Những ki lô mét sương mù

1. Đoạn đường từ ga Phước Lãnh đến ga La Hai dài khoảng 15km. Nếu đi tàu lửa chỉ mất 15 phút. Nhưng nếu đi bằng xe đạp phải mất gần 1 giờ đồng hồ bởi phải leo nhiều con dốc dài quanh co. Tôi đã từng nghêu ngao trên đoạn đường 15km đó với chiếc xe đạp cà tàng từ thời cha tôi đi dạy, đến thời chị tôi đi học và bây giờ tới lượt tôi. Đi qua những ngày hè gió thốc bụi mù đến mùa mưa bay rát mặt, có vẻ như chiếc xe đạp ấy vẫn chưa có biểu hiện gì của sự già nua, hay tôi đang lớn dần lên để đua tuổi tác với nó.

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Những ngọn đồi nối tiếp những ngọn đồi. Những mùa mưa nắng nối tiếp những mùa nắng mưa. Rồi đến một ngày bỗng dưng tôi được nâng cấp việc đi học bằng tàu lửa. Tôi nhớ đó là vào một buổi sáng cuối đông. Bởi mùa đông quê tôi mới có sương mù dày đặc như thế. Sương mù không lẩn khuất mà xuống thấp, phủ kín từng ô cửa sổ và ở lại trong suốt những giấc ngủ vùi. Trong sương mù buổi sáng mọi người chỉ lờ mờ nhận ra nhau bằng tiếng nói của người cùng làng.

Tôi ngồi đợi hồi lâu trong sân ga thật vắng lặng. Thế rồi đoàn tàu đến cùng tiếng còi tàu vang trong sương và mang tôi đi. Đoàn tàu với ánh đèn vàng pha loáng thoáng phía trước rồi cũng nhanh chóng bị mất hút trong sương mù. Thật khó hình dung giữa việc ngồi trong đoàn tàu chợ, là loại tàu nhẹ, bình dân, chạy không thường xuyên những năm đầu thế kỷ XXI, với ngồi trong đoàn tàu khách hạng nhất, sang trọng, dành cho giới quý tộc những năm 1900, cũng ngay trên tuyến đường sắt xuyên Đông Dương một thời này. Sau hơn trăm năm, những cây cầu, những bức tường kè vào vách núi với chi tiết hình vòm cong đặc trưng trên con đường 15km ngắn ngủi ấy, tôi thấy nó cũng nghệ thuật không kém gì những công trình có thiết kế phức tạp vào loại bậc nhất thế giới ở tuyến đường sắt Tây Bắc đi Vân Nam như cầu đăng-ten ở km83, cầu vì kèo qua thung lũng Nậm Ty ở km111. Thực hiện “Kế hoạch Doumer”, có lẽ tham vọng của người Pháp muốn chinh phục Đông Dương bằng sức mạnh quân sự, khoa học kỹ thuật và cả sự ngạo nghễ của tây phương, báo hiệu một giai đoạn thay đổi lẫn bi thảm ở vùng đất xa xôi mà trù phú này. Qua những biến động của lịch sử, bây giờ sự ngạo nghễ ấy cũng đang dần chìm khuất trong sương mù.

2. Cao nguyên Vân Hòa nằm ở phía tây Phú Yên trên độ cao trung bình 445m so với mực nước biển. Tôi ấn tượng bởi một chuyến phượt qua nơi đây, cả cao nguyên bảng lảng chiều sương mù. Sương mù nơi đây như hư vô, chạm vào đấy rồi biến mất đấy, vừa thấy trước mặt lại xa khuất sau đèo, khiến con người ta như muốn đi mãi để tìm kiếm cái gì đó trong mù sương. Đi trong sương mù tinh khiết ấy hình như tâm hồn con người cũng được thanh tẩy đi bao nhiêu thứ vớ vẩn của cuộc đời. Trong một chuyến trở lại cao nguyên, khi đứng trước bờ hồ Vân Hòa phẳng lặng, tôi bỗng nhớ về tác phẩm “Bên bờ quạnh hiu” của Quỳnh Dao. Tôi đọc nhiều Quỳnh Dao nhưng thực ít nhớ tên tác phẩm. Chỉ nhớ cốt truyện những ngôi nhà có ô cửa sổ mở ra nhìn hiên mưa, và trên tay nàng tiểu thư bao giờ cũng là quyển tiểu thuyết đẫm lệ. Đọc Quỳnh Dao dễ mang trái tim u sầu vạn kiếp. May sao, cao nguyên Vân Hòa có mùa trái đỏ. Nhìn từ xa những chùm trái đỏnhư mọc ra từ sương mù, mọng đỏnhư môi thiếu nữ cười trong sương. Cảm thấy mình dường như cũng ở bên bờ hư thực.

3. Sinh ra nơi núi đồi và lớn lên trong sương mù. Tôi có cảm tưởng như núi đồi mù sương cũng đi theo mình trong suốt đường đời đằng đẵng. Những lúc lòng ngổn ngang, chúng lại hiện ra bồng bềnh kiêu hãnh, như để trở về xoa dịu rồi lại ra đi. Không hiểu sao những khi nhắc đến sương mù tôi lại nghĩ đến Đà Lạt. Dù rằng Đà Lạt chỉ là đô thị hơn trăm năm, còn sương mù thì vô tận. Hay Đà Lạt đã là một siêu lý tình yêu khó lý giải. Xây dựng một ngôi nhà ưng ý đã khó. Xây dựng nên một đô thị có bản sắc riêng như Đà Lạt đâu phải dễ. Nhiều khi tôi ước mình sinh sau một vài trăm năm để xem thời cuộc ra sao. Nhưng nhiều lúc cũng muốn sinh ra sớm hơn, để tìm cảm giác ngồi trên đoàn tàu lửa răng cưa, leo từng bậc mà lên với xứ sở thông reo, nơi chân đi ba bước gió sương đã trắng xóa bóng người. Như một chuyến hành hương về với thánh địa của miền tri thức, văn minh và cả sương gió đời người. Để tìm những thứ không bao giờ tìm lại được.

TRẦN LÊ ANH TUẤN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/294529/nhung-ki-lo-met-suong-mu.html