Những mô hình chuyển đổi hiệu quả của nông dân Thị trấn Cổ Lễ

Với mục tiêu phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững, thời gian qua nhiều hội viên nông dân Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đã tận dụng được tiềm năng đất đai của địa phương, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa cây, đa con, tạo ra nhiều mô hình chuyển đổi hiệu quả. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Với mục tiêu phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững, thời gian qua nhiều hội viên nông dân Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đã tận dụng được tiềm năng đất đai của địa phương, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa cây, đa con, tạo ra nhiều mô hình chuyển đổi hiệu quả.

Ông Vũ Đức Thuận, tổ dân phố Nam Hà, với mô hình trồng cây cảnh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ở tổ dân phố Nam Hà, gia đình ông Vũ Đức Thuận từ lâu đã được nhiều người biết đến với mô hình trồng đào và cây cảnh. Là một trong những người mạnh dạn đi đầu trong việc chuyển đổi, từ năm 2001 ông đầu tư chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đào và thả cá. Do sự cần cù, chịu khó nên kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển. Năm 2010, ông chuyển sang trồng cây cảnh chủ yếu là tùng la hán. Để tạo ra các sản phẩm cây cảnh đẹp, độc đáo, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, ông thuê người của làng nghề hoa cây cảnh truyền thống xã Điền Xá (Nam Trực) về uốn thế, tạo dáng. Bản thân ông cũng thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ sách, báo, những người giỏi nghề, đi sâu tìm hiểu đặc tính của từng loại cây để có thể tự sửa và chăm sóc cây. Trải qua những năm tháng khó khăn khi tiền đầu tư nhiều mà cây không bán được, ông vẫn kiên trì bám trụ với nghề. Đất không phụ công người, có năm, gia đình ông thu tiền tỷ từ bán cây cảnh. Đến nay, tổng diện tích trồng cây cảnh của gia đình ông khoảng trên 1 mẫu với 1.000 cây cảnh các loại, trong đó có 500 cây thế, có những cây như cây sanh thế trị giá hàng trăm triệu đồng. Sản phẩm cây cảnh của ông được bán đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, phát triển mạnh nghề trồng hoa cây cảnh ở địa phương. Tại tổ dân phố Nghĩa Sơn, gia đình chị Nguyễn Thị Toan cũng rất thành công khi chuyển đổi hiệu quả diện tích đất trồng lúa cho năng suất thấp sang mô hình trang trại tổng hợp. Năm 2004, vợ chồng chị cải tạo khu ruộng trũng nhận chuyển nhượng từ các hộ khác, múc ao vượt lên thành vườn. Sau 3 năm trồng đào, chị chuyển sang trồng thanh long và các loại cây ăn quả như mít, nhãn, chanh, quýt; đồng thời thả cá và chăn nuôi gà. Chị Toan cho biết, trồng thanh long kỹ thuật đơn giản, đỡ công chăm sóc, ít sâu bệnh và có thể thu hoạch sau nhiều năm không phải trồng lại. Hiện nay, khu trang trại tổng hợp của gia đình chị với tổng diện tích 4 mẫu có hơn 400 trụ thanh long ruột đỏ cho thu hoạch trên 3 tấn quả mỗi năm; khu chuồng trại chăn nuôi thường xuyên có khoảng 100 con gà quý phi, gà ta chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng; 3 ao thả cá tổng diện tích 1 mẫu cho thu hoạch 3-4 tấn cá/năm... mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Đồng chí Dương Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Cổ Lễ cho biết: Hội Nông dân thị trấn hiện có tổng số 605 hội viên. Từ năm 2002, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, nhiều hội viên nông dân đã tích cực chuyển đổi những vùng úng, trũng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây cảnh, nuôi thủy sản tập trung, mang lại thu nhập khá. Hiện toàn thị trấn có 50ha chuyển đổi trồng cây cảnh, 122ha nuôi thủy sản, 30 mô hình trang trại tổng hợp, 200 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Riêng trồng cây cảnh các loại có hơn 100 hộ tham gia. Thu nhập bình quân ở vùng chuyển đổi bình quân đạt 100-120 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, hội viên nông dân thị trấn còn tích cực chuyển đổi ngành nghề. Làng nghề mộc ở 2 tổ dân phố Tây Kênh, Đông Bắc Đồng có hơn 300 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018, Hội Nông dân thị trấn đã thành lập được 2 tổ hội nghề nghiệp: sản xuất nghề mộc truyền thống tập trung ở làng nghề Mộc Kênh và trồng hoa cây cảnh ở tổ dân phố Nam Hà. Tham gia các tổ hội nghề nghiệp, các thành viên được hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật, được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất. Hội Nông dân thị trấn còn liên kết với một số doanh nghiệp cung cấp gỗ và tiêu thụ sản phẩm cho hội viên. Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, những năm qua, Hội Nông dân thị trấn còn nhận ủy thác các nguồn vốn cho hội viên vay. Đến nay, có 152 hộ vay trên 6 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, 460 hộ vay trên 97 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thời gian tới, Hội Nông dân Thị trấn Cổ Lễ tiếp tục gắn mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn với công tác Hội để thu hút, tập hợp hội viên; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh như: tuyên truyền về pháp luật, nhất là Luật Đất đai; mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật; thành lập các tổ hội nghề nghiệp; hỗ trợ các nguồn vốn vay./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/201907/nhung-mo-hinh-chuyen-doi-hieu-qua-cua-nong-dan-thi-tran-co-le-2531783/