Nhìn từ chiến lược năng lượng mới của Nga
Đầu tháng 4, Chính phủ Nga đã phê duyệt 'Chiến lược năng lượng Liên bang Nga đến năm 2050'. 5 năm trước, vào tháng 6/2020, Nga từng ban hành 'Chiến lược Năng lượng Liên bang Nga đến năm 2035'. Phiên bản chiến lược mới đã tổng kết một cách hệ thống các cơ hội cũng như thách thức bên trong và bên ngoài mà ngành năng lượng Nga phải đối mặt trong 5 năm qua, đồng thời xác định mục tiêu theo giai đoạn và lộ trình thực hiện cụ thể cho sự phát triển trong tương lai.
Xu hướng thị trường năng lượng toàn cầu
Phiên bản chiến lược mới đưa ra những nhận định sau về xu hướng phát triển của thị trường năng lượng toàn cầu. Một là, xu thế chuyển đổi năng lượng không thể đảo ngược. Là một cường quốc năng lượng truyền thống, Nga có sự kháng cự một cách bản năng và thái độ e dè đối với chuyển đổi năng lượng.
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến kinh tế toàn cầu suy thoái và tiêu thụ năng lượng giảm đáng kể. Đồng thời, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã cam kết đạt được mức trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ngành năng lượng truyền thống là đòn bẩy mạnh mẽ để Nga tác động đến mối quan hệ với phương Tây.
Trong bối cảnh này, Nga đã có nhận thức mới về ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu đang được điều chỉnh sâu sắc. Tuy nhiên, sau năm 2022, các bất ổn địa chính trị như cuộc khủng hoảng Ukraine và xung đột Israel - Hamas đã phần nào làm chậm tiến trình phát triển xanh và chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu, khiến nhận thức của giới tinh hoa Nga phần nào thay đổi. Họ cho rằng mô hình lợi nhuận của chuyển đổi xanh vẫn chưa rõ ràng, và việc thực sự đạt được phát triển xanh vẫn còn rất xa với.
Tuy nhiên, phiên bản chiến lược mới đã đưa ra nhận định mới nhất: “Trong hơn một thập kỷ qua, hệ thống năng lượng toàn cầu đã trải qua những điều chỉnh sâu sắc. Các yếu tố như sự sụp đổ của hệ thống an ninh toàn cầu, xu hướng quân sự hóa gia tăng, các biện pháp trừng phạt đơn phương liên tục xuất hiện, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng năng lượng hiện có, chính sách tín dụng tiền tệ thắt chặt và lạm phát gia tăng đã tác động nghiêm trọng đến thị trường năng lượng truyền thống, đẩy nhanh quá trình thay đổi cơ cấu năng lượng thế giới, và xu thế chuyển đổi năng lượng toàn cầu là không thể đảo ngược.
Mặc dù năng lượng truyền thống (dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá) vẫn chiếm ưu thế, nhưng năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng nhanh chóng, dự kiến chiếm 23% cơ cấu năng lượng vào năm 2050”. Cùng với việc thừa nhận xu thế chuyển đổi năng lượng, “Chiến lược năng lượng Liên bang Nga đến năm 2050” vẫn chỉ ra rằng một số chính sách khử carbon quá cấp tiến của các “quốc gia không thân thiện”, việc đầu tư không đủ vào lĩnh vực dầu khí và việc chính trị hóa các vấn đề môi trường sẽ là những thách thức toàn cầu lâu dài.
Hai là nhu cầu dầu mỏ toàn cầu thu hẹp trong trung và dài hạn. Phiên bản chiến lược năm 2020 đã dự báo nhu cầu thị trường dầu mỏ quốc tế, cho rằng nhu cầu dầu mỏ thế giới trong tương lai sẽ có xu hướng tăng trưởng chậm lại và sẽ có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh vào giai đoạn 2030 - 2040. Phiên bản chiến lược mới cho thấy tâm lý bi quan hơn đối với dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Theo dự báo của phiên bản chiến lược mới, đến năm 2050, thị phần dầu mỏ trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu sẽ giảm từ 36,9% của năm 2023 xuống 33,2%.
Ba là, nhu cầu và vai trò của khí đốt tự nhiên sẽ nổi bật hơn nữa. Là quốc gia sản xuất khí đốt lớn thứ 2 thế giới, Nga rất lạc quan về vai trò vừa khí đốt tự nhiên trong tiêu thụ năng lượng toàn cầu trong tương lai. Phiên bản chiến lược mới nhận định rằng khí đốt tự nhiên là lựa chọn khử Carbon khả thi nhất về mặt kinh tế và tăng hoàn thiện nhất về mặt kỹ thuật. Đồng thời, Nga đặc biệt lạc quan về sự phát triển của thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Theo “Báo cáo LNG thế giới 2024” do Liên minh khí đốt quốc tế công bố, năm 2023, khối lượng thương mại LNG toàn cầu tăng 2,1%, vượt 401 triệu tấn. Về xuất khẩu LNG, năm 2023, Mỹ là nước xuất khẩu LNG lớn nhất toàn cầu, tiếp theo là Australia, Qatar và Nga.
