy lỗi sai và hậu quả là càng nhiều sai lầm xảy ra hơn. Đây là phương thức trao đổi không hợp lý, bỏ qua thực tế căn bản về cách mà sự học hỏi và đổi mới diễn ra trong quá trình làm việc.

Chúng ta luôn muốn tin rằng quá trình phát triển sẽ diễn ra một cách đơn giản, và thành công cũng như thất bại mà chúng ta có được sẽ cung cấp các chỉ báo rõ ràng về giá trị công việc, về mức độ tiến bộ của chúng ta. Thế nhưng, con đường để vươn đến sự ưu tú hiếm khi là một đường thẳng hay bằng phẳng.

Nếu phải rút ra một bài học chung về những người thành công thông qua sự nghiệp, trải nghiệm của họ, thì bài học đó sẽ là: Đôi khi, cách tốt nhất để giảm thiểu thất bại lại là dang rộng vòng tay đón nhận nó.

Ron Friedman/Bách Việt Books – NXB Thanh Hóa

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-doanh-nghiep-ton-vinh-su-that-bai-post1484284.html