Những đóng góp của Công an Hà Nội trước, trong và sau ngày Giải phóng Thủ đô

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, chúng ta cùng nhìn lại những đóng góp của lực lượng Công an Hà Nội cho sự kiện này để càng thêm tự hào về truyền thống anh hùng của Công an Hà Nội nói riêng, của quân và dân Thủ đô nói chung.

Lực lượng nòng cốt tham gia tiếp quản Thủ đô

Đến đầu tháng 10/1954, công tác chuẩn bị tiếp quản đã hoàn tất, lực lượng vũ trang, trong đó có Công an Hà Nội và nhân dân Thủ đô đã sẵn sàng hướng về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 - mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngày 6-10-1954, địch rút khỏi Văn Điển, quận lỵ đầu tiên của Hà Nội được giải phóng. Lực lượng Công an trật tự và dân cảnh vào tiếp thu đồn cảnh binh đầu tiên ở đây. Cùng ngày, địch rút khỏi thị xã Hà Đông. Đoạn đường số 6 từ thị xã về đến Ngã Tư Sở không còn đồn địch. Cơ quan Đảng ủy tiếp quản từ huyện Thanh Oai chuyển về thị xã; Sở chỉ huy của Ủy ban quân chính và Bộ tư lệnh Đại đoàn 308 cũng chuyển về đoạn đường này để chỉ đạo sát cuộc tiến quân của các đơn vị quân đội sẽ vào tiếp thu các khu vực quy định.

Nhân dân ngoại thành chờ đón quân giải phóng

Nhân dân ngoại thành chờ đón quân giải phóng

Ngày 7-10-1954, Pháp tiếp tục rút quân, phía Tây đến đê La Thành, phía Bắc đến sông Đuống. Quân ta nhanh chóng áp sát vành đai từ Nhật Tân qua Cầu Giấy, Ngã Tư Sở đến Vĩnh Tuy.

Thời điểm này, ta nắm được thông tin công an “ngụy” đã bố trí nhiều nhóm phản động gây rối trên các đường tiến quân của ta. Chúng có thể bắn súng, ném lựu đạn vào đoàn quân, rải truyền đơn phản động trên đường phố…. Lãnh đạo Công an Hà Nội đã chỉ thị ngay cho lực lượng trinh sát nội thành có kế hoạch đối phó, vô hiệu hóa.

Quân Pháp rút đến đâu, quân ta nhanh chóng tiếp quản đến đó

Quân Pháp rút đến đâu, quân ta nhanh chóng tiếp quản đến đó

Ngoài ra, Bí thư Đảng ủy tiếp quản còn chỉ thị các lực lượng vũ trang cử một tổ trinh sát, bí mật bảo vệ đoàn quay phim Xô-viết, được phía Pháp cho phép vào nội thành, quay cảnh quân Pháp rút và quân ta vào tiếp quản. Một tổ trinh sát khác được phân công nắm tình hình và bảo vệ một bộ phận của Ủy ban quốc tế giám sát đình chiến vào trước, đóng trụ sở tại Phòng Thương mại (nay là Phòng Bưu điện quốc tế ở phố Đinh Lễ) và khách sạn Mê-tơ-rô-pôn (nay là khách sạn Thống Nhất).

Các phóng viên, đạo diễn Xô-viết tác nghiệp để làm những thước phim vô giá về ngày Giải phóng Thủ đô

Các phóng viên, đạo diễn Xô-viết tác nghiệp để làm những thước phim vô giá về ngày Giải phóng Thủ đô

Ngày 8-10-1954, các đội hành chính trật tự vào trước đã hoàn thành việc ký kết các văn bản bàn giao 129 cơ quan, công sở, các công trình lợi ích công cộng, các bệnh viện, trường học. Cùng ngày, ban tiếp thu quân sự cùng với 214 cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ đội cảnh vệ vào thành phố chuẩn bị nhận bàn giao các vị trí, cơ quan quân sự và bố trí gác chung với quân Pháp ở 35 địa điểm quy định. Ngay chiều hôm đó, vào hồi 18 giờ, dưới trời mưa nặng hạt, tướng Masson (Mát-xông) Tư lệnh các đơn vị thoái triệt tổ chức lễ cuốn cờ tại chân cột cờ trong thành Hoàng Diệu. Buổi lễ diễn ra ngắn ngủi, lặng lẽ, buồn thảm.

