Những loại vaccine nào đang được sử dụng để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ?

Một trong những loại vaccine phòng chống bệnh đậu mùa khỉ nổi bật nhất và được sử dụng nhiều ở Mỹ, Canada và châu Âu là loại vaccine do công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch sản xuất và phân phối.

Tại cuộc họp báo hôm 23-7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), đã có hơn 16.800 người ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ mắc căn bệnh đậu mùa khỉ.

Một trong những biện pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ hữu hiệu nhất hiện nay chính là tiêm vaccine. Đây có thể là công cụ tốt nhất ở thời điểm hiện tại giúp bảo vệ con người trước bệnh đậu mùa khỉ, đặc biệt đối với những nhóm người dễ bị phơi nhiễm.

Nhân viên y tế cầm một mẫu xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: REUTERS

Nhân viên y tế cầm một mẫu xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: REUTERS

Vaccine bệnh đậu mùa có thể chống bệnh đậu mùa khỉ ở mức độ nhất định

Theo đài CBC, vì virus gây nên bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa đều thuộc chung họ virus nên một số chuyên gia cho rằng những loại vaccine mà thế giới từng sử dụng cho bệnh đậu mùa cũng có thể sử dụng để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Các chuyên gia cho rằng hai loại virus có liên quan với nhau nên những mũi vaccine phòng bệnh đậu mùa cũng có thể cung cấp một số mức độ miễn dịch nhất định giúp chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

Tiến sĩ Isaac Bogoch - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Đa khoa Toronto (Canada) - cho biết: “Có khả năng chiến dịch tiêm chủng đại trà bệnh đậu mùa đã thực sự giúp ngăn chặn cả một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trong nhiều năm qua”.

“Tuy nhiên, hầu hết những người dưới 50 tuổi hiện nay ở Canada và cả thế giới đều chưa được tiêm ngừa bệnh đậu mùa, đó có thể là một trong những lý do bệnh đậu mùa khỉ lại xuất hiện ở thời điểm hiện tại” - ông Bogoch nhận định.

Bên cạnh đó, theo WHO, các loại vaccine đang được khuyến cáo sử dụng để chống lại bệnh đậu mùa khỉ ngày nay khác với những loại vaccine phòng bệnh đậu mùa được sử dụng hàng chục năm trước.

"Một số quốc gia đã duy trì nguồn vaccine đậu mùa cũ từ Chương trình Xóa bỏ Bệnh đậu mùa tăng cường (SEP). WHO khuyến cáo các nước không nên sử dụng những loại vaccine thế hệ đầu tiên được giữ trong kho dự trữ quốc gia vào thời điểm hiện tại, vì chúng không đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất và an toàn hiện hành” - WHO tuyên bố.

Những lọ dán nhãn vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: CNBC

Những lọ dán nhãn vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: CNBC

Loại vaccine mang nhiều tên gọi của Đan Mạch

Một trong những ứng cử viên vaccine phòng chống bệnh đậu mùa khỉ sáng giá nhất hiện nay chính là loại vaccine do công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch sản xuất và phân phối.

Theo tạp chí Forbes, vaccine của Bavarian Nordic hiện là loại vaccine duy nhất được phép sử dụng để chống lại bệnh đậu mùa khỉ cả ở Mỹ, Canada và châu Âu. Ở Canada, loại vaccine này có tên thương mại là Imvamune, trong khi đó ở châu Âu nó được gọi là Imvanex và ở Mỹ là Jynneos.

Vaccine của Bavarian Nordic chứa một loại virus sống, có tác dụng ngăn chặn virus đậu mùa tự sao chép trong tế bào con người. Loại vaccine này sử dụng để phòng chống bệnh đậu mùa hoặc bệnh đậu mùa khỉ với người từ 18 tuổi trở lên.

Vaccine đòi hỏi tiêm hai mũi, mỗi mũi cách nhau bốn tuần. Sau hai tuần tiêm mũi thứ hai, năng lực miễn dịch sẽ được phát triển tối đa. Hiệu quả của loại vaccine này đối với bệnh đậu mùa khỉ đã được chứng minh qua các nghiên cứu trên động vật.

Vaccine của Bavarian Nordic đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào ngày 24-9-2019, để phòng ngừa bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ ở người lớn từ 18 tuổi trở lên. Đây là một trong hai loại vaccine duy nhất được FDA chấp thuận để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ.

Trong khi đó, loại vaccine này ban đầu được ủy quyền tại Canada để sử dụng đối với bệnh đậu mùa vào tháng 11-2013, như một phần của kế hoạch khẩn cấp của chính phủ liên bang nhằm chủng ngừa cho người dân nếu căn bệnh chết người này bùng phát trở lại.

