Những gương sáng người cao tuổi trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi
Ngoài việc thực hiện tốt nghĩa vụ thuế của Nhà nước, hằng năm, NCT trích lợi nhuận từ SXKD đóng góp hàng chục tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội trong và ngoài tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống.
Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thời gian qua, Hội Người cao tuổi (NCT) các cấp trên địa bàn tỉnh có nhiều phong trào nhằm phát huy tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng” góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Điển hình là phong trào “NCT thi đua làm kinh tế giỏi”. Số NCT tham gia lao động trên các lĩnh vực chiếm trên 60%.
Trong thực tế, nhu cầu về việc làm của NCT rất cao, nhiều NCT còn sức khỏe, có nguyện vọng được làm việc, được góp công sức cùng con cháu phát triển kinh tế gia đình. Nhằm phát huy vai trò NCT tham gia phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, các cấp Hội NCT trong tỉnh, nhất là chi hội ở cơ sở đã tổ chức và phối hợp tổ chức tuyên truyền 9.970 cuộc với 189.442 lượt hội viên NCT và NCT tham dự về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách phát triển kinh tế, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, NCT phát huy tích cực kinh nghiệm, sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế. Các cấp Hội NCT đã bình chọn 1.099 NCT sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, trong đó 851 NCT SXKD giỏi cấp xã; 164 NCT SXKD giỏi cấp huyện; 84 NCT SXKD cấp tỉnh; 9 NCT đạt tiêu chí cấp Trung ương.
Toàn tỉnh hiện có trên 13.000 NCT trực tiếp lao động sản xuất, kinh doanh, trong đó có 432 NCT trực tiếp làm chủ 432 trang trại, chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 6 ngàn lao động có mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng trở lên.
Ngoài việc thực hiện tốt nghĩa vụ thuế của Nhà nước, hằng năm, NCT trích lợi nhuận từ SXKD đóng góp hàng chục tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội trong và ngoài tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống.
Điển hình trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có ông Nguyễn Thành Chinh, sinh năm 1961, xã Tân Hội, huyện Tân Châu. Ông canh tác hơn 100 ha cao su, doanh thu hằng năm hàng chục tỷ đồng; giải quyết việc làm ổn định cho 50 lao động, mức lương bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng và một số lao động thời vụ. Ông đã đóng góp công tác an sinh xã hội trên 1 tỷ đồng.
Hay như ông Phan Văn Thà, sinh 1953, thị trấn Tân Biên là cán bộ hưu trí, ông cần cù, chịu khó lao động sản xuất làm giàu chính đáng. Hiện nay, gia đình ông canh tác 180 ha đất trồng cao su và cây ăn trái. Ngoài ra, ông còn kinh doanh lĩnh vực xăng, dầu.
Doanh thu hằng năm trên 13 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50 lao động, thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông nhận hỗ trợ suốt đời cho 3 Bà mẹ VNAH (mỗi tháng 400.000 đồng/người) và 3 cháu bị nhiễm chất độc da cam (mỗi tháng 250.000 đồng/cháu). Ngoài ra, mỗi năm, ông đóng góp xây tặng 2-3 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo và công tác xã hội từ thiện trị giá trên 900 triệu đồng.
Trên lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, thương mại dịch vụ tiêu biểu có ông Lê Hữu Hùng, sinh năm 1956, hội viên NCT khu phố 4, phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành. Ông là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tổng hợp nhiều mặt hàng. Trong đó nổi bật là sản xuất tinh bột mì với hệ thống chất lượng đạt chuẩn đã chinh phục được thị trường châu Á và Mỹ. Tổng doanh thu hằng năm trên 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động. Gia đình ông Hùng đóng góp công tác xã hội từ thiện mỗi năm bằng nhiều hình thức trị giá trên 1 tỷ đồng.
Bà Đỗ Thị Diệp, sinh 1958, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, bà trồng cao su và kinh doanh vật tư nông nghiệp, xăng, dầu. Hằng năm, doanh thu trên 43 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 7 lao động. Bà tích cực đóng góp các loại quỹ xã hội tại địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo. Bà hỗ trợ CLB Liên thế hệ tự giúp nhau xã Chà Là sản xuất, chăn nuôi gần 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Sánh, sinh năm 1961, hội viên NCT phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành, khởi nghiệp từ năm 1995, ngành nghề chính là chuỗi nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống thương hiệu đặc sản “Bò tơ Tây Ninh”. Với tinh thần phục vụ bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, ông tạo dựng uy tín, kinh doanh phát triển, doanh thu hằng năm trên 10 tỷ đồng, giải quyết cho hơn 30 lao động có việc làm ổn định. 5 năm qua, ông đóng góp công tác xã hội từ thiện trên 300 triệu đồng.
Tiêu biểu trên lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh có bà Võ Thị Lấn, sinh năm 1949, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu. Bà Lấn hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trà Tâm Lan chuyên sản xuất lúa, các loại cây vật liệu trà, trang trại bò, heo, trùn quế, nhà nghỉ… Tổng doanh thu 48,5 tỷ đồng/năm, giải quyết cho 103 lao động có việc làm ổn định, hưởng đầy đủ chế độ theo quy định của Luật Lao động. Bà tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện trong và ngoài tỉnh trên 10 tỷ đồng, trong đó nhận nuôi dưỡng suốt đời 12 Mẹ VNAH mỗi tháng 1 triệu đồng.
Hay như bà Nguyễn Thị Khuê, sinh năm 1960, hội viên Hội NCT xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Giám đốc Công ty TNHH Định Khuê. Từ một cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, đến nay trở thành công ty có quy mô lớn trong tỉnh, doanh thu hằng năm bình quân 280 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 120 lao động. Ngoài việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, bà còn tham gia công tác xã hội, từ thiện, đóng góp trên 1 tỷ đồng.
Kết quả đó cho thấy phong trào “Nêu gương sáng, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng” trong hội viên NCT 5 năm qua đạt những thành tựu khá nổi bật, phát triển về bề rộng, từng bước đi vào chiều sâu, có sự lan tỏa trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực, thu hút hàng ngàn NCT tham gia lao động, sản xuất phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của hội viên.