Những khoảnh khắc Việt
Có những cuộc gặp gỡ tình cờ với dấu ấn nhỏ bé mà lại khiến tôi nghĩ mãi về tinh thần Việt...
1.Chúng tôi đi thăm vườn quốc gia Zion, bang Utah. Ở đó, có một ngọn núi khó leo nhất, gọi là Angels Landing – nơi hạ cánh của các thiên thần. Dân du lịch khi gặp nhau thường hỏi: Đã đi Angels Landing chưa? Đi được đến đâu? Ngọn núi đá đỏ đứng sừng sững một mình, bên dưới là thung lũng. Đỉnh núi cao chỉ gần 500 mét nhưng muốn lên đỉnh phải leo dốc quanh co, sau đó đi qua một hẻm núi, gọi là hẻm Tủ Lạnh, vì rất mát, nhưng sau đó thì sườn núi phơi chang chang trong nắng hè. Vượt qua 21 khúc leo zích zắc thì lên được đỉnh núi. Đường trên đỉnh như một cái lưng ngựa, tức là nếu trượt chân thì rơi xuống vực thẳm hai bên. Người nào yếu bóng vía thì lên ngó một cái là quay lui. Người nào khá hơn thì đi một phần nửa, đoạn dễ, rồi cũng quay lui. Người nào to gan thì đi hết, đến đỉnh cao nhất, nơi các thiên thần hạ cánh và là nơi có thể phóng tầm mắt xuống thung lũng có con sông Narrows chảy quanh co như dải lụa. Đến đấy, đường đi cheo leo đến độ người ta phải đóng cọc có dây xích để mọi người bám vào mà đi từng người một, nhưng trời trưa nắng gắt nên các dây xích chạm vào là bỏng tay.
Chúng tôi đang leo gần đến điểm hạ cánh của các thiên thần giữa chốn núi khô đá bỏng, thì tôi chợt thấy một anh thanh niên người Mỹ chừng hai mươi tuổi cũng đang chân leo, tay bám như chúng tôi, nhưng anh ta lại đội… nón. Một chiếc nón lá Việt Nam hiền lành, sáng ngời, rợp mát, vừa lạ vừa quen trên gương mặt người chưa gặp bao giờ. Hỏi chuyện mới biết anh chàng "phát hiện" ra chiếc nón này đã hai năm rồi và rất kết nó, đi đâu leo núi cũng đội. "Đây là cái "mũ" leo núi tốt nhất của tôi, mà cũng là cái "mũ" tốt nhất trần gian!" Anh khoe hể hả, sung sướng và hãnh diện.
Như thế, làm người Việt ai không khỏi tự hào?
2.Tôi ngồi cắm chân xử lý dữ liệu ở phòng lab vi tính suốt buổi. Bên ngoài mùa đông xứ Bắc Mỹ dài, khô và lạnh. Công việc nhàm chán, lê thê, trong một phòng máy bốn bức bê tông.
Buổi chiều, có một ông đứng tuổi đến làm hoay hoay gì đó trên máy cạnh chỗ tôi, tóc tai, râu ria khá lờm xờm. Hình như công việc của ông ấy cũng nhàm chán không kém, vì ông ấy bắt đầu hỏi chuyện với vài câu xã giao.
Khi tôi bảo tôi là người Việt Nam, ông ấy ngừng tay đánh máy, mắt tròn lên, "Vietnam?".
Thế rồi ông ấy tuôn một tràng. Hóa ra thời trai trẻ, ông ấy tìm mọi cách để trốn tránh không phải đi lính ("điều duy nhất tôi biết về Việt Nam khi ấy là: Tôi không muốn đi đến đó!") và tham gia biểu tình chống chiến tranh kịch liệt. "Thành phố Madison những năm 1960, 1970 là điểm nóng chống chiến tranh. Một lần có người cài bom vào tòa nhà của khoa vật lý để phản đối việc nghiên cứu ủng hộ chiến tranh. Mặc dù họ đã hẹn bom nổ lúc 2 giờ sáng để tránh thương vong, nhưng vẫn có một sinh viên thức khuya làm việc và bị tử nạn. Sau đó, người cài bom bị bắt đi tù, mãi sau này mới được thả".
Ông ấy nhìn trống vào màn hình vi tính trước mặt.
"Hồi đó tôi tham gia biểu tình liên miên, có khi đang đi ở cuối đoàn, họ trở ngược, hóa ra mình thành đầu đoàn! Bị hơi cay, đấm đá với cảnh sát, bị bắt giam, rồi lại biểu tình tiếp…".
"Nhưng cuối cùng tôi vẫn phải đi Việt Nam".