Chuyển hướng cung cấp sang “các quốc gia thân thiện”
Dựa trên tình hình mới, Nga tích cực điều chỉnh hướng phát triển chiến lược năng lượng và dự định thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với chuyển đổi năng lượng, nhằm củng cố vị thế truyền thống của mình trên thị trường năng lượng quốc tế.

Việc Nga làm thế nào để thoát khỏi sự bủa vây bằng các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như chiến lược chuyển dịch cơ cấu của nước này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc lý giải diễn biến của trật tự năng lượng toàn cầu.
Trong phiên bản chiến lược mới, Nga đã xác định rõ tiềm năng phát triển của các nguồn tài nguyên chính của mình. Trữ lượng dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá, uranium của Nga lần lượt là 31,3 tỷ tấn, 63.400 tỷ m3, 272,7 tỷ tấn, 70.500 tấn; lần lượt chiếm vị trí thứ 3 (15%), thứ nhất (24%), thứ năm (6,9%) và thứ tư (8%) trong tổng trữ lượng thế giới. Trữ lượng dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá hiện tại có thể khai thác tương ứng trong hơn 65 năm, 100 năm và 500 năm. Đồng thời, lithium, mangan, graphite, kim loại đất hiếm là những tài nguyên khoáng sản khan hiếm của Nga, là những lĩnh vực trọng tâm mà nước này sẽ quan tâm và đẩy mạnh trong tương lai.
Khác với ngành công nghiệp dầu thô, khí đốt tự nhiên được Nga coi là động lực tăng trưởng xuất khẩu năng lượng trong tương lai. Phiên bản chiến lược mới cho thấy, sản lượng dầu thô của Nga năm 2023 là 531 triệu tấn, dự kiến sẽ ổn định ở mức khoảng 540 triệu tấn vào năm 2050; đến năm 2050, khối lượng xuất khẩu dầu thô dự kiến sẽ duy trì tương đương mức hiện tại, khoảng 235 triệu tấn/năm. Sản lượng khí đốt tự nhiên năm 2023 là 637 tỷ m3, dự kiến sẽ tăng lên 1.107 tỷ m3 vào năm 2050; khối lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên dự kiến sẽ tăng từ 146 tỷ m3 của năm 2023 lên 293 tỷ m3 vào năm 2030 và đạt 438 tỷ m3 vào năm 2050.
Phiên bản chiến lược mới phác thảo lộ trình phát triển năng lượng của Nga trong tương lai, đưa ra 4 nhiệm vụ chiến lược năng lượng chính: Thứ nhất, tăng cường hợp tác quốc tế, cân bằng cung cầu trên thị trường dầu mỏ thế giới, chuyển hướng cung cấp dầu khí và than đá sang các thị trường mới ở “các quốc gia thân thiện”. Thứ 2, thu hút đầu tư và công nghệ, khuyến khích nghiên cứu và phát triển độc lập trong nước đối với các công nghệ thăm dò và khai thác các mỏ phức tạp cũng như các thiết bị sản xuất liên quan, tiếp tục thực hiện các dự án hiện đại hóa nhà máy lọc dầu và các dự án sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng.
Thứ 3, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực vận chuyển của đường ống, đường sắt và cảng biển, tìm kiếm năng lực trung chuyển dầu của các cảng ở Bắc Cực và Viễn Đông để giảm chi phí logistics và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm năng lượng Nga. Thứ 4, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tổ hợp năng lượng nhiên liệu, thành lập trung tâm phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, sử dụng dữ liệu lớn để giám sát và đánh giá động thái phát triển của ngành năng lượng.
Hiệu ứng của các lệnh trừng phạt
Trong hơn 3 năm qua, Nga đã tích cực điều chỉnh bản đồ xuất khẩu năng lượng, thành lập “hạm đội bóng tối” (các con tàu khó xác định quốc tịch và nguồn gốc hàng hóa), xây dựng các công cụ khoáng sản quan trọng và tập trung bố trí tài nguyên chiến lược ở châu Phi, Trung Đông. Tuy nhiên, các cuộc xung đột địa chính trị, chuyển đổi năng lượng, thay đổi công nghệ, nhu cầu suy yếu và các lệnh trừng phạt của phương Tây tiếp tục chồng chất, tác động lâu dài đến khả năng phục hồi của ngành năng lượng truyền thống, khiến ngành này phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng trong các lĩnh vực quan trọng.

Trữ lượng than đá của Nga ước tính 272,7 tỷ tấn, đủ khai thác trong vòng 500 năm tới.
