Những kế hoạch cổ tức làm ấm lòng cổ đông
Nhà đầu tư chứng khoán chuẩn bị đón nhận những đợt trả cổ tức tiền mặt cao từ phía doanh nghiệp với khoản lợi nhuận giá trị trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp.

LPBank lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2025 tỷ lệ 25%, tương ứng 7.468 tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh
Cổ đông ngân hàng mừng vì cổ tức tiền mặt
Sau chuỗi ngày cổ phiếu giảm sâu và hồi phục với mức tăng khiêm tốn, cổ đông Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã TPB) vui mừng chứng khiến phiên tăng giá ấn tượng 4,98% ngày 12/5.
Mức tăng ấn tượng này đến từ hiệu ứng cổ tức mà TPBank chuẩn bị chi trả. Nhà băng này thông báo, sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt vào ngày 23/5 tới, với tỷ lệ thực hiện 10%, tương đương mỗi cổ phần nhận về 1.000 đồng.
TPBank dự kiến chi 2.642 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là ngày 14/5/2025. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 13/5/2025. Nhờ đó, lực mua tăng mạnh ở TPB trong phiên ngày 12/5, đẩy thị giá cổ phiếu bật tăng 4,98% - là mức tăng mạnh nhất của TPB trong 1 tháng qua.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/4 để trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7%. Thời gian chi trả vào ngày 23/5. Với mức chia 7%, dự kiến VIB chi trả 2.085 tỷ đồng.
Năm 2025 là một năm các nhà băng tấp nập lên kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Không chỉ TPBank và VIB, nhiều ngân hàng dự kiến cổ tức tiền mặt năm nay là Techcombank, MB, ACB, VPBank, SHB, LPBank, OCB. Trong đó, gây chú ý là Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank, mã LPB) với kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 25%, tương ứng 7.468 tỷ đồng.
Với tỷ lệ trên, LPBank là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất thị trường. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank cho biết, HĐQT Ngân hàng mong muốn chia cổ tức càng cao càng tốt trong những năm tới, năm sau có thể chia cổ tức 20% bằng tiền, hoặc 5-7% bằng cổ phiếu. Được biết, ngày 20/5 tới là ngày đăng ký cuối cùng để nhận được mức cổ tức này.
Trong khi đó, ACB dự kiến chia cổ tức 25% (10% bằng tiền mặt và 15% cổ phiếu); MB chia tổng tỷ lệ 35% (gồm 1.831 tỷ đồng chia tiền mặt tương ứng tỷ lệ 3%). Mức dự kiến chia cổ tức tiền mặt của các ngân hàng khác là Techcombank 10%, OCB 7%, SHB 5%, VPBank 5%.
Tổng mức tiền dự kiến dùng để chia cổ tức tiền mặt của 9 ngân hàng trên khoảng hơn 33.000 tỷ đồng - mức cao kỷ lục của nhóm ngân hàng. Con số này còn có thể tăng thêm, khi HDBank cho biết, có hơn 10.134 tỷ đồng lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức với tỷ lệ 28%. Ban lãnh đạo HDBank cũng từng cho biết kế hoạch trả cổ tức tiền mặt tối đa là 15%.
Trước đó, năm 2024, 9 ngân hàng đã trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông là VIB, ACB, HDBank, MB, VPBank, Techcombank, Eximbank, SHB, TPBank, với tổng số tiền ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với năm 2023 về cả số lượng ngân hàng và quy mô chi trả cổ tức tiền mặt.
Chi hàng ngàn tỷ đồng trả cổ tức
Bên cạnh kế hoạch cổ tức “tiền tươi thóc thật” từ phía các nhà băng, giới đầu tư cũng đón nhận nhiều mức chia cổ tức “khủng” thời gian tới từ các doanh nghiệp lớn nhỏ. Riêng trong tuần từ ngày 12 đến 16/5/2025, hàng loạt doanh nghiệp sẽ chốt quyền cổ tức.
Trong đó, ngày 15/5, Vinamilk sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức tỷ lệ 20% bằng tiền mặt, tương ứng mỗi cổ phần nhận 2.000 đồng, ngày trả cổ tức là 23/5. Đây là đợt chi trả cổ tức còn lại của năm 2024, cổ đông vẫn còn một lần chi trả nữa dự kiến vào quý III tới với mức chi 350 đồng/cổ phiếu.
Nhiều doanh nghiệp trên sàn được điểm danh trong danh mục các cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức cao và thanh khoản tốt, phù hợp cho các nhà đầu tư có mức chịu rủi ro thấp với chiến lược đầu tư phòng thủ, đặc biệt ưu tiên trong giai đoạn thị trường chứng khoán vẫn có thể đối mặt với những biến động khó lường trước những kịch bản thuế đối ứng sắp tới. Đó là Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã SLS), Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã QNS), Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (mã SCS), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (mã DPM), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (mã VEA)…
Trước đó, Vinamilk đã tạm ứng 2 đợt cổ tức bằng tiền năm 2024 với tổng mức chia 2.000 đồng/cổ phiếu. Tổng chia cho năm 2024 là 43,5% - mức chi trả cao nhất kể từ năm 2028 đến nay. “Ông lớn” ngành sữa này nổi tiếng với mức chia cổ tức tiền mặt duy trì đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao. Đại hội đồng cổ đông thường niên của Vinamilk vừa qua cũng đã thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng tiền năm 2025 tối thiểu bằng 50% kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2025.
Tổng công ty cổ phần Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng vừa có phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phân phối lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế tại ngày 31/12/2023. Theo đó, nguồn lợi nhuận sau thuế thực hiện phân phối là 21.191 tỷ đồng. Sau khi trích 30% lợi nhuận vào quỹ đầu tư phát triển hàng năm theo quy định, nguồn lợi nhuận sau thuế còn lại để thực hiện chia cổ tức là 14.059 tỷ đồng.
ACV xin ý kiến về việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 64,58% - mức cổ tức cao kỷ lục của Tổng công ty kể từ khi doanh nghiệp cổ phần hóa và lên sàn đến nay. Với phương án này, ACV dự kiến phát hành thêm 1,4 tỷ cổ phiếu trong năm 2025, đưa vốn điều lệ tăng lên 35.830 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp có cổ tức cao và đều đặn luôn được xem là kênh đầu tư phòng thủ hiệu quả hàng đầu, bất chấp thị trường biến động mạnh. Mức cổ tức tốt hàng năm thường đến từ các doanh nghiệp lớn, hiệu quả kinh doanh ổn định và có tiềm lực tài chính bền vững.
Theo khuyến nghị của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, để đầu tư an toàn, cổ tức ổn định duy trì quanh 5%/năm trở lên là mức hấp dẫn so với lãi suất tiết kiệm trung bình. Tỷ lệ chi trả tiền mặt lớn, đòn bẩy tài chính thấp giúp nhà đầu tư yên tâm nắm giữ dài hạn. Khả năng tạo dòng tiền đều đặn qua cổ tức hỗ trợ chiến lược “tái đầu tư cổ tức” giúp tích sản hiệu quả. Đồng thời, nhóm này thường ít bị bán tháo hơn trong các đợt thị trường giảm sâu, do đặc điểm “phòng thủ” rõ rệt.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhung-ke-hoach-co-tuc-lam-am-long-co-dong-d283343.html