Những kho hàng khủng sát biên giới: Nhà kinh doanh Việt làm gì để không thất thế?

Các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với làn sóng ship rẻ từ hàng hóa Trung Quốc vốn có tốc độ chuyển hàng nhanh hơn, giá cạnh tranh hơn.

Thông qua các kho hàng khủng dọc biên giới lẫn các sàn thương mại điện tử, Trung Quốc (TQ) đang đẩy mạnh việc đưa hàng hóa vào Việt Nam (VN). Đáng chú ý, hàng TQ phong phú, đa dạng, giá rẻ, giao nhanh, cước vận chuyển thấp… đang gây áp lực rất lớn đến các công ty VN và hàng Việt.

Đứng trước thách thức trên, các công ty Việt buộc phải thay đổi để ứng phó hiệu quả.

Ông ĐẶNG PHÚC NGUYÊN, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả VN:

VN đang nhập rất nhiều nông sản TQ

Hiện nay VN đang phải nhập rất nhiều loại rau củ quả từ TQ như khoai tây, hành tây, bắp cải… bởi nguồn hàng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng nội địa.

Phải thừa nhận một số hàng hóa nhập từ TQ có chất lượng giống cao, mẫu mã đẹp, bắt mắt nên được người tiêu dùng VN ưa chuộng. Đó là chưa kể họ tận dụng tốt hệ thống logistics nên hàng về VN nhanh, rẻ, giúp giảm áp lực đối với người bán hàng.

 Ông ĐẶNG PHÚC NGUYÊN

Ông ĐẶNG PHÚC NGUYÊN

Nhìn vào những lợi thế của họ không phải để chúng ta sợ hãi, buông xuôi mà là để chúng ta thay đổi, cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa của họ. Theo tôi, quan trọng nhất là nông dân, doanh nghiệp Việt phải cải tiến chất lượng giống, nâng cao năng suất để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Cùng với đó là nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong nước.

Về phía Nhà nước, cần có chính sách để hỗ trợ thiết thực cho nông dân và doanh nghiệp trong nước xuất khẩu, nhất là thông qua sàn thương mại điện tử; hoàn thiện hành lang pháp lý và đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống giao vận trong nước.

Ông NGUYỄN LÂM VIÊN, Tổng Giám đốc Vinamit:

Hợp tác để khai thác kho hàng khủng, livestream bán hàng

Chúng ta đừng hoang mang, lo sợ rằng khi TQ xây hàng loạt kho ngoại quan khủng dọc khu vực biên giới thì hàng Việt sẽ bị thất thế, công ty Việt sẽ lao đao. Vấn đề là chúng ra ứng phó thế nào để đứng vững và không mất lợi thế cạnh tranh.

Tôi cho rằng trước hết các công ty VN phải nghĩ tới các kho ngoại quan để có thể tận dụng, xâm nhập vào thị trường TQ thuận lợi. Ví dụ, trước đây chúng ta đưa hàng Việt sang TQ bán cho người dân bản địa theo dạng thùng nhưng hiện nay chúng ta chuyển sang bán theo từng gói - tức đưa hàng của mình vào các kho ngoại quan của TQ, sau đó bán gói hàng nào thì sẽ tính thuế gói hàng đó. Đây là thỏa thuận hợp tác khai thác của hai bên mặc dù chúng ta không đầu tư kho ngoại quan.

 Ông NGUYỄN LÂM VIÊN

Ông NGUYỄN LÂM VIÊN

Chưa kể TQ cũng có những nét tương đồng như VN về hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng, sàn thương mại điện tử. Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta nên tìm cơ hội từ điểm tương đồng này để có thể khai thác thị trường nội địa TQ.

Chúng ta cũng nên nghĩ tới việc livestream bán hàng cho thị trường TQ. Ví dụ, công ty tôi livestream vườn sầu riêng để người TQ xem và bán cho họ. Hiện nay người tiêu dùng TQ đang rất yêu thích các mặt hàng trái cây của VN. Chính vì thế hãy nhìn ra cơ hội trong mọi thách thức.

 Cần phát triển sản phẩm mang đậm chất Việt Nam không chỉ trên sân nhà mà còn ở nước bạn. Trong ảnh: Đặc sản của Việt Nam tại một hội chợ ở TP.HCM. Ảnh: THU HÀ

Cần phát triển sản phẩm mang đậm chất Việt Nam không chỉ trên sân nhà mà còn ở nước bạn. Trong ảnh: Đặc sản của Việt Nam tại một hội chợ ở TP.HCM. Ảnh: THU HÀ

Ông NGUYỄN CHÁNH PHƯƠNG, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM:

Đẩy mạnh chăm sóc khách hàng trong nước

Câu chuyện về hàng TQ giá rẻ tràn vào VN hay việc họ ồ ạt xây các kho ngoại quan không phải là vấn đề quá mới, mà tôi đã nghe từ khá lâu rồi.

Thông qua nhận xét của khách hàng, chúng tôi nhận thấy nhiều người khen hàng TQ có giá rẻ, mẫu mã đa dạng, giao hàng nhanh, có thể mua online. Điều này có nghĩa là họ đang có nhiều lợi thế, nhất là đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng VN.

 Ông NGUYỄN CHÁNH PHƯƠNG

Ông NGUYỄN CHÁNH PHƯƠNG

Ở góc độ công ty nội địa, tất nhiên chúng tôi lo lắng và nên lo lắng bởi chỉ có như vậy chúng ta mới có sự thay đổi, tìm kiếm giải pháp. Trước hết, tôi nghĩ công ty trong nước nên tận dụng lợi thế về sale, chăm sóc khách hàng để đẩy mạnh việc tạo dựng hình ảnh, xây dựng uy tín với người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, gia tăng các mẫu mã đơn giản nhưng đa tính năng cũng là cách để thúc đẩy trong sản xuất.

Hãy hành động thay vì than thở

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng cuộc cạnh tranh giữa hàng tiêu dùng VN với hàng TQ ngay trên đất nước VN đã diễn ra từ nhiều năm. Các loại hàng “Made in China” có lợi thế với mức giá mềm, mẫu mã đa dạng, giao hàng nhanh chóng… không chỉ được ưa chuộng bởi giới trẻ Việt mà còn ở một số thị trường khác.

Vì vậy, không còn cách nào khác là doanh nghiệp Việt hãy hành động thay vì than thở. Nếu muốn phát triển bền vững và không lệ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ TQ thì công ty Việt phải hành động, tức là tự chủ nguồn cung ứng, tự cải tiến năng suất, chất lượng và lòng tin của người tiêu dùng.

Từ lâu các công ty TQ đã triển khai xây dựng các tổng kho gần biên giới với VN, do đó khi có đơn hàng, họ có thể xuất kho đưa hàng về VN rất nhanh. Các công ty Việt cũng có thể làm như vậy để cải thiện tốc độ giao hàng, giá cước vận chuyển.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-kho-hang-khung-sat-bien-gioi-nha-kinh-doanh-viet-lam-gi-de-khong-that-the-post785120.html