Quân Pháp tổ chức Lễ hạ cờ

Quân Pháp tổ chức Lễ hạ cờ

Mặc dù từ mấy hôm trước, người Pháp đã bỏ mặc thành phố trong tình trạng vô chính phủ nhưng được sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy tiếp quản, các lực lượng Công an đã cùng với cán bộ các ngành, các đoàn thể hướng dẫn cho công nhân, viên chức các cơ quan, công sở, nhân dân tự tổ chức việc tuần tra, canh gác nên an ninh trật tự vẫn được duy trì, bảo vệ những hoạt động sôi nổi, khẩn trương của nhân dân chuẩn bị đón mừng các lực lượng kháng chiến trở về Thủ đô.

Lực lượng hoạt động nội thành của Công an Hà Nội những ngày trước đã phải làm việc căng thẳng nay lại phải căng ra để bảo vệ an toàn cho các đơn vị quân đội, các ngành trở về giải phóng thành phố.

Giữ vững an ninh trật tự Thủ đô, tạo niềm tin tưởng đối với mọi tầng lớp Nhân dân

Sáng sớm ngày 9-10-1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra bản Nhật lệnh cho các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp quản: "Phải đoàn kết chặt chẽ giữa các lực lượng, đoàn kết chặt chẽ với đồng bào để giữ vững an ninh trật tự Thủ đô, triệt để chấp hành 8 chính sách và 10 Điều kỷ luật của Chính phủ, bảo vệ, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, luôn luôn nâng cao cảnh giác, bồi dưỡng ý chí chiến đấu, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại". Cùng ngày, Ủy ban Quân chính thành phố cũng ra Thông cáo gửi toàn thể đồng bào, chiến sĩ Thủ đô.

Sau khi nêu rõ ý nghĩa thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân ta, dẫn đến ký kết Hiệp nghị Giơ-ne-vơ và giải phóng Thủ đô, quyết định thành lập Ủy ban Quân chính thành phố do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, Bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó chủ tịch.

Bản thông cáo còn kêu gọi: "Anh chị em công nhân hãy ra sức giữ gìn công xưởng, giữ vững và nâng cao sản xuất. Các viên chức đã làm cho chính quyền Pháp và Bảo Đại hãy đến công sở tiếp tục làm việc. Học sinh, sinh viên hãy đến trường để tiếp tục học tập. Anh chị em tiểu thương, tiểu chủ hãy yên ổn làm ăn, phát triển sản xuất kinh doanh buôn bán. Các nhà công thương nghiệp hãy ra sức phục hồi sản xuất, mở mang công thương nghiệp. Các sĩ quan, binh lính của chính quyền Pháp và Bảo Đại hãy ra ghi tên đăng ký. Nông dân ngoại thành hãy hăng hái cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi. Tính mạng và tài sản của tất cả ngoại kiều đều được bảo hộ".

Nhân dân đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về Giải phóng Thủ đô

Nhân dân đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về Giải phóng Thủ đô

Mọi tầng lớp nhân dân Hà Nội thực sự phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của Chính phủ và nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Quận chính thành phố, hết lòng ủng hộ các lực lượng vũ trang vào tiếp quản giải phóng Thủ đô.

Ngày 9-10-1954, các tổ tự vệ - Công an nội thành đã dẫn đường cho đợt tiến quân thứ nhất của Bộ đội theo 5 hướng vào tiếp quản Thành phố. Cuộc hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô được khởi hành thống nhất vào đúng 5 giờ 45 phút. Các công sở, vị trí quân sự trong nội thành được tiếp thu hoàn tất vào 10 giờ 30 phút.

Song song với cuộc tiến quân tiếp quản nội thành, ở ngoại thành, các đội hành chính trật tự cùng với các đơn vị bộ đội tiến vào tiếp quản 4 quận hành chính là Quảng Bá, Cầu Giấy, Quỳnh Lôi và Ngã Tư Sở; cuối cùng, đến 11 giờ, tiếp quản xong Đại lý Hoàn Long.

