Những lão nông trồng mai bạc tỉ
Khi sắc vàng màu nắng rực lên trong nhà, ngoài ngõ - mai Tết đã nở, khai mở những điều may và ở đâu đó có những câu chuyện thú vị xung quanh 'cổ tích mai vàng' với những lão nông trồng mai bạc tỉ…
Mai – giờ đây không đơn thuần chỉ là cây cảnh trưng Tết, mà còn mang trong đó những giá trị nghệ thuật - nghệ thuật trồng, nghệ thuật tạo hình và cả nghệ thuật nhìn ngắm của những người có con mắt nhà nghề.
Những cây mai có giá trị nghệ thuật cao sẽ có trị giá kinh tế không nhỏ. Cho nên, nhờ vào trồng mai, nhiều người dân vốn “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” đã trở thành những lão nông có trong tay bạc tỉ.
Câu chuyện đổi đời nhờ trồng mai của người dân làng mai Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An như một “huyền thoại” được loan truyền xa gần, từ đời thực cho đến khắp thế giới mạng.
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp tiếp xúc với những lão nông trồng mai sành điệu ở làng Tân Tây. Những lão nông mang vẻ khắc khổ bởi mỗi ngày đều dồn tâm, dồn sức chăm bẵm cây mai để nâng tầm thành tác phẩm nghệ thuật và cái kết…thu về bạc tỉ.
Khởi đầu câu chuyện, ông Nguyễn Văn Hoàng, trưởng ban đại diện làng mai Tân Tây hồi nhớ về 20 năm trước, khi ấy làng mai này chỉ là cánh đồng phèn mặn, người dân nơi đây chỉ biết trồng tràm để cải tạo đất. Nhờ sự nỗ lực của bà con, vùng đất được xả phèn, rửa mặn và chuyển những rừng tràm thành cánh đồng lúa, khoai mỡ. Thế nhưng hai loại nông sản này chỉ đủ để người dân sống qua ngày, cuộc sống vẫn bấp bênh.
Cuộc sống của bà con bắt đầu sang trang với nhiều tiềm năng, kỳ vọng khi anh Trần Văn Thống, con thứ bảy của ông Trần Văn Vị (74 tuổi, ấp 5, Tân Tây) từng đi học nghề hoa kiểng xứ hoa Chợ Lách (Bến Tre) khởi xướng nghề trồng mai ở xứ này.
Ông Hoàng chậm rãi kể “khi thằng Thống đặt vấn đề với tôi chuyển đất trồng lúa sang trồng mai, tôi còn chửi nó khùng vì trồng xong rồi bán ai mua, rồi có khi cây mai phải đốn làm củi, cả làng đói khổ. Vậy mà nó vẫn quyết tâm làm, chẳng ngờ chỉ với vài công đất và vai năm khởi nghiệp, nó đã kiếm được tiền tỉ. Mọi người thấy vậy cũng học trồng theo. Làng mai Tân Tây hình thành từ đây. Đến nay đã có khoảng 500 ha với hơn 800 hộ trồng mai. Ai cũng khá giả”.
Dẫn chứng cho câu chuyện “huyền thoại” làng mai, ông Hoàng đưa chúng tôi đến gặp trực tiếp lão nông Trần Văn Vị (cha của anh Thống) để mục sở thị những cây mai bạc tỉ của xứ Tân Tây.
Chỉ tay vào những gốc mai cổ thụ có giá hàng trăm triệu đồng, ông Vị nói giọng đậm chất miền Tây “mấy thứ quỷ này thì đầy. Mấy cây kia, thân to hơn, dáng đẹp hơn, có lái trả 1,3 tỉ mà tôi chưa chịu bán”.
Chia sẻ thêm về làng mai Tân Tây, ông Vị cười tươi nói: “Không biết vùng khác như thế nào chứ đất xứ này trồng mai tốt khỏi phải nói. Cây mai dáng đẹp vô cùng với gốc to, “da” vàng... Nếu biết uốn tỉa cành để thành tác phẩm nghệ thuật thì không nơi nào sánh bằng. Cũng chính nhờ vậy mà những gốc mai lớn của làng chúng tôi mới có giá bạc tỉ.”.
Ngược về làng mai Bình Lợi (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM), chúng tôi gặp lão nông Trương Minh Dũng (64 tuổi) - một trong những người đưa mai về với làng Bình Lợi. Có trong tay kinh nghiệm 30 năm trồng mai, ông Dũng đã dành 20 năm cho làng mai Bình Lợi.
Từ năm 2005, ông Dũng mang giống mai ở Thủ Đức, TP.HCM về với vùng đất nhiễm phèn Bình Lợi. Sau nhiều lần kiên trì với việc chuyển đổi canh tác từ những giống cây trồng khác như mía, dứa, sen... cây mai cuối cùng cũng xuất hiện ở Bình Lợi và phát triển tốt hơn mong đợi.
Hơn 60 tuổi, sức khỏe có phần giảm sút nhưng ông Dũng luôn là “bác sĩ” kiểm tra “sức khỏe” cho những cây mai không sót ngày nào. "Mần nghề này cũng cực trần ai khoai củ chứ không phải dễ ăn. Ngày nào cũng như ngày nào, 3 giờ sáng là tui xách đèn ra coi "tụi nó". Mần cái nghề nào cũng phải thiệt mê nó mới mần nổi chứ không là bỏ ngang à"- ông Dũng nói với chúng tôi.
Chỉ tay vào những cây mai có dáng hình độc đáo, lạ mắt, ông Dũng phân tích: Để có được những cây mai cho thế đẹp như “Trực phân chi”, “Thác đổ”, “Xuy phong”… người trồng mai phải trải qua bao giai đoạn từ lúc ươm mầm cây con, chăm sóc rồi tuyển chọn những cây chắc khỏe để tạo cho nó có hình hài ưng ý nhất. Thậm chí có những cây mai phải mất 18 năm mới tạo được dáng “Bon sai” như thế này.
Ông Dũng tự hào rằng mai ở đây có những nét riêng nên được nhiều người chuộng. Với gần 600 ha mai vàng tại xã Bình Lợi mỗi năm người trồng mai có doanh thu từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng/ha, đời sống người nông dân xã Bình Lợi được ổn định và khá giả hơn xưa rất nhiều.
Giờ đây, làng mai Bình Lợi rất nổi tiếng khi cung cấp mai từ trong Nam ra miền Trung tới ngoài Bắc, ông Dũng tự hào rằng mai ở đây có những nét riêng nên được nhiều người chuộng. "Cây mai có giá trị cao thì phải đảm bảo các tiêu chuẩn như bông phải đạt từ 10-12 cánh; bộ đế, tàn, chi phải đẹp, độ cao phải phù hợp. Người có mắt nhà nghề nhìn sơ cây là biết liền mai có giá trị hay không"- ông Dũng chia sẻ.
Thế còn riêng những cây định giá tiền tỉ thì phải có nét rất nổi trội. Cây mai phải đi theo tiêu chí “nhất đế, nhì thân” – có nghĩa phần bệ đế hay còn gọi là phần “móng nhà” phải chắc chắn, hoành thân kích thước lớn...
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-lao-nong-trong-mai-bac-ti-post772351.html