Những mỏ cát ở Đồng Tháp hoạt động ra sao trong những ngày nghỉ lễ?
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, hoạt động khai thác tại những mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp vẫn diễn ra bình thường. Cát khai thác được đưa về công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đúng quy định.
Công nhân hăng hái
Tại những mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, xáng cạp được vận hành liên tục để đưa cát lên sà lan chở về công trường cao tốc trục dọc...
Gần hai tháng qua, từ tỉnh Hưng Yên, anh Lê Văn Tùng, công nhân khai thác cát thuộc Công ty TNHH Xây dựng công trình và Thương mại Hoàng Anh vào tỉnh Đồng Tháp để làm việc trên công trường mỏ cát.
Anh Tùng cho biết, mặc dù những ngày nghỉ lễ, nhưng trên hai xáng cạp được công ty bố trí tại mỏ cát thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) 100% công nhân vẫn ở lại làm việc.
"Anh em công nhân đều đồng tình khi được công ty bố trí ở lại làm việc trong những ngày nghỉ lễ, với mong muốn cát được cấp liên tục về công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau", anh Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, tại mỏ cát thuộc xã Tân Mỹ và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò được tỉnh Đồng Tháp bàn giao cho Công ty CP Xây dựng Tân Nam trực tiếp khai thác cấp cho cao tốc trục dọc ở miền Tây vẫn hoạt động bình thường.
Anh Nguyễn Tấn Thành (32 tuổi, ngụ tỉnh Long An) thông tin, trên hai xáng cạp được công ty bố trí tại mỏ cát có 12 công nhân túc trực làm việc trong những ngày nghỉ lễ để cấp cát về công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
"Dù là những ngày nghỉ lễ nhưng anh em công nhân vẫn rất hăng hái làm việc. Hiện tại, mỗi ngày vẫn có vài tàu chở cát về công trường với trữ lượng khai thác hàng ngày đúng theo quy định", anh Thành thông tin thêm.
Sà lan sẵn sàng chạy xuyên lễ
Nhằm đảm bảo có cát liên tục về công trường thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tại mỏ cát do Công ty TNHH Xây dựng công trình và Thương mại Hoàng Anh phụ trách khai thác được bố trí 30 chiếc sà lan.
Ông Nguyễn Tấn Lộc (47 tuổi) chủ phương tiện vận chuyển phối hợp với Công ty TNHH Xây dựng công trình và Thương mại Hoàng Anh chở cát về cao tốc trục dọc miền Tây cho biết, dù là những ngày nghỉ lễ nhưng công trường khai thác cát vẫn hoạt động nên sà lan vẫn chạy với mong muốn cát được sớm đưa về phục vụ thi công công trình trọng điểm quốc gia.
"Tính đến thời điểm này, tôi đã chạy được mười mấy chuyến về công trường cao tốc rồi. Mỗi chuyến đi và về mất 5-7 ngày. Mỗi lần chở đều đúng khối lượng vì các trạm kiểm tra rất nhiều. Hóa đơn, chứng từ đầy đủ thì mới được đi", ông Lộc nói.
Còn tại mỏ cát do Công ty CP Xây dựng Tân Nam trực tiếp khai thác, công ty đã bố trí 50 sà lan để chở cát về phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Đang đợi xáng cáp đưa cát lên đầy sà lan để chở về cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, anh Phan Văn Khải (37 tuổi) chủ sà lan liên kết với Công ty CP Xây dựng Tân Nam vận chuyển cát cho cao tốc trục dọc miền Tây cho biết, dù là những ngày nghỉ lễ, nhưng khi công ty yêu cầu chở cát thì sà lan vẫn sẵn sàng chạy.
"Được đóng góp chút công sức cho các công trình trọng điểm Quốc gia nên tôi thấy rất vui và sẵn sàng làm việc dù hôm nay là ngày nghỉ lễ", anh Khai chia sẻ.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối nhiều tỉnh ĐBSCL. Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, chia làm hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km, vốn gần 17.500 tỷ đồng.
Công trình khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án khoảng 18,1 triệu m3. Riêng năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.