Những mảng xám trong bức tranh tài chính của Tập đoàn Thiên Minh Đức
Tập đoàn Thiên Minh Đức có hoạt động kinh doanh không mấy khả quan, khi lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt hơn 23 tỷ đồng…
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức là một trong những doanh nghiệp đầu mối về xuất nhập khẩu xăng dầu và có mạng lưới phân phối bán lẻ xăng dầu top đầu cả nước.
LỢI NHUẬN ÈO UỘT
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group) được thành lập ngày 4/9/2001 theo Giấy phép đăng ký kinh doanh số 2900471372, có trụ sở tại Số 2A, Đường Lê Mao, Phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Tại thời điểm 20/9/2022, vốn điều lệ TMD Group đạt 2.022 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính tính đến hết năm 2021, tổng tài sản của Thiên Minh Đức là 10.583 tỷ đồng, tăng 86,6% so với con số 5,671 của năm 2019. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 4.455,7 tỷ đồng và tài sản dài hạn là 6.127,8 tỷ đồng.
Về hàng tồn kho của TMD, năm 2021 là 693,5 tỷ đồng đã giảm hơn 1 nửa so với năm 2019 (1.357 tỷ đồng). Còn tiền đầu tư tài chính của Thiên Minh Đức là 2.549,8 tỷ đồng tăng 17,4 lần so với năm 2019.
Đáng chú ý, nợ phải trả của Thiên Minh Đức hiện gấp 9,6 lần vốn chủ sở hữu. Cụ thể, nợ phải trả của doanh nghiệp này là 9.584 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu tính đến hết tháng 12/2021 là 999,6 tỷ đồng.
Tổng số nợ phải trả nợ ngắn hạn là 8.280 tỷ đồng, chiếm đến 86,4%, trong đó, vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn là 1.280 tỷ đồng. Còn nợ dài hạn là 1.303 tỷ đồng, toàn bộ số tiền nợ dài hạn là vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Như vậy, tổng số vay và nợ thuế tài chính là 2.583 tỷ đồng.
Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Thiên Minh Đức đạt 11.089 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2019. Trong khi đó, giá vốn bán hàng năm 2021 là 10.823 tỷ đồng, do vậy, lợi nhuận gộp chỉ 266 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 68,8 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Thiên Minh Đức chỉ còn hơn 23 tỷ đồng.
Được biết, TMD Group kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài. Ngành nghề chủ yếu của doanh nghiệp này bao gồm xăng dầu, khí hóa lỏng, sản xuất giấy, bao bì, logistic, vận tải đến dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, nông trại và khai khoáng ở nước ngoài. TMD Group là đầu mối xuất nhập khẩu cả xăng dầu và khí hóa lỏng.
Ngoài ra, đơn vị này còn có mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu DKC Petro và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc, hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Hiện, bà Chu Thị Thành, sinh năm 1960 là người đại diện theo pháp luật, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của TMD Group. Được biết, bà Chu Thị Thành cũng là 1 trong 3 cổ đông của TMD Group với việc nắm giữ 60% cổ phần, 40% thuộc về 2 cổ đông khác.
Thời gian gần đây, TMD Group đang được chú ý nhiều hơn khi mở rộng kinh doanh sang bất động sản với dự án Highway 5 Residences (TQ5) ở Gia Lâm, Hà Nội và vụ thâu tóm Tổ hợp đô thị khách sạn Hà Nội Kim Liên tại Cửa Lò, Nghệ An.
NỢ THUẾ HƠN 728 TỶ ĐỒNG
Vào đầu tháng 8/2023, Bộ Công thương đã ký Quyết định số 1896 về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu năm 2023. Có 4 doanh nghiệp bị kiểm tra việc chấp hành quy định về điều kiện kinh doanh; hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu theo hệ thống phân phối, trong đó có, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh; hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu theo hệ thống phân phối. Ngoài ra, các doanh nghiệp này sẽ bị kiểm tra việc duy trì các điều kiện về kinh doanh xăng dầu quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Nghị định 08/2018/NĐ-CP về điều kiện đầu tư kinh doanh, Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Theo Cục Thuế tỉnh Nghệ An, tính đến tháng 8/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức đang nợ thuế lên đến hơn 728 tỷ đồng. Cùng với đó, TMD Group còn bị Cục thuế Nghệ An ra quyết định cưỡng chế hóa đơn bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn có hiệu lực 1 năm, kể từ ngày ra quyết định đến 7/7/2024.
Trước khi nằm trong danh sách nợ thuế của tỉnh, Tập đoàn Thiên Minh Đức trở thành doanh nghiệp nộp thuế cao nhất tỉnh Nghệ An năm 2021 với 1.820 tỷ đồng. Không những thế, tổng số tiền mà TMD Group đóng góp vào ngân sách nhà nước còn cao gần gấp đôi đơn vị đứng thứ 2 là Công ty xăng dầu Nghệ An với 941 tỷ đồng. Năm 2022, Tập đoàn Thiên Minh Đức vẫn nằm trong top những doanh nghiệp địa phương đóng góp vào ngân sách nhà nước lớn nhất.
