Những lớp học đặc biệt nơi biên cương
Họ là những người đã luống tuổi ở các bản làng vùng cao tỉnh Thanh Hóa, có những người đã lên chức bà nhưng vẫn hào hứng cắp sách đến lớp
Khi màn đêm buông xuống, tiếng loa phát thanh thông báo từ nhà trưởng bản Pùng (xã Quang Chiểu, huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) vang vọng khắp núi rừng, cũng là lúc những phụ nữ trong bản gác lại công việc thường ngày để tới trường luyện viết, tập đọc.
Ngày lên nương, tối tới lớp
Lớp học xóa mù của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5 (gọi tắt là Đoàn Quốc phòng 5, thuộc Quân khu 4 - Bộ Quốc phòng) được mở từ nhiều năm qua để giúp đỡ đồng bào các dân tộc vùng biên giới Thanh Hóa đã lớn tuổi, trước đây không có điều kiện tới trường. Bản Pùng là nơi được Đoàn Quốc phòng 5 triển khai sau khi khảo sát thực tế thấy nhiều người chưa biết đọc, biết viết, tái mù chữ.
Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi theo chân những chiến sĩ của Đoàn Quốc phòng 5 đến lớp học xóa mù. Lớp được mở tại điểm Trường THCS Quang Chiểu.
Trong đêm tối tĩnh lặng của miền biên viễn, vang lên tiếng ê-a đánh vần của những người dân xóm núi. Trong lớp học ấy, những học trò đa phần từ 25-50 tuổi, chăm chú nghe thầy giáo giảng bài, tập đọc. Dù giọng đọc còn méo, nhiều âm đọc sai nhưng ai nấy đều hăng say học tập.
Năm nay 31 tuổi nhưng Hoàng Thị Cưới không biết chữ. Cô kể hồi nhỏ nhà nghèo, học giữa chừng lớp 1 rồi bỏ, từ đó mù chữ, tên mình cũng không biết viết. Lớn lên lấy chồng, bao việc lo toan trong cuộc sống khiến Cưới hiểu thất học vất vả nhường nào, nên ngay khi hay tin có lớp xóa mù mở tại bản, Cưới đăng ký đi học.
"Mình mong biết chữ, biết đọc, biết viết để thuận tiện trong sinh hoạt thường ngày. Không có chữ khổ lắm, đi đám cưới đến cái phong bì viết vài chữ chúc mừng cũng không viết được, mua thuốc cũng chẳng biết tên thuốc, công dụng hay hạn sử dụng còn hay hết. Tham gia lớp học được 2 tuần, mình đã biết được nhiều chữ và đang luyện viết tên mình" - Cưới hồ hởi.
Là một trong những thành viên lớn tuổi trong lớp, đã có cháu ngoại nhưng bà Ngân Thị Thướng (SN 1977) vẫn nhiệt tình tới lớp chăm chú tập đọc, luyện chữ. Theo bà Thướng, giờ tuổi cao, tay khô cứng nên việc luyện viết khó khăn nhưng bà rất vui khi được tới lớp. "Chị em chúng tôi ban ngày người thì lên nương rẫy, người làm việc đồng áng, lo cơm nước cho chồng con, nhưng tối đến đều tới lớp đông đủ. Có nhiều hôm bận việc, cơm không kịp ăn nhưng tới giờ là ai cũng có mặt. Tôi rất vui khi viết được tên mình, làm phép cộng trừ đơn giản" - bà Thướng cho hay.
Cũng theo bà Thướng, chị em trong lớp đều tuổi cao, trí tuệ không còn tinh nhanh nên việc học rất vất vả, tính toán cũng chậm. Thế nhưng ai cũng vui khi được các thầy giáo tận tình chỉ bảo, tập đi tập lại nhiều lần cho tới khi luyện viết thành thạo, làm được phép tính mới thôi.
"Ngoài học chữ, chúng tôi tới lớp còn thấy vui vì bà con có dịp gần nhau, lớp học lúc nào cũng rộn tiếng cười, xua đi những mệt nhọc sau những ngày làm việc vất vả" - chị Lò Thị Viết tâm sự.
Không quản nắng, mưa
Thầy giáo Hà Công Thuyên, thành viên Đội Tri thức trẻ tình nguyện - Đoàn Quốc phòng 5, cho biết đã gắn bó với các lớp xóa mù từ nhiều năm qua.
Tốt nghiệp đại học, thầy tham gia đội tình nguyện và lăn lộn qua nhiều bản làng để xóa mù chữ cho đồng bào và lớp tại bản Pùng là lớp thứ 8. Thấu hiểu khó khăn, thiệt thòi của những phụ nữ đã luống tuổi nhưng vẫn tới lớp tìm con chữ, thầy Thuyên rất vui, không quản mệt nhọc, tới lớp bất kể nắng, mưa.
"Các lớp xóa mù thường ở những bản xa trung tâm, lại dạy học vào ban đêm nên việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt là những ngày mưa gió đường trơn trượt, sạt lở luôn chực chờ trên các triền núi. Những ngày đầu đi dạy, lúc về đường rừng heo hút, tối đen cũng thấy sợ, nhưng nhìn những người đến lớp bằng tuổi bố, tuổi mẹ nên mình rất nhiệt tình. Dù ngày mưa hay mùa đông rét buốt, họ vẫn tới lớp đông đủ, đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi" - thầy Thuyên bộc bạch.
