Những lưu ý về áp xe vùng cổ sâu tránh tử vong vì suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn
Áp xe vùng cổ sâu là một cấp cứu trong chuyên ngành tai mũi họng do tính chất cấp tính và lan rộng nhanh chóng. Bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp hoặc sốc nhiễm khuẩn nếu không được chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời.
Dẫn lưu ổ áp xe cứu sống người bệnh bị nhiễm trùng vùng cổ
Bệnh nhân nam 67 tuổi, tiền sử đái tháo đường type II không điều trị thường xuyên, không có tiền sử hóc xương, không can thiệp vùng răng miệng trước đó.
Cách vào viện 3 ngày, bệnh nhân có biểu hiện đau rát họng, nuốt vướng, sưng nóng đỏ đau vùng trước cổ. Bệnh nhân vào khám cấp cứu trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, bắt đầu xuất hiện khó thở, thành họng bên phải sưng phồng, sung huyết, ứ đọng nhiều đờm dãi.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ siêu âm vùng cổ phát hiện ổ áp xe trước khí quản lan vào thùy phải và mặt sau eo giáp kích thước 29x25x50mm. Hình ảnh cắt lớp vi tính cho thấy ổ áp xe kéo dài từ hố Rosenmuller phải xuống đến phần sau sụn nhẫn - giáp, trước cột sống ngang mức C5 kích thước 16x46x81mm.
Bệnh nhân đã được mổ cấp cứu dẫn lưu cổ bên và thành họng, tránh gây biến chứng chèn ép đường thở và áp xe lan tỏa xuống trung thất. Sau mổ, bệnh nhân được điều trị phối hợp kháng sinh tích cực kèm theo chăm sóc hốc mổ hàng ngày.
Hiện tại, sau 2 tuần nằm viện, toàn trạng của người bệnh cũng như tình trạng nhiễm trùng tại chỗ đã được điều trị ổn định và có thể ra viện.
Bác sĩ Nguyễn Việt Hưng, Khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện cho biết: Nhiễm trùng cổ sâu là bệnh lý nhiễm trùng của các khoang sâu vùng đầu mặt cổ, có tất cả 11 khoang, các khoang này là những khoang ảo chứa nhiều tổ chức mô liên kết, trong điều kiện bình thường không thể thấy được trên lâm sàng cũng như chẩn đoán hình ảnh.
Nhiễm trùng xảy ra khi những khoang này bị vi khuẩn xâm nhập, do tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, hoặc gián tiếp qua đường mạch máu, hạch bạch huyết, thường có sự phối hợp của cả vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí.
Sau đó, quá trình viêm hóa mủ sẽ xuất hiện và lan tràn sang các khoang vùng cổ khác vì các khoang này có bản chất rất lỏng lẻo, thông thương với nhau dễ dàng, không có khả năng co lại và khoanh vùng ổ viêm.
Người dân nên có lối sống lành mạnh, tăng cường sức đề kháng, giữ vệ sinh răng miệng, mũi họng, chủ động đi khám điều trị sớm các viêm nhiễm, tổn thương vùng cổ, họng, răng, miệng, theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện và kiểm soát các bệnh toàn thân có nguy cơ cao.
BS. Nguyễn Việt Hưng khuyến cáo.
Những lưu ý về áp xe vùng cổ sâu
Theo các bác sĩ, áp xe vùng cổ sâu là một cấp cứu trong chuyên ngành tai mũi họng do tính chất cấp tính và lan rộng nhanh chóng. Ổ áp xe có thể lan từ vùng họng bên đến bao cảnh gây huyết khối tĩnh mạch cảnh trong, dẫn đến viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, thuyên tắc mạch ở các cơ quan khác hoặc có thể lan rộng xuống dưới ngực và vào trung thất, gây áp xe trung thất, viêm mủ màng phổi.
Ngoài ra tình trạng phù nề lan tỏa vùng cổ cũng gây chèn ép đường thở. Hậu quả là bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp hoặc sốc nhiễm khuẩn nếu không được chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời.
Căn nguyên bệnh phổ biến:
Ở trẻ em là viêm amidan, viêm V.A;
Ở người lớn chủ yếu là do răng.
Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như các viêm mũi họng, thủ thuật tại khoang miệng, nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn tuyến nước bọt, chấn thương vùng họng, các đường rò bẩm sinh vùng cổ, dị vật thực quản, viêm hoặc áp xe tuyến giáp.
Tuy nhiên có 20-50% trường hợp không xác định được nguồn gốc rõ ràng.
Một số yếu tố thuận lợi gây khởi phát bệnh như suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, lao, điều trị corticoid kéo dài... hoặc hút thuốc lá, thuốc lào, sử dụng rượu bia, chất kích thích.
Trong quá khứ, chẩn đoán và điều trị kịp thời nhiễm trùng cổ sâu là một thách thức thực sự. Gần đây với sự tiến bộ của chẩn đoán hình ảnh, vi sinh và các kháng sinh thế hệ mới cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa đã giúp cho chẩn đoán và điều trị các áp xe vùng cổ có nhiều tiến bộ, tiên lượng bệnh ngày càng tốt hơn.