Những lưu ý khi bảo quản thực phẩm gửi người dân vùng lũ

Khi chuẩn bị đồ ăn cứu trợ cho đồng bào vùng lũ có ba vấn đề cần quan tâm đó là an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến, cách bảo quản và lựa chọn loại thực phẩm cứu trợ.

Thực phẩm hút chân không có an toàn tuyệt đối?

Chia sẻ với khó khăn của người dân vùng ngập lũ, những ngày gần đây, nhiều đoàn thiện nguyện ở các tỉnh thành đã cùng nhau chung tay góp sức gửi đến các vùng bị cô lập do mưa lũ nhiều loại thực phẩm. Đồ ăn như bánh mỳ, cơm nắm, bánh chưng... được hút chân không là loại phổ biến nhất nhằm vận chuyển dễ dàng và bảo quản được lâu.

Nói về cách bảo quản thực phẩm này, TS Vũ Thị Tần, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, phương pháp này nếu làm đúng cách sẽ bảo quản được thực phẩm lâu hỏng hơn để ngoài môi trường tự nhiên.

Thực phẩm hút chân không, đóng gói để bảo quản lâu hơn gửi đến người dân vùng lũ.

Thực phẩm hút chân không, đóng gói để bảo quản lâu hơn gửi đến người dân vùng lũ.

"Hút chân không là rút hết khí của thực phẩm, tạo môi trường chân không (không có không khí trong thực phẩm). Phương pháp này có thể ngăn cản sự phát triển của một số loại vi khuẩn. Tuy nhiên, có loại vi khuẩn lại phát triển mạnh mẽ ở trong môi trường kị khí (không có không khí hoặc thiếu oxi), ví dụ như botulinum. Độc tố botulinum có thể gây nhiễm độc mạnh", TS Tần nói.

Hiện tại, các loại thực phẩm như bánh mì, bánh chưng, cơm nắm, xôi... được chế biến ồ ạt, rồi hút chân không gửi đi. Nếu trong quá trình chế biến có nhiễm khuẩn botulinum thì việc hút chân không sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn nhiều so với việc để đồ ăn trong túi bình thường.

Vi khuẩn botulinum sống rất "dai", phải đun nóng ở nhiệt độ cao trên 120 độ C trong thời gian dài mới loại bỏ được. Tuy vậy, hiện nay bà con vùng lũ đang bị cô lập, không có đủ điều kiện để đun nóng lại phải sử dụng ngay, như vậy khá nguy hiểm.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm cho biết, khi chuẩn bị đồ ăn cứu trợ cho đồng bào vùng lũ có ba vấn đề cần quan tâm đó là an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến, cách bảo quản và lựa chọn loại thực phẩm cứu trợ.

Những loại đồ ăn có thể sử dụng ngay, không cần qua chế biến nên được ưu tiên trong hoàn cảnh mưa lũ hiện nay. Ví dụ như bánh chưng, cơm nắm, gạo rang, thịt kho khô, cá biển khô… Trong đó, bánh chưng là lựa chọn khá thích hợp để người dân vùng bão lũ, sạt lở có thể sử dụng ngay, dễ bảo quản, vận chuyển. Bánh chưng đã có đầy đủ cả đậu, thịt, tinh bột, vì vậy sẽ đảm bảo dinh dưỡng.

"Tuy nhiên, để đảm bảo, ngay từ khâu chuẩn bị người dân phải lựa chọn các nguyên liệu và quá trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điểm lưu ý đặc biệt khi chế biến đồ ăn sẵn để có thể lưu trữ sử dụng được lâu là phải nấu chín thật kỹ. Phải đảm bảo đồ ăn đã được nấu chín thật kỹ. Sau khi đã nấu chín kỹ, người dân cần để nguội bằng với nhiệt độ ngoài trời rồi mới đóng gói để vận chuyển đến các địa điểm cứu trợ", ông Thịnh hướng dẫn.

Không nên lạm dụng phương pháp hút chân không thực phẩm

Cũng theo ông Thịnh, người dân có thể chuẩn bị đồ ăn cứu trợ như gạo rang. Trước khi rang, nên ngâm trước gạo, sau đó rang khô. Gạo rang sẽ hơi xốp, đây là thực phẩm trước đây trong kháng chiến thường sử dụng. Với thịt kho, nên sử dụng loại thịt ít mỡ, kho khô, hơi mặn một chút để có thể bảo quản được lâu hơn.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý, thực hiện biện pháp hút chân không thực phẩm cũng cần hết sức chú ý. Dùng thực phẩm hút chân không trong thời gian ngắn ngày hiện nay phù hợp với những người đang cần cứu trợ. Còn nếu dùng như vậy triền miên ngày này qua tháng khác thì mọi người cần phải xem xét lại.

Theo chuyên gia, đồ ăn nấu chín sau khi được bảo quản bằng phương pháp hút chân không, ở điều kiện bình thường có thể bảo quản được 5-10 ngày. Khi cất trong tủ lạnh có thể bảo quản được đến 15-20 ngày. Tuy nhiên, trong tình hình thời tiết bão, lũ lụt với nhiệt độ và độ ẩm cao, thời gian bảo quản bằng phương pháp hút chân không sẽ bị rút ngắn hơn.

Do đó, người dân tuyệt đối không nên có suy nghĩ dùng đồ hút chân không là yên tâm tích trữ đồ ăn trong nhà đến bao giờ cũng được. Phương pháp hút chân không để kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm hiện rất hữu hiệu nhưng không nên lạm dụng, nhất là trong tình hình mưa bão, lũ lụt.

Lo lắng mưa lũ còn phức tạp, nhiều gia đình chọn cách tích trữ nhiều thực phẩm đề phòng không đi được chợ. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, việc mua quá nhiều thực phẩm tích trữ dễ khiến thực phẩm bị ôi hỏng trước khi có thể sử dụng nếu không bảo quản đúng cách. Nếu ăn đồ ôi, ươn vào cơ thể thì nguy cơ mắc bệnh, ngộ độc thực phẩm tăng cao. Do đó, lời khuyên cho mọi người là cần mua đúng thực phẩm có thể bảo quản lâu dài, cầm cự trong những ngày bão lũ.

Ví dụ với lương thực, nên chọn các loại thực phẩm đóng gói sẵn như mì gói, gạo, các loại hạt, đồ hộp... có thời hạn sử dụng dài, dễ bảo quản và không cần chế biến cầu kỳ. Chọn các sản phẩm có bao bì còn nguyên vẹn, không bị móp méo, hạn sử dụng còn xa.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-luu-y-khi-bao-quan-thuc-pham-gui-nguoi-dan-vung-lu-169240913171721223.htm