Những đứa trẻ thèm một gia đình đúng nghĩa
Chưa có một thống kê đầy đủ nào về việc có bao nhiêu đứa trẻ hiện nay phải sống với ông bà do ba mẹ bỏ nhau và mỗi người lại có một gia đình mới. Tuy nhiên, chỉ trong trường tôi, trường nhiều đồng nghiệp trên cùng một địa bàn thì số lượng những học sinh không được ở với bố mẹ cũng chiếm số lượng khá đông.
Có em còn mẹ nhưng thiếu vắng cha. Em có cha lại thiếu đi tình thương của mẹ. Điều đáng buồn nhất là những đứa trẻ này lại không được ở với một trong hai đấng sinh thành mà ở với ông bà nội hoặc ngoại vì cả cha và mẹ của các em ai cũng đã có cho mình một gia đình mới.
Một nơi nuôi trẻ mồ côi. Ảnh minh họa IT
Những đứa trẻ thiệt thòi
Minh là cậu học trò lớn tuổi nhất lớp. Theo cô giáo chủ nhiệm, em đã ở lại lớp 1 đến 2 năm nhưng lực học vẫn không có nhiều thay đổi. Em học khá yếu tất cả các môn . Học đâu quên đó và hầu như không nhớ được gì.
Mỗi ngày đến lớp, Minh thường xuyên bị thầy cô nhắc nhở bởi có hôm quên sách, hôm không có viết, hôm lại không mang vở.
Minh thường ngồi lặng lẽ ở một góc lớp kể cả vào giờ ra chơi khi xung quanh các bạn nô đùa với đủ các trò chơi của tuổi nhỏ cũng không hề hấp dẫn em. Mỗi ngày vẫn thường thấy người phụ nữ lớn tuổi em gọi là ngoại chở em đến trường và đón em về nhà.
Có lần, ngoại kể với chúng tôi về hoàn cảnh của em. Ba mẹ em bỏ nhau, ba đã có vợ mới còn mẹ cũng đã có chồng và sinh một em bé ở nơi khác. Em được mẹ gửi hẳn ở nhà ngoại, một năm mẹ chỉ về nhà vài lần thăm em nhưng hai năm gần đây do bầu bì và sanh em bé nhỏ nên mẹ vẫn chưa thể thu xếp về thăm em lần nào.
Có lần vừa nghe cô hỏi đến mẹ, mắt em đã ngấn nước và lặng im một hồi mới cất tiếng nói thổn thức: “Mẹ có em bé rồi, không ở với con đâu. Con nhớ mẹ”. Nghe em nói cô cũng thấy rưng rưng.
Cùng hoàn cảnh với Minh, bé Anh Tuấn (học sinh lớp 2) được ba mẹ gửi hẳn cho ông bà ngoại nuôi. Ba của Tuấn Anh đã có vợ và mẹ cũng đã có chồng ở một nơi xa.
Anh Tuấn cũng bị liệt vào nhóm học sinh chậm tiến vì lực học rất yếu. Em hầu như không bao giờ chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Sách vở, bút viết gần như ngày nào lên lớp cũng thiếu.
Anh Tuấn khá nghịch ngợm và hung hãn. Em có thể xông vào đánh bất cứ bạn nào (kể cả các anh chị lớp lớn) vì bị trêu ghẹo hoặc thấy không vừa ý.
Vậy mà em lại rất mau nước mắt. Chỉ cần cô lớn tiếng một chút là nước mắt nước mũi chảy giàn dụa cả khuôn mặt. Đã không ít lần, em hồ hởi khoe với cô: “Cô ơi! Hôm nay mẹ con về. Chiều mẹ đến trường đón con”.
Tôi cứ ám ảnh mãi ánh mắt và khuôn mặt em lúc ấy, nó sáng ngời niềm hạnh phúc ngỡ quá đổi bình thường đối với bao bạn bè cùng trang lứa. Rồi suốt buổi chiều hôm ấy, em vui và hoạt bát hơn hẳn.
Có lần, vừa thấy tôi xuất hiện ở cửa lớp, em chạy lại nói rằng: “Vài bữa, con không học ở đây nữa. Con sắp được về ở với mẹ”. Rồi em nói mẹ sẽ chuyển trường và đón em về ở cùng. Tuy nhiên, cái “vài bữa” mà em nói, em chờ đợi cả 2 năm học vẫn chưa xảy ra.
