Đại gia đình ở Đắk Lắk có 5 dân tộc, ai nấy đều nói được nhiều thứ tiếng khác nhau

Một đại gia đình ở tỉnh Đắk Lắk có 30 thành viên với năm dân tộc sinh sống hòa thuận, ai nấy đều nói được nhiều thứ tiếng dân tộc khác nhau.

Ngày 7-7, ông Hồ Sỹ Chuyên, cán bộ văn hóa xã Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, xác nhận một gia đình trên địa bàn xã có tới năm dân tộc anh em với 30 thành viên cùng sinh sống gần nhau rất hòa thuận.

Một gia đình năm dân tộc

Tìm đến buôn Jang Lành, xã Buôn Đôn hỏi nhà Mí Tim, hầu như ai cũng biết vì đây là gia đình duy nhất trong vùng có tới năm dân tộc anh em. Mí Tim tên thật là H’Tum Niê (56 tuổi), bà có cha là người Thái Lan, mẹ là người Lào.

 Anh Y Thanh Tú (ở giữa) trao đổi với các phóng viên về việc gia đình có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận. Ảnh: T.T

Anh Y Thanh Tú (ở giữa) trao đổi với các phóng viên về việc gia đình có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận. Ảnh: T.T

Trò chuyện với PV sau buổi đi rẫy về, bà H’Tum cho biết gia đình bà có tám người con (bảy gái, một trai). Vì gia đình đông con nên trong nhà bà được thiết kế nhiều gian, nhiều phòng ngủ.

Căn nhà của bà H’Tum mang nét kiến trúc độc đáo của người Thái Lan. Hiện nay, trong buôn Jang Lành chỉ có bốn căn nhà mang kiến trúc, hình dáng kiểu này.

Vẫn lời bà H’Tum, từ năm 2010, các con của bà lần lượt lập gia đình riêng. Con dâu, con rể của bà là người các dân tộc khác nhau như: M’nông, Ê-Đê, Mường, Kinh. Bà H'Tum cho rằng, việc gia đình có nhiều con dâu, con rể là người dân tộc khác chính là điều may mắn, hạnh phúc mà bà có được.

“Nhiều người cứ yêu cầu con cái nên cưới người cùng dân tộc để hòa hợp văn hóa nhưng tôi thì nghĩ khác. Với tôi, con cái cưới ai cũng được, quan trọng nhất là các con dâu, rể đều hiền lành, yêu thương, đoàn kết với nhau”, bà H’Tum nói.

 Căn nhà của bà H'Tum được xây dựng theo kiến trúc người Thái Lan. Ảnh: T.T

Căn nhà của bà H'Tum được xây dựng theo kiến trúc người Thái Lan. Ảnh: T.T

Bà H’Tum nói thêm, các con của bà đều dựng nhà gần nhau tại buôn Jang Lành để hỗ trợ nhau trong cuộc sống và sản xuất. Mỗi lần nhà có việc, con cháu đều sum vầy về nhà bà, lên đến 30 thành viên. Dù vậy, nhà bà H’Tum vẫn đủ chỗ cho con cháu ngủ lại.

Ai nấy đều nói được nhiều tiếng dân tộc khác nhau

Do có con dâu, con rể là người dân tộc khác nên bà H’Tum cũng hiểu rõ các phong tục văn hóa, ngôn ngữ của nhiều dân tộc anh em.

 Bà H'Tum trao đổi về niềm vui khi gia đình có con dâu, con rể là người nhiều dân tộc khác. Ảnh: H.D

Bà H'Tum trao đổi về niềm vui khi gia đình có con dâu, con rể là người nhiều dân tộc khác. Ảnh: H.D

Đặc biệt, bà H’Tum có thể nói được năm thứ tiếng của các dân tộc như Ê Đê, Lào, M'nông, Kinh và Gia Rai. Ngoài ra, bà có thể nghe, hiểu được tiếng Tày, Mường.

Bà H’Tum nói thêm, gia đình bà có hơn 10 ha đất rẫy và vài sào đất thổ cư. Khi các con lấy vợ, chồng, bà đều cắt đất cho dựng nhà cửa và chia đất rẫy cho con có điều kiện phát triển kinh tế. Riêng gia đình con gái út ở lại cùng bà, được nhận phần đất nhiều hơn.

“Hiện gia đình tôi và con gái út làm khoảng 5 ha đất rẫy và nuôi đàn trâu bò gần 60 con. Trên rẫy, tôi chủ yếu trồng điều, mì, bắp và một số loại cây ngắn ngày”, bà H’Tum nói.

Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, bà H’Tum cũng luôn dặn dò con cháu phải giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Theo bà, mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa khác nhau, cần được tôn trọng, giữ gìn và phát huy.

Ngoài bà H'Tum, các thành viên khác trong gia đình cũng nói được nhiều thứ tiếng của các dân tộc khác nhau.

Trao đổi với PV, anh Y Thanh Tú Niê (con rể của bà H'Tum), cho biết việc có nhiều anh em cột chèo là người dân tộc khác khiến anh thấy rất thú vị và may mắn. Qua tiếp xúc với anh em trong gia đình, hiện anh có thể nói tiếng của người Kinh, Ê Đê, M'Nông.

 Anh Y Thanh Tú khoe ảnh cưới của vợ chồng. Ảnh: T.T

Anh Y Thanh Tú khoe ảnh cưới của vợ chồng. Ảnh: T.T

“Mỗi lần gia đình sum họp, tôi lại được nghe anh em kể về những câu chuyện, phong tục của dân tộc họ. Mọi người ai cũng yêu thương, đùm bọc nhau, hướng dẫn nhau làm ăn, vươn lên trong cuộc sống. Tôi thấy nhiều dân tộc anh em cùng chung sống thì có thêm nhiều niềm vui, không có gì trở ngại cả”, anh Tú nói.

Ông Hồ Sỹ Chuyên, cán bộ văn hóa xã Buôn Đôn, cho biết gia đình bà H’Tum rất đoàn kết, hòa đồng, các thành viên đều tôn trọng, chia sẻ và cùng hỗ trợ nhau để phát triển kinh tế.

“Việc một gia đình có tới năm dân tộc là điều khá hiếm hoi. Dù gia đình đông người, nhưng kinh tế của họ rất ổn định. Đặc biệt, các thành viên trong gia đình bà H’Tum đều nói được khá nhiều tiếng dân tộc khác nhau”, ông Chuyên nói.

Toàn buôn có 11 dân tộc cùng sinh sống

Buôn Jang Lành có 241 hộ dân, 958 nhân khẩu, 11 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Ê đê, M'nông, Jarai, Tày, Thái, Lào, Nùng, Mường. Trong buôn Jang Lành hiện còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống văn hóa tốt đẹp như lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe, lễ cúng lúa mới.

TIẾN THOẠI

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-gia-dinh-o-dak-lak-co-5-dan-toc-ai-nay-deu-noi-duoc-nhieu-thu-tieng-khac-nhau-post859136.html