Theo các tài liệu của Ủy ban Tư vấn Quốc gia về Tiêm chủng của Canada (NACI), Canada đã mở rộng quyền sử dụng vaccine của Bavarian Nordic cho bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2020.

Vào ngày 25-7, Ủy ban châu Âu (EC) cũng chính thức cấp phép cho Bavarian Nordic được mở rộng việc sản xuất và phân phối vaccine của công ty để góp phần chống lại bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu. Bavarian Nordic cho biết việc phê chuẩn này có hiệu lực ở toàn bộ 27 nước thành viên EU cũng như Iceland, Liechtenstein và Na Uy. Quyết định được đưa ra một ngày sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ.

Trước đó, Bavarian Nordic đã cung cấp vaccine cho một số nước Liên minh châu Âu (EU) trong đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay ở châu Âu, với mục đích được gọi là "sử dụng ngoài nhãn".

Cả WHO và NACI đều khuyến cáo người dân tiêm hai mũi vaccine của Bavarian Nordic. Tuy nhiên, theo NACI, nếu một người đã từng chủng ngừa bệnh đậu mùa trong quá khứ thì họ chỉ cần tiêm một liều duy nhất vaccine của Bavarian Nordic để tăng cường khả năng miễn dịch.

Tuy nhiên, có một vấn đề: hiện loại vaccine này chỉ được sản xuất tại Đan Mạch, có nghĩa số lượng vaccine có hạn.

Đức đã đặt hàng 40.000 liều vaccine vào tháng 6 và 200.000 liều nữa đến cuối năm, EC cũng đã đặt mua 163.620 liều vaccine khẩn cấp từ Bavarian Nordic. Với nhu cầu mua nhiều nhưng khả năng sản xuất hạn chế, nguy cơ xảy ra sự mất bình đẳng trong việc phân phối và sở hữu vaccine là rất cao.

Giám đốc điều hành của Bavarian Nordic - ông Paul Chaplin cho biết nguồn cung vaccine hiện đang rất ít, điều này đã cản trở nỗ lực kiểm soát virus đậu mùa khỉ của nhiều nước. Công ty dược phẩm Đan Mạch cho biết đang tìm cách thúc đẩy sản xuất thêm vaccine.

Những vấn đề về nguồn cung vaccine đang khiến các quốc gia nghèo, đặc biệt như các nước châu Phi (nơi bệnh đậu khỉ đã xuất hiện trước đó nhiều năm) đang phải vật lộn để có được vaccine. Các quốc gia giàu có hơn đang tìm cách để đảm bảo nguồn cung cho mình, khiến tình trạng thiếu hụt vaccine thêm trầm trọng.

Lọ vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ Jynneos cùng hộp đựng do công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch sản xuất. Ảnh: VOX

Lọ vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ Jynneos cùng hộp đựng do công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch sản xuất. Ảnh: VOX

Vaccine chứa virus sống ACAM2000

Chính quyền Washington cũng đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ có tên gọi ACAM2000, do hãng dược Mỹ BioSolutions sản xuất.

Vaccine ACAM2000 có chứa virus sống giảm động lực và hoạt động bằng cách gây nhiễm trùng nhẹ, kích thích phản ứng miễn dịch, giúp bảo vệ hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa mà không thực sự gây ra bệnh.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chống chỉ định tiêm vaccine ACAM2000 cho những người có vấn đề về hệ thống miễn dịch. Những người có vấn đề về sức khỏe có thể có nguy cơ cao bị các phản ứng phụ nghiêm trọng do tiêm chủng.

Bên cạnh đó, vì ACAM2000 có chứa virus sống, nên cần phải cẩn thận để ngăn virus lây lan từ vị trí tiêm chủng sang các bộ phận khác của cơ thể và cho các cá nhân khác nếu bạn chạm vào vị trí tiêm chủng và sau đó chạm vào các bộ phận khác của cơ thể bạn hoặc trên cơ thể người khác.

Nếu virus lây lan sang một người không tiêm phòng, nó có thể gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Cho nên, để ngăn ngừa điều này, người được tiêm cần thực hiện đúng các biện pháp chăm sóc vị trí tiêm và thực hiện biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Theo tờ South China Morning Post, vaccine này còn có một số tác dụng phụ đáng kể và có thể gây rủi ro cho những người bị ức chế miễn dịch (giảm kích hoạt hoặc hiệu quả của hệ thống miễn dịch), chẳng hạn như người bị nhiễm HIV, thậm chí gây tử vong cho những người bị bệnh chàm.

KHÔI CHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-loai-vaccine-nao-dang-duoc-su-dung-de-phong-chong-benh-dau-mua-khi-post691014.html