Những luật và chiến lược giúp Trung Quốc trở thành cường quốc KH-CN hàng đầu thế giới (phần 2)
Những luật và chiến lược của Trung Quốc (nêu ở phần 1) đã góp phần thúc đẩy nhiều lĩnh vực công nghệ trọng điểm.
Ảnh hưởng đến các lĩnh vực công nghệ trọng điểm
Trí tuệ nhân tạo (AI)
Trung Quốc xác định AI là ngành chiến lược cấp cao. Năm 2017, chính phủ ban hành “Kế hoạch Phát triển AI thế hệ mới”, trong đó nêu rõ mục tiêu giành “lợi thế đi đầu” trong AI và sớm biến Trung Quốc thành cường quốc KH-CN. Theo đó, hệ sinh thái AI được đầu tư toàn diện, từ phát triển chip AI và nền tảng dữ liệu đến áp dụng trong y tế, giao thông, quốc phòng.
Song song đó, chính phủ cũng thiết lập khung quy định, gồm nguyên tắc đạo đức AI (ban hành năm 2019), quản lý thuật toán phát tán thông tin (2021) và gần đây quy định AI sinh tạo (2022-2023), nhằm kiểm soát chặt chẽ tác động xã hội của công nghệ này.
Nhờ chính sách đồng bộ, Trung Quốc đã thu hút các tập đoàn như Baidu, Alibaba, Huawei, ByteDance đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu AI và đạt nhiều đột phá trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, cũng như ứng dụng trong thành phố thông minh, xe tự hành... Đầu năm nay, công ty khởi nghiệp DeepSeek nổi tiếng toàn cầu nhờ phát hành mô hình AI nguồn mở hiệu suất cao ngang bằng các sản phẩm Mỹ nguồn đóng như của OpenAI và Google nhưng được đào tạo với chi phí thấp hơn nhiều.

DeepSeek và Alibaba đua nhau giành vị trí dẫn đầu thế giới về mô hình AI mã nguồn mở - Ảnh: Internet
Công nghệ sinh học và y tế
Quốc gia này cũng đẩy mạnh R&D trong sinh học công nghệ, từ chỉnh sửa gien, tế bào gốc đến vắc xin. Chính phủ thành lập các viện nghiên cứu và quỹ chuyên ngành, đồng thời ban hành Luật An toàn Sinh học (2021) để quản lý chặt rủi ro liên quan đến công nghệ gien và sinh học. Trên thực tế, Trung Quốc trở thành cường quốc vắc xin, có nhiều công ty hàng đầu về gien và sinh phẩm.
Chip bán dẫn
Việc Mỹ siết chặt xuất khẩu chất bán dẫn cho Trung Quốc đã thôi thúc nước này coi chip là vấn đề an ninh quốc gia. Chính sách Made in China 2025 đề ra mục tiêu đạt 70% tự chủ chip nội địa vào 2025. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc thành lập Quỹ tích hợp mạch quốc gia (Big Fund) lớn nhất thế giới, hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất chip theo hợp đồng và công ty thiết kế chip. Đầu tư cho R&D chip cũng được ưu tiên hàng đầu. Hơn nữa, việc hình thành hệ thống tiêu chuẩn và an ninh công nghệ mới giúp Trung Quốc tạo lợi trong cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là biến công nghệ thành công cụ để trao đổi, gây ảnh hưởng hoặc ràng buộc các nước khác trong thương mại và địa chính trị.
Dù vậy, hãng tin Reuters trích lời chuyên gia cho biết Trung Quốc cần “đạt những đột phá trong chip, in thạch bản và hệ điều hành” để bứt phá trong kinh tế công nghệ cao.
Công nghệ lượng tử
Những chiến lược và đầu tư dài hơi đã giúp Trung Quốc tạo ra các đột phá trong công nghệ lượng tử. Điển hình là nguyên mẫu máy tính lượng tử siêu dẫn Zuchongzhi 3.0 với 105 qubit của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC), được giới thiệu hồi tháng 3.2025.
Nghiên cứu này cho thấy Zuchongzhi 3.0 xử lý mẫu mạch lượng tử ngẫu nhiên nhanh hơn nhiều lần so với siêu máy tính mạnh nhất hiện nay. Đột phá này không chỉ lập kỷ lục ưu thế lượng tử, mà còn khẳng định vị thế của Trung Quốc trong cuộc đua toàn cầu.
Trung Quốc đã phóng vệ tinh lượng tử Micius, thiết lập mạng lưới truyền thông lượng tử và đầu tư mạnh vào máy đo lượng tử - tất cả được hỗ trợ bởi quỹ nhà nước và chính sách R&D. Các chiến lược chuẩn hóa quốc tế cũng liệt lượng tử vào ngành ưu tiên, khuyến khích cộng đồng nghiên cứu quốc tế làm việc với Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Công nghệ vũ trụ
Trong lĩnh vực vũ trụ, Trung Quốc đạt nhiều thành tựu quan trọng nhờ đầu tư từ nhà nước và chương trình quốc gia. Đã có một số sứ mệnh nổi bật do Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) phát triển, gồm cả Trạm vũ trụ Thiên Cung đã vận hành từ cuối năm 2022. Sứ mệnh Hằng Nga thăm dò Mặt trăng (Hằng Nga 4 hạ cánh thành công phía xa Mặt trăng năm 2019, Hằng Nga 5 đưa mẫu về Trái đất 2020) và Thiên Vấn lên sao Hỏa (tàu Chúc Dung hạ cánh trên sao Hỏa năm 2021) cũng đánh dấu bước tiến lớn.