Tính đến ngày 15/9, có 5 doanh nghiệp kết chuyển không đúng quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trong danh sách này có sự hiện diện của Tập đoàn Thiên Minh Đức. Đến nay, trên website của Thiên Minh Đức vẫn không thấy hiển thị thông tin về Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Vào năm 2019, Tập đoàn Thiên Minh Đức từng dính lùm xùm bán hơn 3.200 lít xăng kém chất lượng và bị UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt hành chính.
Theo Quyết định 3629/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Thiên Minh Đức (trụ sở tại số 2A, đường Lê Mao, TP Vinh) đã thực hiện hành vi vi phạm: Bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 20 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ.
Cụ thể cửa hàng xăng dầu DKC Đền Cuông ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu đã bán 3.224 lít xăng E5 Ron 92-II có chất lượng không phù hợp, hàm lượng Etanol = 0,67% thể tích, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2015/BKHCN hàm lượng Etanol phải đạt từ 4-5% thể tích, trị giá hàng hóa vi phạm là 63.222.640 đồng).
Bên cạnh đó, đơn vị này còn có hành vi bán xăng dầu cho các đối tượng ngoài hệ thống phân phối của thương nhân, quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 19, Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ.
UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định xử phạt hành chính TMD Group số tiền gần 230 triệu đồng và áp dụng các hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu trong thời hạn 1 tháng đối với cửa hàng xăng dầu DKC Đền Cuông thuộc Tập đoàn Thiên Minh Đức.
LẤN SÂN SANG BẤT ĐỘNG SẢN
Ngày 20/9/2019, tại Quyết định số 5273/QĐ-UBND, UBND huyện Gia Lâm được UBND thành phố Hà Nội giao đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng khu đất TQ5, được chia làm 2 khu là: TQ5 (1) và TQ5 (2) có tổng diện tích 187.405,9m2, nằm ở thị trấn Trâu Quỳ.
Ngày 14/12/2019, UBND huyện Gia Lâm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cả hai lô đất TQ5 (1) và TQ5 (2). Kết quả đấu giá, Tập đoàn Thiên Minh Đức đấu giá quyền sử dụng đất lô đất TQ5 (1) với số tiền hơn 779,6 tỷ đồng (tăng 81 tỷ đồng so với giá khởi điểm).
Sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp này lại dính vào vụ tố cáo trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án TQ5. Cụ thể, có công dân tố cáo ông Lê Anh Quân, nguyên Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ban hành Quyết định số 2921/QĐ-UBND ngày 2/4/2018 phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng khu đấu giá quyền sử dụng đất tại vị trí TQ5, thị trấn Trâu Quỳ với diện tích là 18,727ha trái pháp luật.
Đối với nội dung tố cáo này, ngày 23/6/2020, UBND thành phố đã có Kết luận số 62/KL-UBND kết luận nội dung tố cáo đối với ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm và ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm. Theo kết luận, nội dung tố cáo của công dân là sai.
Ngoài ra, công dân tố cáo Sở Tài nguyên và Môi Trường Hà Nội, cụ thể là ông Lê Thanh Nam khi là Phó Giám đốc Sở đã ký cấp Giấy chứng nhận số DB 222671 ngày 20/5/2021 cho Thiên Minh Đức trái với quy định của pháp luật.
Qua xác minh cho thấy, ngày 11/6/2020, UBND thành phố có Quyết định số 2424/QĐ-UBND phê duyệt kết quả, đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án TQ5, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, quyết định nhà đầu tư trúng đấu giá là Tập đoàn Thiên Minh Đức. Theo hồ sơ do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp Tập đoàn Thiên Minh Đức đã gửi các hồ sơ đầy đủ.
Căn cứ quy định tại Điều 6 Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 31/03/2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành một số quy định về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký biến động về sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các tổ, thì việc ông Lê Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tập đoàn Thiên Minh Đức là đúng quy định.
Căn cứ vào kết quả xác minh và các hồ sơ, tài liệu có liên quan, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kết luận, nội dung công dân tố cáo nêu trên là sai.
Về vụ thâu tóm Tổ hợp đô thị khách sạn Hà Nội Kim Liên tại Cửa Lò, Nghệ An, được biết, dự án này do Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội làm chủ đầu tư vào năm 2006, có tổng mức đầu tư là 78 tỷ đồng. Công ty Du lịch Hà Nội được thành lập năm 2005, với 3 cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Thị Giới, Vũ Văn Thảo và Vũ Bá Hòa
Đến tháng 6/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội. Quyết định này nêu rõ, trong 10 ngày công ty phải họp để quyết định giải thể.
Tuy nhiên, tháng 10 và 11/2017, Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, theo đó cả ông Vũ Văn Thảo và 2 cổ đông khác thoái hết vốn tại doanh nghiệp này.
Sau khi doanh nghiệp sang tay chủ mới, dự án Khách sạn Hà Nội Kim Liên được dỡ bỏ cổng cũ và thay vào đó chiếc cổng xanh với logo của Tập đoàn Thiên Minh Đức. Bà Chu Thị Thành trở thành Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần du lịch Hà Nội.