Những lời cha mẹ khiển trách vô tình 'giết chết' sự tự tin của con mình
Nhiều cha mẹ trẻ ngày nay than phiền con mình sao nhút nhát, thiếu tự tin... lớn lên chẳng biết sẽ làm ăn được gì. Họ không biết rằng những lời khiển trách thông thường đã gieo vào tâm trí con trẻ rất sâu sắc đã 'giết chết' sự tự tin của trẻ.
Các bậc cha mẹ trẻ hãy nghĩ xem các bạn có đang vô tình nói những điều này hàng ngày với con cái mình không nhé:
- Con chẳng làm gì nên hồn. Ra kia để mẹ làm cho nhanh.
- Con học cái A nhà bác B kìa, nó khéo léo thế kia, mà con thì lúc nào cũng làm hư/vỡ đồ hết. Sao con không giống các bạn?...
Rất nhiều cha mẹ trẻ chắc đã từng nói những điều tương tự với con trong một hoàn cảnh nào đó mà không ý thức được khi nói, hoặc vô tình thốt ra những khi nóng giận, hay cha mẹ vội vã, sốt ruột nên muốn làm hộ con cho sớm xong, hay do xót của, sợ con làm hỏng việc, lại mất nhiều thời gian, công sức của mình...
Nhưng cha mẹ không biết rằng những câu nói với họ như lời khiển trách thông thường lại in vào tâm trí con trẻ sâu tới mức trở thành nguyên nhân giết chết lòng tự tin của con trẻ. Ví như một đứa trẻ liên tục bị đem ra so sánh với những đứa trẻ giỏi hơn, hoặc với chuẩn mực của xã hội... thì nó dần trở nên tự ti, mặc cảm, và nghĩ rằng mình thật kém cỏi.
Dù đứa trẻ có khả năng, có tốt đến mấy... chỉ cần bị so sánh điều gì thì nó cũng trở thành thiếu tự tin, đồng nghĩa với việc cha mẹ không chấp nhận con như nó đang là.
Nhưng những lời nói khiển trách, so sánh ấy không phải tự nhiên mà hình thành trong tâm trí của cha mẹ, mà sâu thẳm trong vô thức cha mẹ ngày thơ ấu đã từng là một đứa trẻ thiếu tự tin, cũng thường xuyên bị cha mẹ nói những lời tương tự như thế. Lớn lên cha mẹ muốn con phải giỏi, phải hoàn hảo, phải tự tin… Nhưng thực tế thì cha mẹ đã làm được những điều đó chưa?
Vậy đó, cha mẹ không thể cho con thứ mà cha mẹ không có. Cha mẹ chính là đang vô thức dạy bảo con mình theo cái cách chính bạn được dạy ngày xưa (cho dù bạn muốn điều đó hay không).
Lão Tử đã nói một câu thế này: "Một người tin vào chính mình sẽ không cố gắng thuyết phục người khác. Một người hài lòng với chính mình sẽ không cần người khác chấp thuận. Bởi vì khi một người chấp nhận chính mình, cả thế giới sẽ chấp nhận anh ta".
Vì vậy các bậc cha mẹ cần chấp nhận con mình như những gì nó đang là, kể cả mặt tốt và chưa tốt của con. Hãy cho phép con được thử và sai. Hãy luôn động viên, khuyến khích con để từ đó con có động lực làm tốt hơn.
Trần Việt Quân
(Cố vấn hệ thống trường Liên cấp Tuệ Đức
Sáng lập viên CLB Dạy con nên người)