Những mầm xanh mọc lên từ đất bạc

Khi mưa bom bão đạn liên tục tàn phá đến bạc cả đất, những chiến sĩ vẫn ngày đêm chiến đấu để bảo vệ quê hương. Có người đã nằm lại cùng đất mẹ, có người trở về mang theo ước mơ của đồng đội. Những cựu chiến binh trở về đã hun đúc tinh thần yêu nước mãnh liệt cho chính con cháu mình. Từ đó tạo nên những mầm xanh đầy sức trẻ, luôn biết ơn và trân trọng những hy sinh của cha ông.

Chị Khánh Nguyên (sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM) mặc áo ghilê của ông ngoại đến tham dự buổi sơ duyệt diễu binh

Chị Khánh Nguyên (sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM) mặc áo ghilê của ông ngoại đến tham dự buổi sơ duyệt diễu binh

Tình yêu nở hoa trong khói lửa

Bồi hồi nhớ lại mỗi khi ông ngoại gắng gượng chịu đựng cơn đau do những vết thương thời chiến, Ngọc Lam (sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM) tâm sự: “Trước khi ra mặt trận, ông bà đã yêu nhau rồi. Đến khi ông trở về với cơ thể không lành lặn, bà vẫn yêu ông sâu đậm đến tận hôm nay”.

Với những người trẻ được sinh ra và lớn lên từ ký ức thời chiến, câu chuyện đầy hào hùng của ông bà sẽ luôn nằm sâu trong tim như một lời nhắc nhở về trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ đất nước. Mỗi khi nhắc về ông của mình, Trang Linh (sinh viên năm 2, ngụ Hà Nội) lại bồi hồi: “Tôi rất thích nghe ông kể chuyện, lần nào cũng chăm chú nghe và nhớ rất lâu. Tôi vẫn nhớ ông kể từng bị lạc đơn vị nhiều ngày, phải khâu sống (không thuốc giảm đau) vết thương lớn ở vai, khi ông quyết tâm học chữ để viết thư về cho bà, những lá thư suốt 9 năm trời, lúc ông khóc vì nhớ những người bạn, đồng đội đã ngã xuống”.

Trong những ngày đất nước hân hoan đón đại lễ, Trang Linh mặc chiếc áo bà ba của bà nội để đến viếng lăng Bác. Chị cho biết đó là niềm tự hào và hãnh diện về câu chuyện đẹp của ông bà, những người đã khơi dậy trong chị tình yêu đất nước mãnh liệt. “Ông tôi cứ hay nhắc hòa bình đẹp lắm, ông cũng dặn chúng tôi phải học hành, làm hết sức mình để giúp đỡ gia đình và đất nước, để xứng đáng với biết bao cha ông đã hy sinh xương máu và tuổi xuân cho dân tộc”, Trang Linh tâm sự.

Để ký ức không chỉ là lịch sử

Nhớ về những tháng năm kiên cường nơi chiến trường, nhiều cựu chiến binh dùng sự hài hước để giấu đi phần nào mất mát và đau thương khi kể lại kỷ niệm thời chiến cho con cháu. Phương Linh (hiện là du học sinh tại Đài Loan), kể: “Tôi và ông tôi thân nhau lắm. Lúc tôi còn nhỏ, ông kể rằng chân ông bị... chuột cắn nên cụt mất một phần. Ngày còn thơ trẻ, tôi tin suốt điều đó, đến khi lớn tôi mới hiểu rằng đó là một minh chứng cho thời tuổi trẻ ông đã góp phần chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc”.

Mỗi cựu chiến binh là một nhân chứng hùng hồn cho những tháng năm chiến đấu oanh liệt của dân tộc ta. Câu chuyện hào hùng ấy đôi khi không chỉ thể hiện trong những lời kể sống động, mà sống mãi trong lòng con cháu bởi những minh chứng của chiến tranh. Thời điểm được nghe ông kể chuyện, Mai Sơn (31 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TPHCM) còn quá nhỏ để hiểu những hy sinh của ông. Tuy nhiên, anh vẫn nhớ từng vết thương ở chân tay, trên lưng, trên bụng, thậm chí là những mảnh đạn còn bên trong cơ thể ông. “Đối với ông, mỗi vết thương đau đớn ấy lại như một huân chương ghi dấu những năm tháng chiến đấu anh dũng, đóng góp cả tuổi xuân cho đất nước. Điều đó tôi luôn giữ thật sâu trong tim mình”, anh tâm sự.

Thời gian qua đi, khi từng thế hệ tiếp bước dựng xây Tổ quốc, câu chuyện năm xưa sẽ sống mãi trong thâm tâm những người con, người cháu của các cựu chiến binh. Khoác trên mình chiếc áo ghile thời chiến của ông ngoại đến xem diễu hành, diễu binh dịp 30-4, Khánh Nguyên (sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM) kể: “Là cựu chiến binh, ông ngoại tôi rất nhớ đồng đội và khao khát được tham dự lễ diễu binh, để được nhìn thấy cảnh mà ông vẫn gọi là “đất nước trọn niềm vui”, nhưng sức khỏe không cho phép. Vì thế, tôi đã hứa mặc áo của ông và tham dự đầy đủ các buổi lễ duyệt binh, diễu binh như một cách gián tiếp gửi không khí này đến ông”.

Những ngày đặc biệt của đất nước là dịp để nhân dân cả nước ghi nhớ và biết ơn những người đã ngã xuống. Với các gia đình cựu chiến binh, đây còn là ngày đoàn tụ, là biểu tượng của sức mạnh và hy vọng. Đó là ngày để các con cháu thấm thía và hiểu được giá trị của tự do, của hòa bình mà thề hệ ông bà họ đã góp phần tạo nên. Càng nhớ, càng hiểu và trân trọng lịch sử, mỗi người mới có thể sống ý nghĩa, có trách nhiệm hơn với hiện tại và tương lai.

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập, mỗi người trẻ là ngọn đuốc sáng, thắp lên ý chí gìn giữ non sông bằng khả năng và sự sáng tạo của mình. Mai đây, khi những cựu chiến binh trở thành một phần tươi đẹp của lịch sử dân tộc, thì tinh thần yêu nước, khí thế mãnh liệt, những hy sinh anh dũng của họ sẽ sống mãi trong lòng quê hương và những trái tim đầy sức trẻ. Những mầm xanh sẽ vươn lên đầy sức sống, dù đất có khô cằn đến bạc màu.

HỒNG ÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-mam-xanh-moc-len-tu-dat-bac-post794574.html