Những mô hình kinh tế vườn giúp giảm nghèo cho người dân Trà My

Những mô hình kinh tế vườn kết hợp chăn nuôi đang phát huy hiệu quả giúp giảm nghèo cho người dân ở xã vùng cao Trà My (Tp.Đà Nẵng). Đây là xã mới được thành lập sau sáp nhập từ thị trấn Trà My và các xã Trà Sơn, Trà Giang, Trà Dương thuộc huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam trước đây.

Điển hình như ở địa bàn xã Trà Dương (cũ) có mô hình trồng cam sành hữu cơ và loại cây có múi theo chuỗi liên kết. Thời gian qua cam sành Trà Dương đã được xếp hạng đạt chuẩn OCOP 3 và đang được chính quyền địa phương cùng bà con nông dân chú trọng phát triển thành sản phẩm hàng hóa với lợi nhuận ổn định.

Vai trò quan trọng của HTX

Trong mô hình này phải kể đến vai trò của HTX Nông nghiệp Trà Dương. Theo ông Nguyễn Quảng Hiệp, Giám đốc HTX, điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết ở địa bàn Trà Dương (cũ) rất thuận lợi cho các loại cây trồng nhất là các loại cây có múi. Với lợi thế đó, trong những năm gần đây, bà con nông dân đã đầu tư trồng cam sành.

Mô hình kinh tế vườn ở Trà My có vai trò quan trọng của HTX Nông nghiệp Trà Dương và HTX Phát triển nông nghiệp Thịnh Vượng.

Mô hình kinh tế vườn ở Trà My có vai trò quan trọng của HTX Nông nghiệp Trà Dương và HTX Phát triển nông nghiệp Thịnh Vượng.

Ông Hiệp cho biết việc tham gia HTX của bà con địa phương đã giúp cho họ có nhiều thuận lợi trong việc canh tác, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Như chia sẻ của vị giám đốc HTX, sản phẩm cam sành Trà Dương được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, phân bón chủ yếu là phân chuồng và sử dụng thuốc sinh học để bảo vệ thực vật. Đến mùa thu hoạch, trái được tập trung về những nơi thoáng mát, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường để sơ chế, đóng gói. Tuyệt đối không sử dụng hóa chất để xử lý hoặc bảo quản. Vốn là màu xanh nhưng khi chín vỏ cam sành chuyển sang màu xanh vàng và sần sùi, tép màu vàng cam đậm, nhiều nước có vị ngọt chua…

Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, HTX đã đăng ký thành công thương hiệu “Cam sành Trà Dương” cũng như hoàn tất việc thiết lập bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

“Sản phẩm cam sành của HTX có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo nên được thị trường tin tưởng, mức tiêu thụ ổn định. Chúng tôi phấn đấu đưa sản phẩm cam sành vào các siêu thị ở Đà Nẵng trong thời gian tới”, ông Hiệp nói.

Bên cạnh HTX nêu trên, nhờ sự hỗ trợ của địa phương mà nhiều hộ dân ở địa bàn Trà Dương (cũ) đã cải tạo được vườn tạp trồng cây ăn quả và được hỗ trợ gần 10 nghìn cây giống để trồng trong vườn nhà. Qua đó giúp cho họ phát triển kinh tế vườn, tăng thu nhập cho gia đình.

Còn ở địa bàn xã Trà Giang (cũ) có HTX Phát triển nông nghiệp Thịnh Vượng chuyên sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng, vật nuôi và cung ứng vật tư nông nghiệp.

Linh hoạt đón đầu thị trường

HTX Phát triển nông nghiệp Thịnh Vượng hoạt động theo phương thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm: cung cấp con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nông dân và thu mua sau thu hoạch để chế biến thành phẩm cung ứng ra thị trường. Trong đó, thịt heo đen gác bếp và thịt dê cỏ xông khói là sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, tạo được thương hiệu trên thị trường.

Niềm phấn khởi của người dân Trà My từ vườn cây trĩu quả mang lại thu nhập ổn định.

Niềm phấn khởi của người dân Trà My từ vườn cây trĩu quả mang lại thu nhập ổn định.

Ông Trần Phước Thanh, Giám đốc HTX, cho biết ở xã Trà My (sau sáp nhập từ thị trấn Trà My và các xã Trà Sơn, Trà Giang, Trà Dương thuộc huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam trước đây) có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp.

Theo ông Thanh, HTX đang linh hoạt lựa chọn sản phẩm phù hợp đón đầu thị trường, từng bước khẳng định vị thế để đem lại giá trị kinh tế cao cho thành viên, gắn liền với ổn định thu nhập của bà con vùng dân tộc thiểu số tại địa phương.

