Trang tin Berliner Zeitung (Đức) mới đây có bài phân tích cho rằng, Mỹ đang phải đối mặt với "cơn ác mộng địa chính trị", bắt nguồn từ những liên minh của Nga.
Cách đây ít ngày, chuyến thăm chính thức Moskva của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thu hút sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng quốc tế. Và bây giờ mọi người đang tự hỏi liệu Trung Quốc và Nga sẽ đoàn kết như thế nào để đối chọi phương Tây?
Theo các nhà báo Đức, trong vài năm qua, Liên bang Nga đã thực sự trở nên rất gần gũi với Trung Quốc và Iran, tình huống này dự báo mang lại cho Mỹ những "cơn đau đầu".
Tác giả bài phân tích trên ấn bản tiếng Đức nhấn mạnh: “Liên minh Trung Quốc - Nga - Iran được hình thành thực sự là cơn ác mộng địa chính trị đối với Mỹ".
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới trong một thời gian ngắn đã trở thành đơn cực do Mỹ thống trị. Tuy nhiên sức mạnh và ảnh hưởng của Washington đang mờ dần và trong bối cảnh đó, mô hình đơn cực của trật tự thế giới bắt đầu tan rã.
Các cường quốc trên thế giới đang tập hợp lại khi họ bước vào một kỷ nguyên cạnh tranh mới. Cho đến nay, những "người chơi" chủ đạo trong lĩnh vực địa chính trị là Mỹ, châu Âu, Nga, Trung Quốc, cũng như Nhật Bản và Ấn Độ.
Hiện tại, thế giới có thể đang chứng kiến sự lặp lại của trận chiến kinh điển giữa đất liền và trên biển, đó là liên minh Trung Quốc - Nga - Iran đối đầu với trục Mỹ - Anh - EU và Nhật Bản.
Liên quan đến các sự kiện đang diễn ra, việc tăng cường nhanh chóng mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với nước Mỹ.
Nga và Trung Quốc cũng duy trì quan hệ thân thiết với Iran - quốc gia đang có mối quan hệ khá thù địch với Mỹ. Mặc dù Moskva, Bắc Kinh và Tehran chưa chính thức tham gia vào một liên minh, nhưng họ đã trở nên rất thân thiết trong vài năm qua.
Theo nhận xét, một liên minh đang được hình thành trên lục địa Á - Âu dự báo sẽ trở thành cơn ác mộng thực sự đối với Mỹ, khi là đối trọng cả về kinh tế, chính trị và quân sự.
Ngoài các quốc gia nói trên, Nga còn đang tìm kiếm những liên minh mới với đối tác thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), hay Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO)...
Phần lớn những quốc gia này đều đang nuôi ý định độc lập quan hệ với Washington, và viễn cảnh một thế giới đa cực, không tuân theo sự điều khiển của phương Tây tỏ ra rất hấp dẫn họ.