Những giá trị quý từ cuốn sách 'Giải mã văn hóa Đông Sơn'
Cuốn sách 'Giải mã văn hóa Đông Sơn' của hai tác giả GS.TS Trịnh Sinh và Nguyễn Văn Kính mới đây đã đạt giải Nhất hạng mục sách do Hội đồng Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại do Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Đây là một tác phẩm được đầu tư nghiêm túc, có sức nặng, kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Khổ sách 25,5 x 33,5 cm, dày 568 trang, tư liệu phong phú, kiến giải thuyết phục, bản ảnh, bản vẽ, bản dập hoa văn đẹp và chuẩn xác, bố cục chặt chẽ, thiết kế chuyên nghiệp. Cầm cuốn sách trên tay cho đến khi đọc xong, tôi và chắc chắn, với hầu hết độc giả, đều có cảm hứng về hình thức và say sưa về nội dung, được ấn phẩm đem lại.
Trên thị trường sách nghệ thuật Việt Nam, trong mấy năm gần đây, công trình nghiên cứu dạng này còn ít, cần được cổ vũ để những công trình nghiên cứu sau ngày càng tốt hơn, tạo nên một bước đột phá mới trong văn hóa đọc.
Dựa trên nguồn tư liệu, xuất phát từ bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn của nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính (4 chiếc trống, 2 chiếc thạp, 1 chiếc chuông và 2 chiếc dao găm), trong đó, đa phần là bảo vật quốc gia. Hai tác giả cập nhật nhiều tư liệu văn hóa Đông Sơn đã hoặc chưa được công bố, để kiến giải nhiều vấn đề về văn hóa Đông Sơn. Đây là một cách tiếp cận hợp lý và hiệu quả, để thấy được những nét độc đáo và khác lạ của bộ sưu tập cá nhân trong bối cảnh chung của văn hóa Đông Sơn, khẳng định thêm giá trị của bộ sưu tập, nếu đặt nó trong một bối cảnh Đông Sơn vô cùng rộng lớn, phong phú và đa dạng.
Căn cứ vào những nguồn tài liệu chân xác, hai tác giả đã phác dựng được nhiều mặt về đời sống của cộng đồng Việt cổ, môi trường tự nhiên và xã hội của họ, cùng với tín ngưỡng tâm linh độc đáo của cha ông (lễ đâm trâu, lễ hội cầu mùa, lễ hội đua thuyền, tín ngưỡng phồn thực…), đây đó đã thấy trên hoa văn Đông Sơn, nhưng với trống đồng của sưu tập Kính Hoa, được diễn giải khác lạ, qua bố cục hoa văn, qua chi tiết của từng mảng đề tài, qua đường nét thể hiện… Một bức tranh phác thảo về xã hội Đông Sơn đã được hiện hình, với những mảng đậm nhạt khác nhau, như một cánh cửa mở ra từ cuốn sách, tạo cảm hứng cho những nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục tìm tòi, khám phá đối với một nền văn hóa biểu trưng của người Việt còn nhiều điều bí ẩn và hấp dẫn.
Cũng trên bức tranh phác thảo này, người đọc còn thấy một ngôn ngữ nghệ thuật đầy cá tính và bản sắc của người Đông Sơn, không giống với những nền văn minh khác trong khu vực và trên thế giới, dù có sự giao thoa, tiếp biến. Bản sắc Đông Sơn trải qua hơn 2.000 năm có lẻ vẫn sừng sững tỏa sáng, kể cả chiều đồng đại lẫn lịch đại, có ảnh hưởng đến tận hôm nay trong nền văn hóa Việt Nam.
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính là người yêu văn hóa Đông Sơn đến cháy bỏng. Ông coi trống đồng và thạp đồng Đông Sơn là hai biểu tượng của nền văn hóa này, đồng thời cũng là hai trong những biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Điều tâm niệm ấy đã hối thúc ông sưu tầm và sưu tập, đặc biệt là trống đồng và thạp đồng. Tình yêu Đông Sơn khiến ông cùng GS.TS Trịnh Sinh đã biên soạn tới ba công trình khoa học có liên quan. “Giải mã văn hóa Đông Sơn” chắc chưa phải là ấn phẩm cuối cùng.
Sáng 18-1-2025 sẽ diễn ra tọa đàm và khai mạc trưng bày nghệ thuật đông Sơn của nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).