Ông hỏi tôi ở Việt Nam thì ở vùng nào. Tôi bảo tôi người Huế. Ông phản xạ luôn, "A, Huế Phú Bài!" Hai tiếng "Phú Bài" ông ấy nói rành rọt, lưu loát, như thể là người Việt. Tôi ngạc nhiên quá, hỏi, "Làm sao ông biết Phú Bài?" Thì ra ông ấy bị chuyển đi đánh trận ở khu vực Huế nhiều lần, mỗi lần nghe phải chuẩn bị đi "Huế Phú Bài" là thót tim, cầu mong được bình an.
Cái sân bay Phú Bài hiền lành của tôi, nơi mà vào những năm 90, trâu bò đôi khi còn lang thang đi lạc vào, đối với ông ấy lại là một thời trai trẻ sống mong manh giữa sống và chết.
"Huế Phú Bài… tôi đã đi… các bạn tôi…" nói đến đây, ông ấy tràn nước mắt. Hai dòng nước mắt ánh lên trong ánh sáng xanh khô lạnh của màn hình vi tính.
Giữa bốn bề bê tông, trong cái buổi chiều mùa đông lạnh xa xôi này, hai tiếng "Việt Nam" của tôi hóa ra lại làm cho một người Mỹ tự nối lại với một nỗi đau từ bao nhiêu năm trước.
Như thế, làm người Việt, ai không khỏi xót xa?
3.Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức một khóa tập huấn mùa hè cho giáo viên tiếng Anh từ 26 nước trên thế giới, tập trung tại trường đại học nơi tôi dạy ở Hawaii. Trong đoàn có một anh người Senegal, theo đạo Hồi, da đen bóng, miệng cười trắng xóa. Chúng tôi nhận anh làm khách ở lại với gia đình cuối tuần. Có nhiều cái khác lạ về văn hóa khá thú vị.
Mỗi ngày anh phải cầu nguyện ba lần trước bữa ăn, mà tôi quên, nấu cơm xong thì gọi mọi người vào bàn ăn tưng bừng trong khi anh còn đang cầu nguyện chưa xong. Đi tắm biển thì anh bảo mẹ anh dặn là số anh kỵ nước, nên anh chẳng bao giờ xuống nước thành ra không biết bơi. Chồng tôi phải cho anh đeo một cái phao con vịt vào bụng, quấn hai cái phao em bé vào hai cánh tay, và cho anh đeo mặt nạ thở bằng mồm để anh thử xuống nước xem sao. Anh rất thích và quyết định là mình không kỵ nước.
Dần dần thân quen anh mới khoe ảnh vợ. Chị là một thiếu nữ duyên dáng, da cũng đen bóng như mun, miệng cười toe với hàm răng trắng toát. Xong anh chợt nhớ ra, "Vợ tôi gốc Việt Nam đấy!" Tôi tròn mắt ra nhìn xem có chút nào Việt Nam trong gương mặt châu Phi của chị không. Anh giải thích, bà ngoại của vợ anh là người Việt, lấy ông ngoại là lính lê dương sang Việt Nam. Tôi càng tròn mắt. Anh kể rằng rất thích sang chơi nhà vợ, vì bà ngoại, mẹ vợ và các dì hay tụ họp nấu ăn, có cả bánh xèo ngon lắm!
Từ miệng một người châu Phi, nói tiếng Anh pha giọng Pháp và tiếng bản địa châu Phi, với những âm sắc liên thanh, hai chữ "bánh xèo" được thả vào với đúng âm điệu của người Sài Gòn, khiến tôi sững sờ.
Như thế, làm người Việt ai không thấy bùi ngùi?
4.Tôi dạy tiếng Việt cho sinh viên Mỹ. Bài tập viết đầu tiên: "Mô tả bản thân và giải thích vì sao bạn muốn học tiếng Việt".
Tôi nhận một xấp giấy các câu trả lời của sinh viên. Người muốn đi Việt Nam làm nghiên cứu, người có con nuôi người Việt, người học về lịch sử Việt Nam, người học vì tò mò muốn tìm hiểu ngôn ngữ văn hóa Việt…
Tới một bài viết khá lộn xộn, chữ viết khó đọc, câu kéo lạ lùng, như là "Em có bà cô ở tuốc luốc tận Texas" và "Em rất thích bơi, em ước em chết khi đang bơi".
Đến câu cuối bài thì tôi chùng lại. "Em muống học tiếng Việt vì em là người Mỹ giắp Việt".
Những chữ viết thơ ngây, còn sai chính tả, lẫm chẫm đặt bước chân vào một ngôn ngữ mới, mà tấm lòng người Mỹ gốc Việt thì thật đơn giản, chân thành.
Như thế, làm người Việt, ai mà không thương?
* * *
Quê hương mình mang trong mình, dù đi đâu, đến đâu. Nhưng những lúc quê hương bất chợt hiện ra từ tâm hồn người lạ là lúc mình hiểu quê hương mênh mông và sâu thẳm đến chừng nào.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-khoanh-khac-viet-239297.html