Có thể nói mô hình hoạt động của hai HTX nêu trên rất đáng để khích lệ. Thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng hay Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trước đây đã có các hoạt động hỗ trợ để nâng cao năng lực cho những HTX như vậy. Nhất là tổ chức các chương trình tập huấn nhằm giúp HTX tạo nên một hệ sinh thái sản xuất kinh doanh nông sản, hàng hóa địa phương mạnh mẽ, hiện đại và bền vững.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng còn tích cực hỗ trợ cho các HTX ở Trà My xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và liên doanh, liên kết hợp tác. Bên cạnh đó là việc phối hợp với các địa phương triển khai cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX đến các HTX thành viên và người dân.

Các HTX ở Trà My cũng được hỗ trợ tham gia hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm địa phương. Qua đó, HTX có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với các doanh nghiệp, tổ chức khác nhằm ký kết các hợp đồng liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX.

Ngoài mô hình của HTX, ở xã Trà My mới còn có các mô hình kinh tế vườn cũng đang cho thấy tính hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Như ở địa bàn xã Trà Sơn (cũ) có mô hình vườn, chuồng của hộ gia đình bà Đào Thị Thanh (tại thôn Tân Hiệp) với diện tích hơn 1ha, kết hợp trồng cây, nuôi heo đen bản địa, được xem là mô hình vườn đẹp tiêu biểu.

Cách đây 2 năm, mô hình nuôi heo đen bản địa kết hợp trồng cây ăn quả trong vườn của gia đình bà Thanh tiếp tục mở rộng và phát huy hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi năm gia đình bà thu nhập gần 200 triệu đồng.

Hướng đi mới thoát nghèo bền vững

Bà Đào Thị Thanh cho biết: Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 14 con heo đen nái giống, 70 heo con. Mỗi năm, gia đình tôi xuất bán 2 lứa, với giá hiện nay là 190 nghìn đồng/kg heo hơi. Từ nguồn phân bón hữu cơ tự ủ, gia đình tôi trồng thêm khoảng 100 cây mít Thái Lan, 100 cây bưởi da xanh, 50 cây cau, 100 cây thanh trà, 100 cây sầu riêng, măng cụt, bơ các loại.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà My được hỗ trợ cây giống để phát triển kinh tế vườn rừng.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà My được hỗ trợ cây giống để phát triển kinh tế vườn rừng.

Ngoài ra, tại địa bàn Trà Sơn (cũ) còn có 35 hộ dân tham gia vào mô hình trồng cây quế và được hỗ trợ hơn 14.200 cây giống quế Trà My để trồng phân tán trên diện tích 10ha. Qua đó giúp họ cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng thì công tác bảo tồn phát triển giống quế Trà My được địa phương đặc biệt chú trọng.

Trong khi đó, ở thị trấn Trà My (cũ) đang có nhiều mô hình kinh tế vườn kết hợp nuôi hươu lấy nhung, nuôi dúi, chồn hương…giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Điển hình như ông Nguyễn Văn Sinh ở tổ Đàng Bộ, thị trấn Trà My (cũ) đã thành công với mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

“Hồi năm 2024, gia đình tôi đã thu hoạch được 2,5 cặp nhung và bán với giá 14-15 triệu đồng/kg. Mặt hàng này bán khá chạy, vì nhung hươu có tác dụng bồi bổ sức khỏe nên được nhiều khách hàng ưa chuộng”, ông Sinh chia sẻ.

Hiện gia đình ông Sinh không chỉ nuôi hươu mà còn nuôi nhốt khoảng 30 con chồn hương. Thức ăn cho loài vật này chủ yếu là cá rô phi, cháo cá, chuối… Đàn chồn đang phát triển khá nhanh. Mỗi năm, chồn cái đẻ 3 lứa khoảng 2-4 con. Chồn nuôi đến trọng lượng 1,7-1,8kg là có thể xuất bán với giá 1,4 triệu đồng/kg; riêng chồn giống có giá 8 triệu đồng/cặp.

Có thể nói với tính hiệu quả của mô hình kinh tế vườn (trong đó có vai trò nổi bật của HTX) đang trở thành hướng đi mới cho người dân Trà My vươn lên thoát nghèo bền vững. Điều quan trọng là họ cần kiên trì với mô hình này, cũng như tham gia chặt chẽ vào chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với vai trò dẫn dắt của các HTX.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nhung-mo-hinh-kinh-te-vuon-giup-giam-ngheo-cho-nguoi-dan-tra-my-1108422.html