Tham gia chương trình xóa mù từ năm 2022, thầy giáo Lò Văn Lê cũng nếm trải nhiều khó khăn, vất vả ở vùng đất biên cương gian khó này. Có những ngày đi làm về, ăn vội bát cơm là lên xe chạy tới lớp học ngay. Có thời điểm phải "cắm bản" nhiều tháng trời vì đường đi lại khó khăn. "Năm 2023, chúng em phải cắm bản, mượn nhà dân để ăn ở, dạy học cho bà con bản Ón (xã Tam Chung) 3 tháng trời. Điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn. Dân ở đây là người dân tộc Mông, biết tiếng Kinh rất ít. Nhờ có sự hỗ trợ của các anh bộ đội trong đoàn, trưởng bản, biên phòng… nên chúng em đã hoàn thành nhiệm vụ" - thầy Lê cho hay.
Theo thầy Thuyên, thầy Lê, cách giảng dạy phải phù hợp để học viên dễ tiếp thu. Thời gian học chỉ 3 tháng nên giáo án phải đơn giản, dễ hiểu, đưa những hình ảnh, thông tin người dân thường gặp hằng ngày để khi kết thúc lớp học là các học viên có thể đọc, viết, ghép những từ đơn giản, áp dụng ngay vào cuộc sống. Thiết thực nhất là khi ra UBND xã xin giấy tờ thì có thể viết được tên mình; khi buôn bán có thể trao đổi, tính toán được; đi làm công nhân thì có thể phân biệt được nhà vệ sinh nam, hay nữ…
Gắn kết quân dân
Mường Lát là huyện biên giới xa nhất của tỉnh Thanh Hóa. Đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn, tỉ lệ mù chữ còn cao, đặc biệt là những người lớn tuổi trước đây không được tới trường hoặc tái mù chữ.
Từ thực tế đó, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa và Đoàn Quốc phòng 5 đã phối hợp với nhiều xã nơi đơn vị đóng quân để tổ chức các lớp xóa mù, giúp người dân có kiến thức nền để phục vụ cuộc sống hằng ngày.
Trung tá Vũ Văn Quang - Đội trưởng Đội sản xuất 2, Đoàn Quốc phòng 5 - cho biết để mở được lớp học, bộ đội phải tới từng bản, từng gia đình để vận động bà con tham gia. Nhiều người hồ hởi tham gia ngay nhưng cũng có người không muốn vợ con đi học vì sợ ảnh hưởng công việc. "Trong mấy năm qua, việc vận động, tuyên truyền học viên ra lớp có nhiều chuyển biến. Nhiều chị em thấy được lợi ích của lớp học nên đã chủ động đăng ký khi đơn vị mở lớp" - trung tá Quang chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Văn Thịnh, trợ lý kế hoạch - Đoàn Quốc phòng 5, cho biết giai đoạn từ năm 2022 đến nay, đơn vị mở được 8 lớp xóa mù chữ cho đồng bào ở các xã Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu (huyện Mường Lát) với trên 300 học viên. Lớp tại bản Pùng mở từ ngày 31-7.
"Lớp học tổ chức vào các tối, từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần, thời gian học từ 19 giờ 30 phút tới 21 giờ 30 phút. Bà con ở đây đăng ký đi học rất đông, ai cũng vui vẻ gác lại công việc để tới lớp" - trung tá Thịnh nói.
Trung tá Thịnh là người miền biển Nam Định. Kể từ khi ra trường, anh về với vùng cao Mường Lát cùng sống, cùng ăn ở với đồng bào đã trên 20 năm. Là kỹ sư lâm nghiệp nên trung tá Thịnh tích cực giúp dân bản trong việc lựa chọn cây, con giống để nuôi trồng đạt hiệu quả. Ngoài công việc chính được đơn vị giao, anh còn là thành viên tích cực tham gia đứng lớp để xóa mù cho người dân nhiều bản làng suốt những năm qua.
"Không chỉ dạy bà con biết đọc, biết viết, mà qua lớp học chúng tôi lồng ghép tuyên truyền về các chính sách của Đảng, Nhà nước, các chính sách mới đến bà con, tuyên truyền một số giải pháp trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Từ đó, không chỉ giúp người dân nâng cao dân trí, mà tình quân dân ngày càng thêm gắn bó, bền chặt" - trung tá Thịnh chia sẻ.
Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết những lớp xóa mù của Biên phòng Thanh Hóa và Đoàn Quốc phòng 5 mở tại địa phương rất thiết thực và ý nghĩa, góp phần giảm tỉ lệ mù chữ, tái mù trên địa bàn trong những năm qua. Nhờ các lớp học này mà trình độ dân trí, đặc biệt là phụ nữ trong xã được nâng lên rõ rệt, thuận tiện cho giao thương buôn bán, tiếp cận học hỏi những mô hình phát triển kinh tế hay để vươn lên thoát nghèo.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-lop-hoc-dac-biet-noi-bien-cuong-196240831184159304.htm