Những kỹ năng phòng tránh sét đánh mùa mưa dông cần biết

Nếu biết những kỹ năng đề phòng tránh sét khi gặp trời mưa dông, nhất là trong mùa mưa bão có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh.

Khi gặp mưa dông, sấm sét, việc xử lý kịp thời và đúng cách có thể tránh được rủi ro không đáng có, giảm thiểu mất mát về người cũng như thiệt hại về vật chất.

Sét là gì?

Sét hay tia sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và mặt đất hay giữa các đám mây mang các điện tích khác dấu, đôi khi còn xuất hiện trong các trận phun trào núi lửa hay bão bụi (cát). Khi phóng điện trong khí quyển tia sét có thể di chuyển với tốc độ 36.000km/h.

Sét là sự di chuyển của các ion nhưng hình ảnh của sét là do dòng plasma phát sáng tạo ra, nên có thể thấy nó trước khi nghe tiếng động vì tiếng động chỉ di chuyển với tốc độ 1.230km/h trong điều kiện bình thường của không khí còn ánh sáng đi được 299.792.458 m/s.

Sét có thể đạt tới nhiệt độ 30.000°C, gấp 20 lần nhiệt độ cần thiết để biến cát silica thành thủy tinh.

Để chủ động bảo vệ an toàn cho mình và người thân khỏi nguy cơ bị sét đánh, người dân cần thực hiện một số biện pháp phòng tránh sét khi trời mưa, dông. Ảnh minh họa.

Để chủ động bảo vệ an toàn cho mình và người thân khỏi nguy cơ bị sét đánh, người dân cần thực hiện một số biện pháp phòng tránh sét khi trời mưa, dông. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng sấm sét?

Nguyên nhân gây ra hiện tượng sấm sét là do có những luồng không khí bốc lên và đi xuống bị đốt nóng không đều. Hơi nước nóng bốc lên, ngưng tụ và đóng băng giải phóng năng lượng dưới dạng nhiệt.

Năng lượng này làm cho không khí bốc lên nhanh hơn và các giọt nước trong đó bị cọ xát rất mạnh vào các tinh thể băng từ trên rơi xuống sinh ra tĩnh điện.

Những dòng không khí đi lên mạnh mẽ và không đều làm cho các hạt nước ở phần bên dưới của đám mây bị tán nhỏ và vỡ vụn. Những phần nhỏ bên ngoài của hạt nước bị tách ra mang điện âm, nhân còn lại lớn hơn mang điện dương.

Các hạt nước lớn mang điện dương tập trung ở phần trước còn các điện âm tập trung ở những hạt nước nhỏ được dòng không khí cuốn tới các phần khác của đám mây. Sự tích điện trái dấu của các phần của một đám mây hoặc giữa các đám mây gây ra hiện tượng phóng điện mà ta thường gọi là chớp.

Mặt đất giống như một đám mây khổng lồ mang điện âm nên thường xảy ra hiện tượng phóng điện từ các đám mây dông xuống những nơi nhô cao hơn của mặt đất, tạo thành sét.

Một số cách phòng chống sét đánh an toàn

Theo nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á - một trong ba tâm dông trên thế giới, có hoạt động dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày dông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ một năm.

Vì vậy, vào mùa mưa thường xuất hiện nhiều dông sét. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, phòng tránh bị sét đánh trúng, chúng ta cần lưu ý:

Đầu tiên cần lưu ý là luôn theo dõi tin dự báo thời tiết trước khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Nếu dự báo có dông bão, hãy hoãn chuyến đi hoặc đảm bảo nơi mình đến, nơi mình làm việc có nơi trú ẩn an toàn thích hợp. Tránh những nơi có nguy cơ sét đánh cao. Luôn theo dõi trạng thái bầu trời và có biện pháp phòng tránh sét ngay khi thấy có những biểu hiện có khả năng xảy ra dông, sét như mây cuồn cuộn từ phía xa, bầu trời tối đi, gió tự nhiên mát hơn và thổi mạnh hoặc nghe tiếng sấm từ xa.

- Khi đang ở trong nhà

+ Nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết.

+ Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông gần xảy ra. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các đường dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Cần rút ăng ten ra khỏi ti vi khi có dông.

- Nếu đang ở ngoài trời

+ Tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt…

+ Nên tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất; nhón chân, không được nằm xuống đất. Đặc biệt, không đứng thành nhóm người gần nhau, hãy tản ra nếu bạn đang ở trong một nhóm đông.

+ Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt ti-vi) thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào, lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất.

Cách sơ cứu nạn nhân bị sét đánh

Khi gặp người bị sét đánh, nếu nạn nhân hôn mê thì cần kiểm tra xem còn thở hay không. Nếu ngừng thở, cần tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức.

- Đặt nạn nhân nằm ngửa.

- Tiến hành hồi sức hô hấp miệng-miệng: Lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu. Sau đó ngậm kín miệng của nạn nhân, thổi một hơi dài rồi buông ra để nạn nhân thở ra bình thường. Tiếp tục làm như vậy khoảng 2 lần.

- Ép tim ngoài lồng ngực: Xác định 1/3 dưới xương ức. Đặt hai tay lên vị trí vừa xác định và ép liên tục khoảng 30 lần với tần số khoảng 100 lần/phút, ép sâu khoảng 3-5cm.

- Luân phiên thổi ngạt-ép tim như vậy với tỉ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ và có các trang thiết bị thiết yếu.

- Phải cố định cột sống cổ, lưng cho bệnh nhân trong trường hợp nghi ngờ có vết thương trên đầu hoặc vùng cổ sưng nề có máu tụ.

- Lưu ý, sau khi cấp cứu, sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Tú Diệp (t/h)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-ky-nang-phong-tranh-set-danh-mua-mua-dong-can-biet-169240605152244404.htm