Gà hầm sâm Samgyetang là một trong những món ăn bổ dưỡng được người Hàn thưởng thức nhiều nhất trong mùa hè, đặc biệt là để vượt qua tiết khí Sambok (Tam Phục) – 3 ngày nóng nhất trong năm ở xứ sở kim chi
Món ăn này được chế biến từ gạo nếp và các loại thảo mộc như táo tàu, gừng, rễ cam thảo... Sau khi nhồi các nguyên liệu vào thân, gà được luộc chín và ăn cùng với nước dùng
Đặc biệt, gà được sử dụng để chế biến món Samgyetang phải là gà tơ từ 3 – 6 tháng tuổi và chưa đẻ trứng lần nào. Ngày nay, ngoài các nguyên liệu truyền thống thì người Hàn Quốc còn sử dụng nhiều thành phần khác như hạt dẻ, bào ngư, bạch tuộc... để tạo sự hấp dẫn, phong phú cho món ăn
Nagashi somen là tên gọi của món mì ống trúc, một món ăn độc đáo và công phu, thường được người dân Nhật Bản thưởng thức vào mùa hè
Điểm đặc biệt của loại mì này là không được bày ra bát mà mọi người sẽ đứng hoặc ngồi hai bên ống máng làm bằng tre dài. Một dòng nước mát lạnh sẽ được cho vào từ đầu ống và chảy dọc xuống. Dòng nước mát sạch chảy liên tục và những sợi mì được thả vào
Sau đó, những thực khách chỉ cần gắp mì bỏ vào bát của mình và ăn kèm nước chấm (được pha chế độc đáo giữa nước tương Tsuyu, nước đá lạnh, mè rang vàng, gừng chua ngọt và hành lá thái nhuyễn)
Xuất xứ của Nagashi somen từ làng Kibune, Kyoto, Nhật Bản. Hằng năm, vào mùa hè, nơi đây thường tổ chức cuộc thi ăn mì với thử thách máng trượt siêu tốc. Đây được xem như một lễ hội chào đón mùa hè của người dân, thu hút rất nhiều du khách tham gia
Mizu Shingen Mochi, hay còn gọi là bánh mochi giọt nước, xuất hiện ở Nhật Bản vào mùa hè năm 2013 và nhanh chóng trở thành trào lưu ẩm thực mới không chỉ ở Nhật mà còn ở nhiều nước trên thế giới
Đúng như tên gọi, nguyên liệu chính làm nên món bánh tráng miệng lạ mắt này chủ yếu là từ nước. Tuy nhiên, nước để làm bánh không phải là nước lọc thông thường mà là dòng nước tinh khiết nhất được lấy từ núi Kaikoma thuộc dãy Apls ở miền Nam nước Nhật. Do đó, loại bánh này thường mang hương vị độc đáo, khó quên
Bánh Mizu Shingen Mochi thường được ăn kèm với kinako, một loại bột đậu nành rang và siro đường có màu đen sánh mịn. Bánh có vị ngọt thanh, mát lạnh và vô cùng mềm mại. Do đó, khi bạn cho Mizu Shingen Mochi vào miệng sẽ có cảm giác tan chảy ngay tức thì
Ngày nóng nhất ở Nhật Bản là vào tháng 7 và được gọi là Toyo-no-Shinoh. Vào ngày này, mọi người ăn lươn nướng Unagi để bồi bổ cơ thể trong thời tiết nắng nóng
Món Unagi này thường không dùng riêng mà được thưởng thức kèm với một món khác như cơm hoặc sushi, chấm kèm một nước chấm được gọi là kabayaki
Lươn được ướp trong nước sốt ngọt và hơi mặn, đem đến hương vị tuyệt vời cho món ăn. Thưởng thức món Unagi vào những ngày nắng nóng sẽ giúp giải nhiệt, đồng thời bổ sung nguồn dinh dưỡng và năng lượng thiết yếu cho cơ thể
Canh tôm chua Tom Yum Goong là món ăn nổi tiếng, được người dân Thái Lan ưa chuộng và thưởng thức trong những ngày nắng nóng
Trong tiếng Thái, Tom có nghĩa là "nấu", Yum nghĩa là "chua chua ngọt ngọt", Goong nghĩa là "tôm". Đặc trưng của món ăn này đó là tôm và rau được nấu cùng nhiều loại gia vị, giúp người ăn được cảm nhận các hương vị rất đa dang như vị ngọt, mặn, chua, ngọt
Đặc biệt, vị chua và cay giúp mọi người tìm lại khẩu vị ăn uống trong mùa hè nắng nóng
Bò hầm (Pot-au-Feu) được xem là tinh hoa ẩm thực của nước Pháp
Nguyên liệu chủ yếu của món ăn này là xương bò được cho vào nồi lớn cùng các loại rau, đun sôi và ninh trong nhiều giờ. Bò hầm Pháp thường được ăn kèm với bánh mì, khoai tây nghiền, đôi khi cũng ăn với dưa chuột ngâm chua để giúp giảm bớt độ ngán
Nước súp từ thịt bò và các chất dinh dưỡng từ rau quả sẽ giúp hồi phục năng lượng bị mất trong thời tiết nắng nóng
Người dân xứ sở bò tót thường thưởng thức món súp lạnh Gazpacho - món ăn truyền thống của vùng Andalusia, giàu vitamin và sắt và là món ăn tuyệt vời để khôi phục năng lượng trong ngày hè
Thành phần chính của Gazpacho bao gồm cà chua, dưa leo, ớt chuông, dầu olive, tỏi và bánh mì khô. Khi các loại rau củ được xay nhuyễn thành một hỗn hợp thì người ta sẽ nêm nếm thêm gia vị cho vừa miệng
Sự hòa quyện của từng thành phần, nguyên liệu tạo nên nét đặc trưng riêng về hình thức và hương vị cho món súp lạnh này
Kiều Phương