'Nhúng' học sinh vào thực tế

Học qua trải nghiệm thực tế không chỉ đáp ứng yêu cầu của một môn học mà kiến thức thu được là liên môn. Học sinh thực sự cần được học ở không gian ngoài lớp học. Đây cũng là một trong những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kết nối ngoài trường

Năm học 2023 - 2024, thầy Phùng Chí Tân, Trường THCS Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội, đã nghiên cứu và thực hiện giải pháp: “Tạo hứng thú và nâng cao kết quả học phần Giáo dục địa phương trong môn Lịch sử cho học sinh” thu được kết quả tốt và được đánh giá cao.

Lớp học tại các bảo tàng của cô Đặng Nguyệt Anh.

Lớp học tại các bảo tàng của cô Đặng Nguyệt Anh.

Thầy Tân kết nối học sinh với các di sản văn hóa ở địa phương, kết nối với các nghệ sĩ, nhân chứng lịch sử, để học sinh trải nghiệm, nghiên cứu, học tập. Đây là không gian học tập văn hóa đặc biệt để học sinh tìm hiểu và tiếp xúc trực tiếp với nguồn sử liệu. Thầy Tân yêu cầu học sinh tự tìm hiểu nghiên cứu, tiếp thu thông tin. Sau đó, thiết kế video giới thiệu, thuyết minh về di tích, di sản hoặc một danh nhân văn hóa ở địa phương. Trong quá trình học sinh nghiên cứu, tìm hiểu, thầy quan sát và hỗ trợ để có những video chất lượng phục vụ cho dạy và học.

Bên cạnh đó, thầy Tân tiến hành đa dạng hóa các sản phẩm học tập của học sinh như tổ chức cho học sinh: Thiết kế các mô hình, viết tập san, vẽ tranh về các di sản văn hóa. Các sản phẩm của học sinh được thầy đăng lên trang fanpage của trường để cùng chia sẻ và lan tỏa tới học sinh toàn trường và đồng nghiệp.

Điểm nổi bật, thầy Tân tiến hành tổ chức lớp học mở, lớp học kết nối đã góp phần tăng cường giao lưu, tăng cường công nghệ thông tin cho học sinh, tăng cường khả năng giao tiếp, đặc biệt là việc sử dụng tiếng Anh giới thiệu về lịch sử địa phương với người nước ngoài. Qua đó bồi dưỡng tình yêu các giá trị văn hóa dân tộc cho học sinh.

Trong năm học 2023 - 2024 thầy đã thực hiện chuyên đề trong phong trào: “Nhà trường chung tay phát triển, nhà giáo cùng sẻ chia trách nhiệm” với các trường trong huyện Hoài Đức, Quốc Oai, quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân. Kết nối học sinh gặp gỡ giao lưu với nghệ nhân Đào Đình Chung của làng tranh đỏ Kim Hoàng, nghệ sĩ Danh Thái Nhà hát chèo, Hoa hậu Ngọc Hân cùng VTV24 để tìm hiểu về các di sản văn hóa của quê hương. Đặc biệt, thầy tổ chức cho học sinh kết nối với du khách và bạn bè quốc tế trong chương trình “Nét đẹp đọc sách ngày xuân”, giao lưu với các cô giáo Myanmar, Indonexia, nhà văn Ý Michael cùng 6 trường bạn ở Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An.

Sau những tiết học, được giao lưu kết nối với chuyên gia, thầy cô và bạn bè ở các trường khác học sinh rất tích cực học tập và thêm yêu thích môn Lịch sử, học sinh được rèn luyện nhiều phẩm chất năng lực tốt.

Lớp học liên môn

Cô Đặng Nguyệt Anh, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho hay, sau 34 năm đứng lớp, cô nhận thấy mỗi thầy cô có một phương pháp giảng dạy và mỗi học trò có một phương pháp học tập. Cô Nguyệt Anh tạm chia thành 3 nhóm học sinh: nhóm 1: học qua xem nhìn; nhóm 2 học qua vận động; nhóm 3: học qua nghe.