Những thành tích này có được nhờ nhà nước liên tiếp cấp ngân sách và đặt hàng R&D cho lĩnh vực vũ trụ, cũng như hình thành hệ thống pháp lý để hợp tác quốc tế và quy định an toàn phóng vệ tinh.
Năng lượng mới và công nghệ xanh
Trung Quốc tích cực chuyển đổi năng lượng với mục tiêu phát triển bền vững. Nước này đã dẫn đầu toàn cầu về sản xuất năng lượng Mặt trời và pin ô tô điện. Thống kê cho thấy Trung Quốc chiếm phần lớn công suất điện Mặt trời mới trên thế giới và đi đầu trong công nghiệp lưu trữ năng lượng.
Theo bài phân tích trên trang China Briefing, Trung Quốc “đã nắm giữ thế thượng phong” trong thị trường năng lượng tái tạo và công nghệ ô tô điện (gồm cả pin) và đang phát triển tiêu chuẩn kỹ thuật để duy trì ưu thế này. Mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (trung hòa carbon) vào năm 2060 cũng được chính quyền Trung Quốc cụ thể hóa bằng chính sách hỗ trợ công nghệ xanh, gồm cả ưu đãi thuế cho năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Nhờ đó, các công ty Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất pin Mặt trời, pin lithium và ô tô điện, đồng thời đóng góp lớn vào quá trình chuyển dịch xanh toàn cầu.
Cột mốc pháp lý và sự thay đổi mô hình
Nhìn chung, từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc đã liên tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và điều chỉnh chiến lược để đáp ứng từng giai đoạn phát triển:
Trước 2015: Chuẩn bị khung luật cơ bản và khởi động những dự án khoa học lớn đầu tiên.
2015: Ra đời Made in China 2025 - bản lộ trình chiến lược ngành công nghệ cao kéo dài 10 năm. Sau đó, năm 2016, Quốc hội thông qua Luật Thúc đẩy chuyển giao KH-CN (2015). Giữa thập niên, Trung Quốc ban hành Luật An ninh mạng (2017) và đề án AI 2017.
2016 - 2020 (Kế hoạch 5 năm lần 13): Tập trung tăng cường R&D, đặc biệt cho mạng di động 5G, vật liệu mới, công nghệ sinh học và năng lượng sạch. Trong giai đoạn này, Trung Quốc sửa Luật Sở hữu trí tuệ (2019 - 2020) để bảo vệ sáng chế, ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (2021) chuẩn bị cho kỷ nguyên dữ liệu.
2021 - 2025 (Kế hoạch 5 năm lần 14): KH-CN được xác định là then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Luật KH-CN sửa đổi (2021) chính thức quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và R&D cơ bản, cùng các đạo luật mới về dữ liệu (2021) và phổ cập KH-CN (2024) vào vai trò điều tiết xã hội. Mục tiêu của giai đoạn này là đạt những đột phá trong các ngành then chốt (như chip, in thạch bản) để đạt tự chủ công nghệ, đồng thời chuẩn bị nền tảng cho các mục tiêu 2025 và tầm nhìn 2035 của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Sau 2025: Kế hoạch dài hạn đến 2035 đã được công bố, trong đó tiếp tục kế thừa và mở rộng các chương trình hiện có, đặc biệt là Đề án phát triển KH-CN vũ trụ (2024-2050) nhằm phát triển trung tâm nghiên cứu vũ trụ và công nghệ phụ trợ; chiến lược Chuẩn hóa quốc gia 2035 được thực thi theo lộ trình (2021-2035); đồng thời liên tục cập nhật Luật KH-CN, Luật Đất đai, Luật hải dương (dành cho nghiên cứu khoa học biển) để bổ sung thể chế cho công nghệ mới.
Qua từng giai đoạn, mô hình phát triển KH-CN của Trung Quốc thay đổi từ tăng trưởng nhờ nhập khẩu công nghệ sang tăng trưởng dựa trên nội lực và sáng tạo. Giai đoạn ban đầu (đầu những năm 2000) là tập trung mua công nghệ và thu hút FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài); sau 2010 là xây dựng cơ sở R&D và hoàn thiện pháp luật; đến nay là đặt nặng tự chủ và cạnh tranh toàn cầu, với pháp luật và chính sách được thiết kế để thúc đẩy ngành công nghệ chủ chốt đột phá.
Tóm lại, các luật và chính sách KH-CN được Trung Quốc ban hành từ 2010 đến nay đã hình thành một hệ thống chiến lược bài bản. Hệ thống này gồm cả khung pháp lý hỗ trợ đổi mới và các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo thành nền tảng vững chắc cho những bước đột phá trong các lĩnh vực AI, công nghệ sinh học, bán dẫn, lượng tử, không gian và năng lượng sạch. Kết quả là Trung Quốc đã từ chỗ phụ thuộc công nghệ bên ngoài chuyển sang đứng trong nhóm các nước dẫn đầu thế giới về nhiều ngành công nghệ cao.