Những luận điệu lạc nhịp về Giỗ Tổ Hùng Vương và tinh thần đoàn kết dân tộc

Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng gắn với đoàn kết dân tộc, truyền thống 'uống nước nhớ nguồn'. Tuy nhiên, nhiều tổ chức phản động cố cất lên luận điệu xuyên tạc.

Những ngày đầu tháng Ba âm lịch, hàng triệu con tim người Việt lại hướng về vùng đất linh thiêng – Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ. Dòng người từ khắp mọi miền đất nước và cả kiều bào ở xa xôi nơi hải ngoại nô nức trở về, dâng nén hương thơm tưởng nhớ công đức tổ tiên trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương – một nghi lễ không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng mà còn là biểu tượng bất diệt của tinh thần đoàn kết dân tộc. Tiếc rằng, trong một nền tảng cộng đồng truyền thống, linh thiêng đó vẫn có những luận điệu xuyên tạc về giá trị, ý nghĩa Giỗ Tổ Hùng Vương. Không khó để nhận ra những luận điệu lạc nhịp, chống phá đó…

Giỗ Tổ Hùng Vương – Biểu tượng sức mạnh đoàn kết

Giỗ Tổ Hùng Vương từ lâu đã khắc sâu trong tâm khảm người Việt như một lễ nghi thiêng liêng, nhắc nhở mỗi người về cội nguồn dân tộc – nơi bắt đầu từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, từ mảnh đất Văn Lang – cái nôi khai sinh ra đất nước Việt Nam. Đây là dịp để mỗi người con đất Việt, dù ở bất cứ nơi đâu, đều thắp lên ngọn lửa lòng thành, tri ân những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Cũng chính từ những giá trị này, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành một sợi chỉ đỏ kết nối hàng triệu trái tim, làm nên sức mạnh nội sinh vững chắc cho dân tộc.

Người dân hành hương về Giỗ Tổ Hùng Vương sáng 6/4/2025. Ảnh: NĐT

Người dân hành hương về Giỗ Tổ Hùng Vương sáng 6/4/2025. Ảnh: NĐT

Cần phải khẳng định, Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ đơn thuần là một ngày lễ truyền thống, mà còn là kết tinh của bản sắc văn hóa, là “chất keo” gắn kết tinh thần dân tộc qua bao thế hệ. Đây là dịp quan trọng để phát huy tinh thần yêu nước, bồi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp, khơi dậy ý chí vươn lên của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Không có một dân tộc nào có thể tồn tại mà quên đi cội nguồn của mình. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của người Việt, là nền tảng tạo nên sức mạnh trường tồn trước mọi thử thách lịch sử.

Chúng ta hãy nhìn vào thực tế: Năm nào cũng vậy, từ miền xuôi đến miền ngược, từ trung du đến vùng sâu vùng xa, hàng triệu người dân không quản ngại đường xa vất vả, tề tựu về Đền Hùng với lòng thành kính sâu sắc. Các nghi lễ dâng hương được tổ chức trang nghiêm, đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội Giỗ Tổ không chỉ có phần lễ mà còn có phần hội phong phú, với các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, thi gói bánh chưng bánh giày… thể hiện sự gắn kết cộng đồng và niềm vui chung của cả dân tộc.

Nhận diện và phản bác các luận điệu xuyên tạc

Ý nghĩa và những giá trị gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương đã được khẳng định. Thế nhưng, như một “quy luật” quen thuộc, cứ vào tháng 3 âm lịch, đâu đó lại xuất hiện những tiếng nói lạc lõng, những luận điệu xuyên tạc từ các thế lực thù địch, phản động. Như trên Đài Á Châu Tự Do - một đài phản động và một số tổ chức phản động lưu vong thường đưa lên mạng xã hội. Chúng rêu rao, đưa ý kiến của các "chuyên gia khảo cổ"; "nhà nghiên cứu lịch sử" lưu vong, phản động... mang tư tưởng thù địch với Việt Nam mà "phán" rằng đây là hình thức “mê tín dị đoan”, là “lễ hội hình thức”, thậm chí gán ghép các ý tưởng sai trái nhằm phủ nhận truyền thống văn hóa, phủ nhận sự chính danh lịch sử của dân tộc Việt Nam. Những luận điệu ấy không những sai lầm về mặt nhận thức, mà còn là âm mưu có chủ đích nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm xói mòn lòng tự hào dân tộc và ý chí độc lập tự chủ của đất nước.

