Những khởi sắc mới dưới tán rừng U Minh hạ
Những tán rừng U Minh hạ bạt ngàn là căn cứ địa cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ. Và, nơi một thời đạn bom ấy đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, giúp người dân làm giàu...
Ông Đoàn Việt Khoa, Bí thư Huyện ủy U Minh tại buổi họp mặt kỷ niệm 45 năm thành lập huyện U Minh ngày 20/5/2024.(Hoàng Nam).
Làm giàu từ rừng
Nhiều năm trước kia, thế mạnh của huyện U Minh là ngành lâm nghiệp. Nhưng để tạo động lực giúp người dân phát triển kinh tế và làm giàu dưới những tán rừng lại là điều khá khó khăn. Tuy nhiên hiện nay, với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, cùng với sự thay đổi về nhận thức của người dân nên vấn đề trên lại đang là giá trị cốt lõi để U Minh phát triển kinh tế.
Hiện tại, huyện U Minh có trên 32.000 ha rừng tập trung và rừng phòng hộ biển Tây, có tỷ lệ che phủ của rừng và cây phân tán đạt 45,78%, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát triển các loài động thực vật dưới tán rừng.
Để bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua huyện đã triển khai và tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Ðảng và Nhà nước đến từng hộ dân cư sống trong lâm phần. Trên lợi thế vốn có, huyện đã quy hoạch đưa diện tích rừng vào khai thác từ 20.000 - 20.500 ha/năm. Cung cấp khối lượng lâm sản cho thị trường trong và ngoài nước từ 195.000-250.000 m3 gỗ, củi mỗi năm.
Không chỉ chú trọng bảo vệ cây tràm bản địa, từ năm 2009, tỉnh đã bổ sung phát triển thêm cây keo lai trồng trong vùng rừng sản xuất lâm phần rừng tràm theo cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT). Sau 15 năm trồng thêm keo lai, người dân đã tích lũy kinh nghiệm để rút ngắn chu kỳ thu hoạch và tăng hiệu quả kinh tế.
Vì thế, xứ rừng U Minh một thời là vùng đất nghèo của tỉnh thì nay đời sống kinh tế người dân đang ngày càng khấm khá phát triển. Len lỏi dưới những cánh rừng, những ngôi nhà lá xập xệ xưa kia giờ được thay thế bằng nhà tường kiên cố, khang trang.
Theo ông Trần Rô Y, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thuận, hiện nay trên địa bàn xã có hơn 80% hộ dân chuyển sang trồng keo lai vì rút ngắn được chu kỳ và hiệu quả kinh tế cao. “Giờ mỗi héc-ta trồng keo lai có giá trị từ 150-160 triệu đồng, bà con vô cùng phấn khởi. Bình quân mỗi hộ được giao khoán khoảng 7 ha đất rừng, nếu trồng hết keo lai thì sau 5 năm mỗi hộ thu hoạch trên 1 tỷ đồng” – ông Trần Rô Y nói.
Ông Ðỗ Hoàng Thạch, ấp 21 xã Khánh Thuận cho biết, trước đây gia đình thuộc diện nghèo, khó khăn. Nhưng nhờ chủ trương của Nhà nước giao khoán đất rừng và sự nỗ lực bám trụ của gia đình, ông mạnh dạn chuyển sang trồng keo lai, đời sống gia đình thay đổi từ đó. “Tôi trồng tràm nhiều năm, nếu được mùa thì lại mất giá. Nhưng keo lai thì khác, giá cả ổn định. Tuy nhiên, tôi không chuyển sang trồng keo lai hết, mà vẫn chừa diện tích trồng tràm truyền thống".
Phát triển kinh tế dưới tán rừng
Ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, cây tràm không chỉ là cây đặc trưng cho địa danh U Minh mà còn có những giá trị lớn lao khác. Ðất rừng U Minh có trữ lượng lớn gỗ tràm, các loài động thực vật và khoáng sản quý hiếm dưới tán rừng.
Ðể bảo vệ tài nguyên rừng, huyện đã phối hợp với ngành chủ quản, cùng với chủ rừng triển khai và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách bảo vệ và phát triển rừng như: hoàn thành hệ thống đê bao, hệ thống kênh đào phân khu phục vụ việc bảo vệ, khai thác và phòng, chống cháy rừng. Bên cạnh đó, từ lợi thế đặc trưng, địa phương đang tập trung phát triển du lịch sinh thái.
Hiện trên địa bàn có các điểm du lịch: Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, Ðiểm Du lịch Hương rừng U Minh, Ðiểm du lịch Hương Tràm, bước đầu thu hút được một lượng khách du lịch đáng kể.
“Ðặc biệt, ngày 26/5/2009, Vườn Quốc gia U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Hiện nay, dưới tán rừng, nhiều hộ dân, doanh nghiệp phát triển loại hình du lịch nhằm quảng bá vùng đất và con người U Minh với du khách trong và ngoài tỉnh” – ông Huỳnh Minh Chuyên nói.
Không những thế, U Minh còn tận dụng thế mạnh từ nguồn cá đồng dưới tán rừng để làm giàu. Rừng U Minh từ xưa đã nổi tiếng là nơi cung cấp cá đồng nổi tiếng, đến nay đây vẫn là lợi thế để người dân phát triển kinh tế. “U Minh mà không có cá đồng thì không còn là U Minh nữa. Nguồn lợi cá đồng dưới tán rừng đang dần bị cạn kiệt nên việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi cá đồng dưới tán rừng tràm là cần thiết cho hiện tại và tương lai” – ông Ðoàn Việt Khoa, Bí thư Huyện ủy U Minh nói.
Mới đây, để giúp người dân phát triển ổn định dưới tán rừng và duy trì, phát huy nguồn lợi cá đồng, theo chương trình ký kết của UBND huyện với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện U Minh đã ra mắt Chi hội Nghề nghiệp nuôi cá đồng ở Ấp 12, xã Khánh Thuận, với 15 thành viên, tổng diện tích trên 105 ha.
Hiện Hội Nông dân xã đã giải ngân nguồn vốn hỗ trợ các hộ dân để đào ao, khoanh bờ để chuẩn bị khi mưa xuống là có thể thả nuôi và duy trì nguồn lợi cá đồng. Chương trình phối hợp này đang đi vào thực tế, đang triển khai ở các xã khác trong huyện. Qua đó, hàng ngàn hộ dân sống dưới tán rừng đang đứng trướng cơ hội cải thiện cuộc sống, từ đó gắn bó với rừng, chung tay bảo vệ và phát huy tiềm năng đất lâm phần.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-khoi-sac-moi-duoi-tan-rung-u-minh-ha.html