Những miền xanh lấp lánh

Một tối tình cờ xem những thông tin về Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, tôi liền rủ ngay cô bạn thân đặt hẹn cuối tháng sẽ đi trekking. Hình ảnh rừng cây đại thụ xanh mát, có những thân cây mà phải vài người mới có thể ôm trọn đã “cưa đổ” tôi ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Cái cảm giác được náu mình dưới tán cây cổ thụ, xung quanh là cây bụi, cỏ dại, dây leo, nhìn ngắm bạt ngàn màu xanh, đi trên những con đường đầy sỏi tròn mềm, hít hà mùi hương tự nhiên hoang dã luôn mang đến cho tôi những thích thú lạ kỳ. Miền xanh diệu kỳ ấy giúp tôi thấy mình được vỗ về, chở che, chữa lành và nhìn thấu vào bản ngã, khai mở tâm thức chính mình một cách sâu sắc nhất.

“An Diệp” là một trong những bút danh của tôi. Nó có nghĩa là chiếc lá bình yên, may mắn. Ừ cũng phải, chỉ cần được sống ở nơi có nhiều cây xanh, hoa lá là tôi lại thấy mình dễ bằng lòng với bình an đang có “em về giữa thiên nhiên, em cười, em nói” (Trịnh Công Sơn) và khơi gợi trong tôi nhiều xúc cảm. Tôi làm sao quên dưới vòm lá xà cừ tỏa rộng trên sân Trường đại học Khoa học Huế, bao ước mơ cháy bỏng của lớp lớp thế hệ học trò đã được truyền lửa, thắp sáng… Những hàng cây xà cừ thân thương ấy cứ thế đã đi vào cõi nhớ, cõi thương trong ký ức thanh xuân vườn trường của nhiều sinh viên như lưu giữ lại những nụ cười và cả dại khờ một thời chưa thể nguôi ngoai.

Tôi yêu biết bao khoảnh khắc băng qua những hàng cây xanh hai bên đường tỏa rợp bóng mát. Đi giữa cung đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trương Định, Hà Huy Tập, Nguyễn Lương Bằng,… ở Sài Thành, tôi chợt nhớ quay quắt những ngày tháng thong dong đi qua hàng cây long não trên đường Lê Lợi, qua nhiều loài cây muối, phượng vỹ trên đường Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân… qua hàng cây điệp vàng trên đường Nguyễn Huệ,…ở Huế. Nhớ buổi chiều tà ngồi ở công viên 3/2 “săn” những bàn tay lá vẫy gió xôn xao, ngay bên cạnh là dòng sông Hương ăm ắp nước trong xanh in bóng rất đầy, hoa nắng rơi rơi đã cùng tôi đi qua thời thiếu nữ.

Tôi gọi màu xanh ấy là sắc màu của bình yên. Mỗi lúc có điều bất như ý, tôi thường ngước lên vòm trời xanh ngập nắng, nơi có những cánh mây trắng bồng bềnh lang thang bay để nguyện cầu và giúp tâm hồn mình trở nên bình lặng, rộng mở, nối dài tin yêu về phía trước… Tôi chợt nghĩ về “một đời người, một rừng cây”, để thấy sự biết ơn tràn đầy vì mình còn được hiện diện trên cuộc đời, để thấy có một chùm hoa đẹp đẽ, một bóng mát dịu ngày hè, những tiếng chim chuyền cành gọi nhau,… Ấy là sự nhiệm màu của thời gian, của mong ngóng, nuôi dưỡng, lặng thầm, hy sinh, nỗ lực,… Từ đó, tôi muốn gửi trao những niệm lành từ sắc màu hy vọng này sẽ tràn ngập trong tim, dâng lên trong ánh mắt và lấp lánh trong nụ cười con trẻ, mảnh đời khó khăn… để chúng ta cùng nhau sống những ngày an vui xanh biếc.

Dưới bóng cây mát lành, có lẽ con người ta sẽ gần gũi, hòa ái và trở nên dịu dàng, bao dung hơn. Tôi hay cảm thấy rung động với hình ảnh gia đình nọ picnic, rôm rả nói cười ở công viên. Các cụ già, tài xế công nghệ nghỉ chân dưới những bóng cây ven đường. Mọi người không phân biệt tuổi tác, giới tính mà chan hòa tập luyện, thư giãn ở không gian xanh gần nhà vào mỗi sớm ban mai. Hay cô sinh viên ngồi dưới gốc cây đọc sách, vẽ tranh. Những đứa trẻ thỏa thích chạy nhảy, nằm lăn lê giữa bãi cỏ xanh mướt… Giây phút về với thiên nhiên, đắm mình cùng cỏ cây, hoa lá luôn mang lại năng lượng bình an, xoa dịu thương tổn, làm “mềm hóa” những rối ren phản trắc thường ngày, nhất là trong nhịp sống hiện đại đầy lo toan, áp lực và chịu sự chi phối sáng tối của công nghệ số, mạng xã hội.

Càng công nghiệp hóa bao nhiêu, người ta càng đau đáu với tình trạng rừng thưa vắng đại thụ, thành phố thiếu cây xanh. “Nếu con người hòa thuận với thiên nhiên, không còn giết chóc, bỏ thói tham lam… thì có thể tạo ra năng lượng chuyển hóa lan tỏa mạnh mẽ. Các dịch bệnh, tai ương hiện nay chính là những dấu hiệu cảnh cáo nhân loại rằng đã đến lúc phải thay đổi” (trích sách Muôn kiếp nhân sinh 2 – Nguyên Phong). “Mẹ thiên nhiên” đã đối đãi với chúng ta vô cùng tử tế, hãy thương và giữ lấy màu xanh êm ả để miền xanh viết tiếp những nhiệm màu…

CẨM CÁT

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/nhung-mien-xanh-lap-lanh-130065.html