Những hành vi bị cấm trong hoạt động thanh toán tại ngân hàng
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, dưới đây là các hành vi bị cấm trong hoạt động thanh toán tại ngân hàng.
1. Mở hoặc duy trì tài khoản, ví điện tử nặc danh hoặc mạo danh; mua bán, thuê cho thuê tài khoản, ví điện tử hoặc thẻ ngân hàng (trừ thẻ trả trước vô danh); lấy cắp thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng, ví điện tử.
2. Sử dụng tài khoản, phương tiện thanh toán để đánh bạc, lừa đảo, kinh doanh trái phép hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Sửa chữa, tẩy xóa phương tiện, chứng từ thanh toán không đúng quy định pháp luật; làm giả chứng từ, phương tiện thanh toán; lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả.
4. Làm giả tài liệu, cung cấp thông tin sai lệch khi mở thẻ, tài khoản thanh toán, hoặc đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử.
5. Phương tiện thanh toán không hợp pháp: Thực hiện giao dịch thanh toán khống, chuyển thiết bị chấp nhận thẻ cho bên khác, hoặc sử dụng thiết bị chấp nhận thẻ trái phép.
6. Đánh cắp dữ liệu, phá hoại hoặc thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán.
7. Thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán khi chưa có Giấy phép hoạt động từ Ngân hàng Nhà nước; thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán mà không phải là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
8. Vi phạm liên quan đến Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (sau đây gọi là Giấy phép): Tẩy xóa, thay đổi nội dung, mua bán, cho thuê Giấy phép; giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác; gian lận trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Tất cả các hành vi vi phạm sẽ được báo cáo lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 250 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự kèm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Quy định về sử dụng và ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt theo Điều 10 Nghị định 52/2024/NĐ-CP như sau:
- Chủ tài khoản thanh toán được sử dụng tài khoản thanh toán của mình để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán hợp lệ. Chủ tài khoản thanh toán có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp thông tin về giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán của mình theo thỏa thuận với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán noi mở tài khoản thanh toán.
- Chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán. Việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản, phù hợp với quy định pháp luật về ủy quyền.
- Chủ tài khoản thanh toán có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và tuân thủ các quy định về mở, sử dụng, ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và phải đảm bảo có đủ tiền (số dư Có) trên tài khoản thanh toán để thực hiện lệnh thanh toán đã lập trừ trường hợp có thỏa thuận cho vay thấu chi với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
- Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời lệnh thanh toán hợp lệ của chủ tài khoản thanh toán.
- Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán khi lệnh thanh toán không hợp lệ hoặc có cơ sở pháp lý để xác định chủ tài khoản vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Nghị định 52/2024/NĐ-CP hoặc khi tài khoản thanh toán không đủ tiền trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo lý do từ chối cho chủ tài khoản thanh toán.