Những đồng rau xen canh

Đến xã Suối Nho, H.Định Quán, điểm nổi bật nhất gây sự chú ý cho nhiều người là hình ảnh những cánh đồng rau hẹ, ngót… xen canh với các loại cây trồng khác như bắp, mít…

Mô hình trồng rau ngót xen canh cây mít của bà Nguyễn Thị Dung (xã Suối Nho, H.Định Quán). Ảnh: T.Mộc

Mô hình trồng rau ngót xen canh cây mít của bà Nguyễn Thị Dung (xã Suối Nho, H.Định Quán). Ảnh: T.Mộc

Nhờ sự linh động trong sản xuất, nông dân xã Suối Nho những năm gần đây có sự phát triển ổn định về kinh tế. Suối Nho trở thành vùng trồng rau xen canh hiệu quả.

* Xen canh, tăng năng suất

Hai loại rau được trồng xen canh nhiều nhất là hẹ và rau ngót. Đây cũng là hai loại rau chủ lực của Suối Nho.

Ấp 2, xã Suối Nho được đánh giá là địa bàn có nhiều diện tích trồng rau xen canh hiệu quả nhất. Nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ hình thức xen canh này. Điển hình như gia đình anh Ngô Văn Lợi (ấp 2) hiện đang áp dụng xen canh cây rau ngót với cây bắp. Theo anh Lợi, mỗi đợt thu hoạch rau ngót cách nhau khoảng 2,5 tháng, đây cũng là thời gian sinh trưởng của cây bắp nên khi rau ngót đến thời điểm được cắt thì cũng là lúc anh Lợi có thể thu hoạch luôn cả cây bắp.

Với 7 sào đất, anh Lợi chia đôi diện tích, gieo trồng vào hai khoảng thời gian khác nhau để bảo đảm khoảng cách thời gian thu hoạch rau ngắn lại, trong vòng chỉ hơn 1 tháng sẽ có một đợt thu hoạch. Anh Lợi ước tính, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi tháng trung bình gia đình anh thu về khoảng 20 triệu đồng. Trồng xen canh vừa tận dụng đất trống, vừa tạo bóng mát cho rau lại tăng thu nhập nên không chỉ gia đình anh mà phần lớn các hộ xung quanh đều thực hiện rất hiệu quả.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Dung cũng canh tác rất hiệu quả diện tích 1 ha rau màu của gia đình. Bà Dung cho biết, hiện tại vườn rau của bà có khá nhiều loại như rau mồng tơi, đậu bắp, đậu ve, một vườn rau ngót xen canh cây mít và một vườn rau ngót xen canh cây tắc. Với cách phân chia thành từng vườn nhỏ này, ngày nào gia đình bà Dung cũng có thu nhập ổn định từ các loại rau.

“Trồng xen canh hoặc chia nhỏ diện tích để canh tác được nhiều loại rau sẽ giúp bà con có thể chủ động trong chăm sóc cũng như thu hoạch. Rau là loại cây ngắn ngày nên việc giá cả lên xuống cũng không ảnh hưởng lớn đến người trồng vì người dân ở đây phần lớn đã trồng rau lâu năm nên nắm được chu kỳ giá cả lên xuống, do đó bà con luôn biết cách để bảo đảm được thu nhập cũng như phân bổ lượng rau cung cấp cho thị trường vào từng thời điểm khác nhau” - bà Dung chia sẻ.

* Phát triển cây trồng chủ lực

Là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cho bà con xã Suối Nho từ nhiều năm nay, cây hẹ vẫn đang đứng vị trí số 1 về diện tích được trồng trên địa bàn xã. So với khoảng 10 năm trước, diện tích hẹ hiện tại đã tăng gấp nhiều lần với khoảng 200ha. Những năm gần đây, khi giá cả thất thường, tình trạng sâu bệnh của các loại cây lâu năm như tiêu, điều… khiến người trồng gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ vườn cây lâu năm sang trồng rau các loại. Trong đó, phần lớn là hẹ và rau ngót xen canh cho thu nhập ổn định hơn.

UBND xã Suối Nho cho biết, theo kế hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương năm 2020, dự kiến có trên 2,9 ngàn ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích cây bắp đạt trên 1,2 ngàn ha, sản lượng dự kiến trên 91 ngàn tấn; rau màu có diện tích trên 820ha, sản lượng dự kiến gần 102 ngàn tấn; diện tích lúa 500ha, sản lượng dự kiến 27 ngàn tấn…

Thời gian qua, công tác đầu tư các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như giao thông nông thôn, điện, nước… được UBND H.Định Quán quan tâm đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thăm vườn hẹ gần 1ha của gia đình anh Trần Văn Thảo (ấp 1) đang chuẩn bị tới ngày thu hoạch, ít ai biết được trước đó chưa đầy 1 năm, nơi đây là vườn tiêu lâu năm khiến gia đình anh thất thu vì sâu bệnh và mất giá. Anh Thảo đã quyết định chặt bỏ tiêu để trồng hẹ. Cây hẹ cứ 35 ngày sẽ được cắt một lần, mỗi lần cắt anh Thảo thu được 3 tấn/sào. Với giá hẹ hiện đang xuống mức thấp nhất như hiện nay là 2,8 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí khoảng 50%, mỗi tháng anh thu về vài chục triệu đồng.

Chia sẻ về tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã những năm gần đây, ông Đinh Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Suối Nho cho biết, nhờ sự linh động trong chuyển đổi cây trồng nên những năm qua, đời sống của bà con Suối Nho có nhiều thay đổi. Không chỉ đối với người trồng rau và nhiều người dân cũng có thêm thu nhập từ các dịch vụ đi kèm như: nhặt rau hẹ sau khi thu hoạch, nhiều vựa thu mua rau nổi lên, tạo đầu ra ổn định cho bà con yên tâm sản xuất.

Theo ông Hùng, dù diện tích trồng rau tăng nhanh nhưng do có kinh nghiệm lâu năm và quen với nhu cầu thị trường nên bà con chủ động chọn loại cây trồng phù hợp, không để xảy ra tình trạng rau bị dồn ứ do lượng cung lớn hơn cầu. Bên cạnh đó, người dân cũng chủ động tìm hiểu kiến thức trong chăm sóc, cải tạo vườn để chất lượng rau cung cấp cho thị trường bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Thủy Mộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/202004/nhung-dong-rau-xen-canh-3000554/