Những mẹo 'vàng' giúp cơ thể khỏe mạnh khi chơi thể thao ngày nắng nóng

Tập luyện thể dục, thể thao là một thói quen có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng, người dân cần ghi nhớ một số lưu ý để mang lại hiệu quả tốt nhất trong quá trình chơi thể thao.

Mùa Hè là thời điểm nhu cầu 'giải nhiệt' bằng các hoạt động thể thao của người dân tăng cao. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Mùa Hè là thời điểm nhu cầu 'giải nhiệt' bằng các hoạt động thể thao của người dân tăng cao. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Những ngày Hè oi ả cùng không khí nóng bức khiến nhu cầu "giải nhiệt" bằng các loại hình hoạt động thể dục thể thao, đặc biệt là thể thao ngoài trời của người dân Thủ đô tăng cao.

Ghi nhận trên địa bàn thành phố Hà Nội, các địa điểm ngoài trời, công viên có không gian rộng rãi, thoáng mát, có bóng cây xanh... trở thành sân chơi lý tưởng để người dân lựa chọn những môn thể thao phù hợp: từ chạy bộ, đá cầu, cầu lông... đến những môn đòi hỏi cường độ vận động cao như bóng đá, quần vợt, bơi lội...

Tuy nhiên, không giống với những thời điểm khác trong năm, việc tập luyện thể dục thể thao dưới thời tiết nắng nóng của mùa Hè có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho sức khỏe như say nắng, kiệt sức, mất nước... hay nghiêm trọng hơn là tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim...

 Người dân Thủ đô tìm đến những không gian rộng rãi, thoáng mát như công viên để chơi những bộ môn thể thao. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Người dân Thủ đô tìm đến những không gian rộng rãi, thoáng mát như công viên để chơi những bộ môn thể thao. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Nhằm giúp những người tập luyện thể dục, thể thao có được sự chuẩn bị tốt cho cơ thể xuyên suốt quá trình tham gia các bộ môn vận động trong dịp Hè, bác sỹ Hoàng Nghĩa Dương, Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao Hà Nội cung cấp một số thông tin cần thiết để người dân bảo vệ sức khỏe khi chơi thể thao dưới điều kiện thời tiết nắng nóng.

Theo bác sỹ Dương, để bảo đảm an toàn cho cơ thể, trước tiên những người chơi thể thao cần xác định khoảng thời gian phù hợp, có không khí mát mẻ trong ngày để tham gia các hoạt động, không tập luyện, vận động nếu thời tiết quá nắng nóng.

"Khi nhiệt độ ngoài trời từ 40 độ C trở lên, vận động viên nói riêng và người chơi nói chung không được tham gia các bộ môn thể thao, theo quy định của các Hiệp hội Thể thao. Đây là mức nhiệt cao hơn nhiệt độ cơ thể người, khiến nguy cơ tử vong tăng cao," bác sỹ Dương cho biết.

Ngoài ra, khung giờ từ 10 giờ đến 15 giờ là khoảng thời gian người dân cần tránh, bởi đây là khung giờ nắng nóng kịch phát, nếu hoạt động dưới nắng nóng trong khung giờ này sẽ có nguy cơ cao dẫn đến tình trạng sốc nhiệt.

Bác sỹ Dương cho biết sốc nhiệt khi chơi thể thao là tình trạng thường xảy ra với hai nhóm đối tượng. Nhóm một là những người có thể chất yếu: Người già, phụ nữ có thai hoặc các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, các bệnh mãn tính... Đây là nhóm đối tượng có khả năng chịu nhiệt kém hơn so với người bình thường. Nhóm thứ hai thường gặp hơn, là những đối tượng chơi thể thao với cường độ cao dưới thời tiết nắng nóng.

"Sốc nhiệt thường có hai giai đoạn rõ rệt: Giai đoạn một gồm các triệu chứng như mặt đỏ và đổ mồ hôi nhiều; Giai đoạn hai khó phát hiện hơn: Mặt đối tượng bắt đầu chuyển sang tình trạng tái, cơ thể không đổ mồ hôi được và chân tay chuyển lạnh - nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí là tử vong," bác sỹ Dương đặc biệt lưu ý.

Chuyên gia của Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao Hà Nội cũng nhấn mạnh, sốc nhiệt có thể xảy ra ngay cả với người chơi thể thao tham gia bộ môn có không gian "mát mẻ" như bơi lội, nếu không có những bước khởi động đúng cách.

"Nhiều người có thói quen nhảy ngay xuống hồ bơi để lập tức xua tan cái nóng, tuy nhiên trên thực tế, đây là hành động có thể dẫn đến tình trạng co mạch, dễ gây chuột rút hoặc nguy hiểm hơn là đột tử," bác sỹ Dương cảnh báo.

Để cơ thể dần thích nghi với nhiệt độ của nước, chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện các bài khởi động khớp, cổ tay cổ chân..., tiếp theo lấy một ít nước thoa lên người rồi mới lội xuống và dần hòa mình trong bể bơi.

 Người chơi thể thao không nên nhảy ngay xuống hồ bơi mà nên thực hiện các bước khởi động nhằm thích nghi dần với nhiệt độ của nước. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)

Người chơi thể thao không nên nhảy ngay xuống hồ bơi mà nên thực hiện các bước khởi động nhằm thích nghi dần với nhiệt độ của nước. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)

Nhằm tránh tình trạng sốc nhiệt khi chơi thể thao trong mùa nắng nóng, bác sỹ Dương cho biết người chơi cần tính toán lượng nước để bù điện giải cho cơ thể: "Trước và sau khi chơi thể thao, nngười chơi cần uống khoảng 300-500ml nước; Trong quá trình chơi thì tùy theo thời gian thi đấu mà người chơi cần bổ sung từ 500-800ml nước/giờ đồng hồ. Lưu ý, người chơi cần chia thành từng ngụm nhỏ để nước điều hòa vào từng tế bào của cơ thể tốt hơn."

Một số thực phẩm, đồ uống giúp cơ thể bổ sung điện giải có thể kể đến là các loại hoa quả như chanh (pha chanh muối), chuối, dưa hấu...; sữa tươi; bột pha nước điện giải; oresol...

Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ bị sốc nhiệt, chuyên gia gợi ý người chơi thể thao nên lựa chọn những trang phục mỏng, nhẹ, có chất liệu có thể hút ẩm và thoáng khí tốt đồng thời nên đội mũ và tránh ánh nắng trực tiếp khi luyện tập.

Bên cạnh đó, việc sử dụng kem chống nắng - đặc biệt là các sản phẩm có chỉ số SPF (đo khả năng chống tia UV) ít nhất đạt 50 cũng là một biện pháp để bảo vệ sức khỏe dưới tác động của nắng nóng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-meo-vang-giup-co-the-khoe-manh-khi-choi-the-thao-ngay-nang-nong-post963875.vnp