Hiện tại, ngành than đá và khí đốt tự nhiên đang gặp khó khăn. Trong hơn 3 năm qua, ngành dầu mỏ trụ cột của ngân sách Nga đã thể hiện khả năng chống chịu cao trước các lệnh trừng phạt của phương Tây và biến động giá dầu, nhưng vẫn không thể “gánh” được khó khăn cho các ngành khác. Ngành khí đốt tự nhiên, do xuất khẩu bị hạn chế bởi phương thức vận chuyển, đã chịu tác động mạnh từ việc châu Âu chủ động cắt đứt quan hệ năng lượng với Nga. Năm 2024, sản lượng khí đốt tự nhiên của Nga là 685 tỉ m3, giảm 10,2% so với năm 2021. Khối lượng xuất khẩu khí đốt qua đường ống giảm đáng kể, chỉ đạt 119 tỉ m3 vào năm 2024, giảm 42,5% so với năm 2021.
Năm 2023, Tập đoàn Gazprom của Nga đã ghi nhận khoản lỗ ròng 629 tỉ ruble, mức lỗ nghiêm trọng nhất trong hơn 20 năm. Trong khi đó, tình hình của ngành than đá cũng không mấy lạc quan. Theo số liệu của Bộ Năng lượng Nga, do các lệnh trừng phạt của phương Tây và hạn chế về năng lực vận chuyển đường sắt, 27 doanh nghiệp than đá của Nga đang đứng trước bờ vực phá sản. Ngoài ra, 62 doanh nghiệp khác đang đối mặt với rủi ro hoạt động, với mức lỗ cao hơn mức trung bình của ngành. Năm 2024, ngành than đá của Nga đã lỗ hơn 120 tỉ ruble, sản lượng và xuất khẩu than đá đều giảm.
“Hiệu ứng đuôi dài” của các lệnh trừng phạt vẫn rõ ràng. Mặc dù có dấu hiệu tan băng trong quan hệ Nga - Mỹ, nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn tuyên bố sẽ gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Nga thêm 1 năm. Phương Tây, đặc biệt là châu Âu, tăng cường tấn công “hạm đội bóng tối” của Nga để lấp đầy các lỗ hổng trong kiểm soát. Gặp khó khăn, các quốc gia thân thiện với Nga buộc phải tìm kiếm sự đa dạng hóa các kênh cung cấp năng lượng.
Áp lực thuế trong ngành năng lượng gia tăng đã dẫn tới việc ngành dầu khí phải chịu gánh nặng tài chính lớn nhất trong số tất cả các ngành của nền kinh tế Nga. Để đảm bảo “kinh tế thời chiến” vận hành bình thường, năm 2023, Nga đã ban hành luật tăng thuế mạnh đối với ngành năng lượng, nâng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các nhà sản xuất LNG từ 20% lên 34% trong giai đoạn 2023 - 2024; thu thêm 50 tỷ ruble hàng tháng từ thuế khai thác khoáng sản của Tập đoàn Gazprom.
Chính phủ Nga cũng tiếp tục tăng thuế khai thác khoáng sản dầu khí, tính thuế dựa trên hệ số điều chỉnh, đồng thời, gánh nặng thuế trong ngành than đá cũng tăng lên. Hiện tại, 79% doanh thu của các công ty dầu mỏ Nga được dùng để bổ sung ngân sách nhà nước. Các công ty như Surgutneftegaz, Gazprom, Lukoil, Tatneft và Gazprom Neft nộp hơn 70% doanh thu vào ngân khố quốc gia.
Thêm nữa, tỷ lệ các mỏ dầu khó khai thác tăng lên. Phát triển dầu khó khai thác là vấn đề chính mà ngành dầu khí Nga đang đối mặt hiện nay, sự ổn định của sản lượng dầu mỏ Nga trong tương lai cũng sẽ chủ yếu dựa vào việc tăng sản lượng từ các mỏ dầu khó khai thác. Trong gần 50 năm qua, Nga đã đẩy mạnh khai thác các mỏ dầu, các khu vực dầu mỏ chủ lực đã bước vào giai đoạn sản lượng giảm dần, trữ lượng dầu mỏ chất lượng cao giảm dần hàng năm. Hiện tại, sản lượng của các mỏ siêu lớn như Romashkina, Mamontov, Arlan chỉ chiếm một phần 4 tổng sản lượng dầu mỏ của Nga, tỷ lệ dầu khó khai thác trong tổng trữ lượng vượt quá 50%, đạt 16,5 tỷ tấn.
Nhìn chung, phiên bản chiến lược mới cho thấy Nga không chỉ là một lực lượng chủ chốt trên thị trường năng lượng quốc tế hiện nay, mà còn là một biến số quan trọng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng toàn cầu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng trong tương lai. Ngành năng lượng truyền thống không chỉ là trụ cột phát triển kinh tế của Nga mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để Nga tác động đến mối quan hệ với phương Tây. Trong bối cảnh này, việc Nga làm thế nào để thoát khỏi sự bủa vây bằng các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như chiến lược chuyển dịch cơ cấu của nước này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc lý giải diễn biến của trật tự năng lượng toàn cầu.