Từng công sở, xí nghiệp, vị trí quân sự; từng thôn xã, đường phố được tiếp quản đến đâu thì bộ đội, công an, tự vệ và công nhân cùng lực lượng hành chính của Ủy ban Quân chính triển khai ngay việc canh gác, tuần tra giữ gìn an ninh trật tự, quản lý tài sản nghiêm ngặt đến đó.

Đúng 18 giờ, tốp lính Pháp cuối cùng ở bốt gác cầu Long Biên rời khỏi vị trí, đi sau cùng đội quân bại trận rút vĩnh viễn khỏi Hà Nội là viên Đại tá Đa-răng-xơ.

Hà Nội hoàn toàn giải phóng, sạch bóng quân xâm lược

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính; Bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, dẫn đầu đoàn quân tiến về Thủ đô

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính; Bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, dẫn đầu đoàn quân tiến về Thủ đô

Đúng 8 giờ sáng ngày 10-10-1954 cuộc tiến quân thứ hai theo đội hình diễu binh của Đại đoàn quân Tiên phong (F308) tiến vào nội thành theo hai hướng, gặp nhau tại trung tâm Thủ đô là Hồ Gươm. Dẫn đầu đoàn Ủy ban Quân chính thành phố có Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính; Bác sĩ Trần Duy Hưng phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính; tiếp theo là Bộ tư lệnh Đại đoàn 308, có Chính ủy Song Hào, Đại đoàn phó Vũ Yên; tiếp đến là các đơn vị Bộ đội bộ binh, cơ giới, pháo binh, cao xạ... Đại diện cho đội quân chiến thắng là Trung đoàn Thủ đô, đi đầu hàng quân là Trung đoàn trưởng anh hùng Nguyễn Quốc Trị, rồi đến các đơn vị của Trung đoàn 36, 88.

Đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô

Đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô

Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng - Hai mươi vạn nhân dân Hà Nội -áo quần tề chỉnh, đẹp đẽ như ngày hội, tay cầm cờ hoa rực rỡ, đứng chật hai bên đường phố, vẫy chào đón mừng Chính quyền và Quân đội cách mạng. Qua nhiều đoạn đường phố (Bờ Hồ, Hàng Ngang, Hàng Đào, Phố Huế...) nhân dân đã ùa xuống lòng đường tặng hoa, bắt tay, ôm hôn nồng nhiệt cán bộ, chiến sĩ bộ đội mà họ đã xa cách 9 năm trường.

Đúng 15 giờ, còi Nhà Hát Lớn thành phố nổi lên một hồi dài, lá cờ đỏ sao vàng, hình ảnh thiêng liêng của Tổ Quốc, được trao cho Anh hùng Nguyễn Quốc Trị, từ từ kéo lên đỉnh cột cờ của thành Thăng Long cổ kính cùng với tiếng nhạc tiến quân ca hào hùng làm rộn rã hàng vạn trái tim của người Hà Nội trong ngày đầu được giải phóng.

Chuẩn bị Lễ mít tinh, báo cáo thắng lợi của “Ngày tiếp quản”

Chuẩn bị Lễ mít tinh, báo cáo thắng lợi của “Ngày tiếp quản”

Cuộc mít tinh và duyệt binh long trọng tại sân vận động Cột Cờ đơn giản và trang nghiêm. Lời thề "Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh" 9 năm về trước của nhân dân Hà Nội, của chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, của Liên khu I, của chiến sĩ Trung đoàn An Giao và của Liên khu 2.., trong đó có những chiến sĩ trinh sát Công an Bắc Bộ, công an xung phong, cảnh sát xung phong và cảnh sát trật tự... lời thề thiêng liêng đó hôm nay - 10/10/1954 - đã thực hiện trọn vẹn với Thủ đô./.

Trang Nhuần

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-dong-gop-cua-cong-an-ha-noi-truoc-trong-va-sau-ngay-giai-phong-thu-do-post592095.antd