Những mốc son trong quan hệ Việt - Nga

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 19 đến 20-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm chính thức Việt Nam, đánh dấu giai đoạn mới củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga. Là quốc gia kế thừa vị thế pháp lý của Liên Xô, Liên bang Nga cũng được kế thừa truyền thống lịch sử rất tốt đẹp của mối quan hệ Việt - Xô với những mốc son chói lọi.

Giàn công nghệ trung tâm số 2 của mỏ Bạch Hổ thuộc Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro). Ảnh: TTXVN

Giàn công nghệ trung tâm số 2 của mỏ Bạch Hổ thuộc Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro). Ảnh: TTXVN

Sát cánh cùng Việt Nam

Quan hệ Việt - Nga bắt nguồn từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, khai sinh nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà cách mạng đầu tiên tiếp thu tư tưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga và vận dụng sáng tạo để hoạch định đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người từng khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người từ trước tới nay, chưa có một cuộc cách mạng nào có ý nghĩa sâu xa như vậy”.

Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô khi đánh bại phát xít Nhật vào ngày 15-8-1945 đã tạo điều kiện quốc tế thuận lợi để Việt Nam hoàn thành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám vào ngày 19-8-1945. Sau khi tuyên bố độc lập vào ngày 2-9-1945, ngày 30-1-1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và Liên Xô đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong chuyến thăm Liên Xô ngày 3-2-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Liên Xô giúp trang bị vũ khí cho Việt Nam để tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Việc Liên Xô ủng hộ đường lối kháng chiến của Việt Nam và viện trợ vũ khí trang bị cho Việt Nam, góp phần quan trọng giúp Việt Nam đánh bại thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thắng lợi của Hội nghị Genève năm 1954 về lập lại hòa bình ở Đông Dương cũng có phần công lao của Liên Xô kiên quyết ủng hộ lập trường chính trị của Việt Nam.

Giai đoạn 1954-1960, Liên Xô và Việt Nam thiết lập quan hệ chính trị toàn diện. Trong đó, Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng CNXH ở miền Bắc, viện trợ không hoàn lại hoặc cho Việt Nam vay ưu đãi để xây dựng và khôi phục hàng ngàn xí nghiệp và công trình công nghiệp. Ngoài ra, Liên Xô còn cử chuyên gia các ngành sang giúp Việt Nam và nhận đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Trong giai đoạn 1960-1964, Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng hàng trăm nông trường quốc doanh, xí nghiệp công nghiệp. Trong giai đoạn 1964-1975, Liên Xô bắt đầu viện trợ vũ khí hiện đại cho Việt Nam, giúp chúng ta chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn 1975-1990, sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, năm 1978, Liên Xô và Việt Nam đã ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác có giá trị 25 năm. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam, Chính phủ Liên Xô tuyên bố và đã thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Xô - Việt. Liên Xô cũng giúp Việt Nam xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình trong giai đoạn này, giải quyết vấn đề về an ninh năng lượng.

Hợp tác hữu nghị vì lợi ích chung của 2 dân tộc

Trong giai đoạn 1991-2001, sau khi Liên Xô tuyên bố giải thể, Liên bang Nga kế thừa vị thế pháp lý của Liên Xô trong quan hệ Việt - Nga. Năm 1994, Nga và Việt Nam ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị hợp tác giữa 2 nước. Năm 1998, Nga và Việt Nam ký Tuyên bố chung về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ 2 nước trong thế kỷ XXI. Năm 2001, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Vladimir Putin ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nga.

Trong giai đoạn 2001-2012, Nga và Việt Nam triển khai quan hệ đối tác chiến lược. 2 bên duy trì tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, kể cả cấp cao, để trao đổi ý kiến về các vấn đề quan trọng của quan hệ song phương; ký kết nhiều văn kiện hợp tác, tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ giữa 2 nước. Trong đó, có thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí của Nga Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam.

Tính từ khi Việt Nam và Liên Xô thiết lập quan hệ và ngoại giao đến năm 2012, Nga đã đào tạo cho Việt Nam 60.000 chuyên gia, trong đó có hơn 30.000 cử nhân, hơn 3.000 tiến sĩ chuyên ngành và hơn 200 tiến sĩ khoa học, 98.000 công nhân kỹ thuật. Có hơn 100.000 người Việt Nam làm ăn sinh sống ở Nga, có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế của Nga.

Năm 2012, Nga và Việt Nam ký Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Việt - Nga lên mức quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Theo đó, Việt Nam và Nga triển khai hợp tác toàn diện về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa và hợp tác giữa các địa phương, trong đó điển hình là quan hệ hợp tác giữa TPHCM với TP Saint-Petersburg. Năm 2015, Việt Nam là quốc gia ASEAN đầu tiên tham gia Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Năm 2021, lãnh đạo 2 nước ký Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga đến năm 2030.

Về quan hệ Việt - Nga, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, quan hệ giữa Việt Nam và Nga trải qua nhiều khó khăn, thử thách, song tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân 2 nước vẫn luôn bền chặt, nồng ấm và tin cậy. Quan hệ Việt - Nga ngày nay kế thừa tốt đẹp quan hệ Việt - Xô khởi nguồn từ nhiều năm trước. Đó là tài sản chung vô giá của 2 dân tộc, chúng ta có nghĩa vụ gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ mai sau. Đó cũng là nền tảng vững chắc để thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả về vật chất và tinh thần mà nhân dân Liên Xô trước đây, trong đó có Liên bang Nga, đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Với chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hy vọng hai bên sẽ tạo thêm động lực để đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.

Đại tá LÊ THẾ MẪU - Nguyên Trưởng phòng Thông tin khoa học quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng)

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-moc-son-trong-quan-he-viet-nga-post745102.html