Dù ở với ngoại hay với nội như bé Minh và Anh Tuấn vẫn còn là hạnh phúc vì ngoại (nội) của các em còn trẻ lại chỉ chăm mỗi mình em nên cũng có chút điều kiện. Ngoại của cô bé Hiền năm nay đã 75 tuổi nhưng cùng lúc phải nuôi tới 3 đứa cháu do mẹ của Hiền bỏ lại để đi lấy chồng khác.
Ngoại đã già lại phải chăm nhiều cháu nên Hiền thiếu thốn đủ thứ. Quanh năm chỉ thấy em có vài ba bộ đồ đồng phục đã ngả sang màu cháo lòng. Chưa bao giờ thấy em đến trường mang theo một món đồ ăn vặt như bao bạn. Nhiều khi tôi bắt gặp em nhìn bạn ăn với ánh mắt thòm thèm đến tội.
Bao giờ cũng vậy, vào tuần cuối cùng của tháng, ngoại Hiền lại xin tôi cho em nghỉ học 1 ngày để vào thành phố Hồ Chí Minh gặp ba. Còn mẹ thì vài ba tháng sẽ tự về thăm em một lần.
Lâu thành quen, Hiền luôn mong ngóng đến ngày được đoàn tụ với bố. Nhiều lần tôi nghe em hồ hởi khoe mà xót hết cả lòng “ngày mai cô cho con nghỉ học nha. Con đi thăm bố của con vui lắm ạ”. Có lần em thủ thỉ “mẹ em mới sanh một em bé nên không về với con được. Giờ mẹ chỉ thương em bé thôi”.
Thiếu vắng tình thương, sự dạy dỗ tạo nên gánh nặng cho gia đình và xã hội
Con mong được gặp cha mẹ nhưng không phải cha mẹ nào cũng muốn gặp con. Chị phụ huynh có con học trong lớp đã làm tôi bất ngờ đến sửng sốt khi nghe chị trải lòng “Em không muốn nhìn mặt nó. Nó là sai lầm một thời tuổi trẻ của em, cứ nhìn thấy nó là nhớ chuyện xưa đau lòng lắm”.
Cũng có phụ huynh thẳng thắn bày tỏ: “Chẳng lẽ cả đời phải ôm con sao? Mình có bỏ rơi đâu, bà ngoại cũng đang nuôi mà. Ngoại ngày xưa đã nuôi mẹ nó thì lẽ nào không nuôi được nó?”.
Điểm chung của những đứa trẻ này thường có nét phảng phất buồn trên khuôn mặt non nớt dù trong số đó có những em trông khá nghịch ngợm, ngổ ngáo. Nhiều em có lực học khá yếu vì thường xuyên đi chơi, giao du với những bạn bè đã bỏ học.
Có em dù còn nhỏ nhưng gia đình hầu như bỏ rơi. Mình còn nhớ, vụ một số học sinh ở trường trung học đánh hội đồng một nhóm học sinh khác. Khi được mời gia đình lên, có bà ngoại một em cho biết: “tôi cũng bất lực rồi, nhà trường muốn làm gì nó thì làm”.
Từ thực tế cho thấy, giới trẻ thời nay kết hôn nhanh và ly hôn cũng chóng vánh. Một số bạn trẻ cũng ít sự chịu đựng, hy sinh như thời trước. Chỉ cần không đồng ý hoặc bực mình đối phương chuyện gì cũng nhanh chóng nói lời chia tay và dễ dàng tìm cho mình một mối quan hệ khác.
Không ít người trong số đó sẵn sàng gửi con cho nội hoặc ngoại nuôi dưỡng còn mình đi xây dựng hạnh phúc mới. Những đứa trẻ thiếu vắng tình thương, sự chăm sóc dạy dỗ của cha (mẹ) hoặc cả cha lẫn mẹ sẽ vô cùng thiệt thòi. Các em dễ dàng vướng vào các cạm bẫy của cuộc sống tạo nên gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nhung-dua-tre-them-mot-gia-dinh-dung-nghia-106186.html