Những hành trình tri ân của bệnh viện quân y

Cùng với các cơ quan, đơn vị toàn quân, các bệnh viện quân đội luôn đi đầu trong tổ chức hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhất là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7).

Chúng tôi vừa có dịp cùng các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần) và Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) thực hiện hành trình về nguồn tri ân đầy ý nghĩa.

1. Hôm cùng đoàn cán bộ, nhân viên Bệnh viện Quân y 354 về nguồn tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên), trên chuyến xe xuất phát từ Hà Nội, Đại tá Nguyễn Ngọc Du, Chính ủy bệnh viện chia sẻ với chúng tôi nhiều thông tin về lịch sử, truyền thống của bệnh viện; những tấm gương thầy thuốc đã cống hiến, hy sinh trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, tiêu biểu là liệt sĩ, bác sĩ Phó Đức Thực, Quân y xá trưởng đầu tiên, được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên dương trước toàn quân.

Về huyện Đại Từ, đoàn cán bộ, nhân viên Bệnh viện Quân y 354 đã đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27-7 và Nghĩa trang Liệt sĩ xã Mỹ Yên; thăm di tích Quân y xá Trần Quốc Toản (tiền thân của Bệnh viện Quân y 354); tổ chức khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa tặng gia đình ông Dương Quốc Trị ở xã Mỹ Yên. Ông Trị tham gia kháng chiến, bị nhiễm chất độc hóa học. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thanh Thùy nói trong niềm xúc động rưng rưng: “Chúng tôi sống trong ngôi nhà cũ đã mấy chục năm, tường nhà xây vôi cát bị ngấm nước mưa đã tróc lở. Nhờ Tổng cục Hậu cần và Bệnh viện Quân y 354 giúp đỡ, gia đình tôi xây được căn nhà mới khang trang, chúng tôi phấn khởi lắm!”.

Thầy thuốc Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác khám sức khỏe cho đối tượng chính sách ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Thầy thuốc Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác khám sức khỏe cho đối tượng chính sách ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Các cuộc gặp gỡ, trao đổi của đoàn công tác với các đồng chí lãnh đạo và bà con xã Mỹ Yên đều diễn ra trong không khí thân tình, ấm áp. Mọi người cùng nhau kể chuyện, ôn lại lịch sử từ thời Quân y xá Trần Quốc Toản đặt tại địa phương, ở trong nhà dân, được bà con đùm bọc, chở che, giúp đỡ vượt qua khó khăn, gian khổ... Đêm giao lưu văn nghệ với những tiết mục do chính các thầy thuốc của bệnh viện biểu diễn thu hút bà con địa phương đến xem chật kín sân.

Đồng chí Chu Thị Nhì, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Mỹ Yên cho biết: “Bệnh viện Quân y 354 với địa phương có mối quan hệ gắn bó như cá với nước. Hằng năm, các thầy thuốc của bệnh viện đến khám bệnh, cấp thuốc cho bà con, hỗ trợ các thiết bị y tế, xây nhà tặng gia đình chính sách và các công trình văn hóa... góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Du, những năm qua, Bệnh viện Quân y 354 thường xuyên làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, truyền thống cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, qua đó giúp thế hệ trẻ của bệnh viện thêm hiểu về lịch sử truyền thống, có ý thức trách nhiệm tri ân, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện bệnh viện đang chăm sóc 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hằng năm tổ chức khám sức khỏe cho 1.000-2.000 lượt đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ nhiều địa phương về thiết bị y tế để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...

2. Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) cũng vừa tổ chức đoàn công tác về khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng quà các đối tượng chính sách tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Hôm ấy, cả đoàn tập hợp lên đường từ hơn 3 giờ sáng nhưng ai cũng hào hứng. Từ Đại tá, PGS, TS Nguyễn Như Lâm, Giám đốc bệnh viện; Đại tá, TS Trương Ngọc Dương, Chính ủy bệnh viện đến các thành viên của đoàn công tác đều ăn tạm bánh mì ngay trên xe để tranh thủ thời gian đến sớm với bà con.

Hơn 6 giờ sáng, đoàn đã đến xã Vô Tranh của huyện Phú Lương-nơi đóng quân của Học viện Quân y những năm kháng chiến chống Pháp. Vừa xuống xe, các thầy thuốc nhanh chóng khoác áo blouse, khẩn trương triển khai dụng cụ, máy móc, thuốc men... chuẩn bị khám bệnh.

Ông Nguyễn Quang Mạnh ở tổ dân phố Giang Tân, thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương là cựu chiến binh bị nhiễm chất độc hóa học, mất sức lao động 61% (con trai ông cũng bị ảnh hưởng chất độc hóa học) đến điểm khám bệnh từ rất sớm, phấn khởi nói: “Tôi tuổi già, sức yếu, không có điều kiện thường xuyên đi khám định kỳ nên khi được các bác sĩ về tận đây khám bệnh cho, tôi mừng lắm”.

Tại đây, ngoài khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho gần 300 đối tượng chính sách, người có công của địa phương, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác còn tặng quà những người có công tiêu biểu; đến dâng hương và ủng hộ kinh phí để tu bổ Nghĩa trang Liệt sĩ xã Vô Tranh; tặng y tế cơ sở một số thuốc chữa bệnh...

Đại tá, TS Trương Ngọc Dương chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định, việc tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" thể hiện tình cảm và trách nhiệm của quân đội nói chung, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác nói riêng đối với nhân dân, nhất là với những người có công với cách mạng, gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa, căn cứ cách mạng; qua đó góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, củng cố, tăng cường tình đoàn kết quân dân, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh”.

Thời gian qua, hoạt động khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người có công, các đối tượng chính sách và nhân dân được Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác thực hiện tại nhiều địa phương. Đây cũng là hình thức giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên của bệnh viện phát huy truyền thống, thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; động viên, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng; qua đó khích lệ cán bộ, nhân viên nêu cao ý thức, trách nhiệm, nỗ lực hơn trong công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-hanh-trinh-tri-an-cua-benh-vien-quan-y-701018