12 năm qua, cô Nguyệt Anh xây dựng kế hoạch đưa học sinh đến học tập tại các bảo tàng ở Hà Nội như bảo tàng Hà Nội, bảo tàng Lịch sử Việt Nam, bảo tàng Dân tộc học. Tại đây, học sinh có thể học tập qua tất cả các hình thức vừa học bằng nghe nhìn, vận động. Hình thức này rèn luyện cho học sinh nhiều kĩ năng, trong đó, đặc biệt là kĩ năng tập trung lắng nghe và ghi nhanh. Các bài giảng của giáo viên trên lớp dù được xây dựng bằng các slide kèm âm thanh nhưng không hiệu quả bằng việc học sinh được tiếp xúc với thực tế.

Cô Nguyệt Anh khẳng định, khi học tập tại bảo tàng, học sinh được chạm, được nghe, được xem, được “ngửi” hương vị của thực tế, rất tốt để tiếp nhận và ghi nhớ lâu. Ví dụ như khi đến bảo tàng Dân tộc học, học sinh được trải nghiệm nhà rông, được tự tay đánh cồng chiêng. Khi đó, học sinh không chỉ là tiếp nhận tri thức mà còn được trải nghiệm cảm xúc. Chính vì vậy, trước khi đưa học sinh đến học tập, cô Nguyệt Anh thường phối hợp với người thuyết minh để xây dựng các chuyên đề phù hợp. Cô Nguyệt Anh cũng mời phụ huynh cùng tham gia các lớp học trải nghiệm tại các bảo tàng để có những uốn nắn kịp thời. Bởi đến bảo tàng, cô Nguyệt Anh cho rằng học sinh không chỉ học kiến thức lịch sử mà là giải quyết vấn đề liên môn như cách hành văn trong bài thu hoạch, kĩ năng cần thiết tại nơi công cộng (ăn mặc, không nói to chỗ đông người, biết lắng nghe, quan sát…).

Bản thân từng đến bảo tàng một số nước trên thế giới, cô Nguyệt Anh nhận thấy, học sinh, sinh viên đến đây học tập rất đông, từ tiểu học đến đại học. Vì vậy, cô ấp ủ dự án mỗi tháng cho học sinh học tập 2 buổi chuyên sâu tại các bảo tàng. “Tại các bảo tàng, có góc trải nghiệm, sáng tạo. Học sinh đến đây, không chỉ nghe, ghi mà còn có thể làm các workshop để tạo ra các sản phẩm mang về. Từ đó kích thích thêm trí tò mò và phát huy được năng lực, sở trường của học sinh”, cô Nguyệt Anh nói. Cô cho biết sẽ cho học sinh học tập theo chuyên đề ví dụ tháng 10, học sinh đến bảo tàng Hà Nội, tháng 3 đến bảo tàng Phụ nữ, tháng 8 đến bảo tàng Lịch sử, tháng 12 đến bảo tàng Quân sự… Cô Nguyệt Anh cũng đang thúc đẩy dự án đưa nghệ thuật tò he đến các bảo tàng để học sinh trải nghiệm văn hóa truyền thống.

Những ngày cuối năm 2024 dư luận xôn xao trước “cơn sốt” bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trong vòng chưa đầy một tháng kể từ khi mở cửa, nơi đây đã đón hơn 300.000 lượt khách đến tham quan. Vào những ngày cao điểm, bảo tàng đón khoảng 30.000 - 40.000 khách, đặc biệt vào dịp cuối tuần có thể tăng lên đến 60.000 khách/ngày. Bảo tàng Lịch sử Quân sự thu hút lượng lớn các bạn trẻ, tạo ra những kỉ lục chưa từng có.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-hoc-sinh-vao-thuc-te-post1714633.tpo