Những thế lực thù địch khi cố tình xuyên tạc Giỗ Tổ Hùng Vương, thực chất là đang nhắm vào nền tảng tinh thần của người Việt. Bởi chúng hiểu rằng, chỉ khi làm người Việt Nam quên đi cội nguồn, quên đi lịch sử, thì mới có thể gieo rắc những mầm mống ly khai, phản kháng, vô cảm với vận mệnh dân tộc. Chính vì vậy, những luận điệu như “không có thật”, “hư cấu lịch sử”… cần phải bị vạch trần và phản bác bằng lý lẽ và chứng cứ xác đáng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận. Điều này không chỉ minh chứng cho giá trị trường tồn của Giỗ Tổ Hùng Vương trong đời sống người Việt, mà còn khẳng định sức lan tỏa và tính nhân văn của nghi lễ này đối với cộng đồng quốc tế. Việc phủ nhận giá trị của Giỗ Tổ không khác gì phủ nhận văn hóa, phủ nhận bản sắc và quyền tự chủ về tư tưởng của dân tộc Việt Nam.

Chúng ta không phản ứng một cách cực đoan hay duy ý chí. Chúng ta phản bác bằng sự tỉnh táo, bằng hiểu biết và bằng niềm tin sắt đá vào giá trị truyền thống của cha ông. Trong thời đại công nghệ thông tin, những luận điệu xuyên tạc ngày càng tinh vi hơn, sử dụng mạng xã hội để lan truyền, lôi kéo, gây nhiễu loạn nhận thức. Vì thế, hơn lúc nào hết, mỗi người dân, đặc biệt thế hệ trẻ cần tỉnh táo, chọn lọc thông tin, tránh bị dẫn dắt bởi các luận điểm sai lệch và có chủ đích xấu.

Phát huy giá trị của Giỗ Tổ Hùng Vương

Giỗ Tổ Hùng Vương không phải chỉ là một lễ nghi tưởng niệm. Nó là “cột mốc” để mỗi người dân Việt tự soi lại bản thân, nhắc nhở mình về trách nhiệm giữ gìn bản sắc, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc. Lễ hội ấy giúp chúng ta hiểu rằng, dù ở thời đại nào, con đường phát triển của đất nước đều bắt nguồn từ khối đại đoàn kết – nơi mỗi cá nhân ý thức được vai trò của mình trong một tập thể lớn mạnh.

Để tiếp tục lan tỏa và bảo vệ giá trị của Giỗ Tổ Hùng Vương, các cơ quan báo chí, truyền thông cần đóng vai trò là người gác cổng thông tin, kịp thời phát hiện và phản bác các luận điệu xuyên tạc. Các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục đưa tinh thần của ngày Giỗ Tổ vào giảng dạy, giúp thế hệ trẻ thấm nhuần ý thức về lịch sử, về trách nhiệm với đất nước. Mỗi gia đình, mỗi tổ chức xã hội hãy xem Giỗ Tổ là dịp nhắc nhở thế hệ con cháu về lòng biết ơn và tinh thần cộng đồng.

Đối với kiều bào ở nước ngoài, Giỗ Tổ Hùng Vương càng có ý nghĩa đặc biệt. Nó giúp duy trì sợi dây văn hóa, kết nối người Việt xa quê với cội nguồn. Giỗ Tổ Hùng Vương là nhịp cầu văn hóa nối liền quá khứ – hiện tại – tương lai. Là dịp để cả dân tộc Việt Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ trong nước đến ngoài nước, hòa chung trong một niềm tin, một lý tưởng: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bền vững, vươn mình mạnh mẽ trong thời đại mới.

Khi đoàn kết là sức mạnh, khi lòng biết ơn là kim chỉ nam, thì không một thế lực nào có thể chia rẽ dân tộc ta. Bởi lẽ, như Bác Hồ căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Giỗ Tổ Hùng Vương chính là dịp để khơi dậy tinh thần ấy – tinh thần của một dân tộc biết tri ân, biết đoàn kết, biết đứng vững giữa bão giông của lịch sử và thời đại.

Minh Thư

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-luan-dieu-lac-nhip-ve-gio-to-hung-vuong-va-tinh-than-doan-ket-dan-toc-381774.html