Những môn học 'ám ảnh' nhiều sinh viên đại học
Nhắc đến những môn học này, phần lớn sinh viên đều không khỏi 'run sợ'.
Chúng ta ắt hẳn sẽ từng nghe ai đó nói rằng: "Học Đại học nhàn lắm"; "Lên Đại học toàn chơi thôi!"...bởi sẽ không còn những tiết học lặp đi lặp lại từ Văn, Sử, Địa đến Toán, Lý, Hóa,... như thời còn là học sinh. Nhưng "đời không như là mơ" bởi những môn học này vẫn sẽ được tiếp diễn khi lên Đại học với một trình độ cao hơn.
Và câu chuyện sinh viên "rớt môn" như cơm bữa vì những môn này cũng không phải là chuyện lạ, thậm chí có người còn học lại, thi lại đến 4,5 lần. Tuy nhiên, nếu có thể học tốt những môn này, lợi ích bạn thu lại sẽ là không hề nhỏ.
1. Triết học
Đứng đầu trong danh sách những môn học càng học càng không hiểu phải kể đến Triết học. Đây được xem là môn học "chào sân" của các bạn sinh viên năm nhất, thậm chí là cựu sinh viên đến khi ra trường rồi cũng không hiểu tại sao mình vượt qua được môn học này.
Đó là môn học khó với rất nhiều quan điểm, học thuyết khác nhau mang tính hàn lâm và trừu tượng trong một cuốn giáo trình dày cộp. Khi học môn này, các bạn sẽ phải làm quen với lượng kiến thức khổng lồ khiến bản thân phải "tẩu hỏa nhập ma" như: "Muốn biết cái gì là cái gì thì chúng ta phải đặt cái gì đó trong quan hệ với cái gì để hiểu cái gì đó là cái gì"; "Giá trị thặng dư không tạo ra trong lưu thông, nó cũng không tạo ra bên ngoài lưu thông, nó phải được tạo ra từ trong lưu thông và đồng thời không phải trong lưu thông"...
Dẫu vậy, khi học tập tốt Triết học, các bạn sẽ biết cách suy chín chắn, làm thế nào để phân tích thông tin, đưa ra các lập luận thuyết phục và làm thế nào để viết một cách rõ ràng và logic... Đây là những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng trong tất cả các ngành đang tìm kiếm. Vậy nên cố gắng động não và ôn luyện thật tốt, biết đâu bạn sẽ "phải lòng" môn học này thì sao.
2. Xác suất - Thống kê
Xác suất - Thống kê cũng được đánh giá là môn học khó nhằn không kém Triết học. Nhiều người thậm chí còn ví Xác suất - Thống kê giống môn học "tử thần". Khi học môn này bạn sẽ thấy những bài toán xác suất hồi cấp 3 chỉ là "hạt cát giữa sa mạc".
Tình trạng học thật nhiều nhưng cũng "rớt" thật nhiều là điều quá đỗi bình thường đối với các sinh viên sau khi thi hết môn. Nếu không may rớt môn này thì cũng đừng lo vì bạn... không cô đơn.
Nói về lợi ích của môn học này, chúng ta có thể liệt kê một hàng dài. Theo GS Vũ Hà Văn (Giám đốc Khoa học - Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI), thống kê là một trong những ngành khoa học có ứng dụng nhiều nhất hiện nay với vai trò lớn trong tất cả các nghiên cứu định lượng. Các ứng dụng, nhất là trong học máy, đem lại nhiều phát minh mới như các sản phẩm về AI. Thống kê trong nghiên cứu về gen giúp phát hiện những kiến thức mới về di truyền. Thống kê trong y học giúp phát hiện những liên quan bất ngờ giữa bệnh và thuốc. Hay thống kê trong kinh tế phát hiện những quy luật mới về tiêu dùng.
Tư duy thống kê là thứ nên trang bị cho toàn xã hội, giúp cho từng cá nhân có cách đánh giá khoa học về các sự kiện diễn ra quanh mình.
3. Toán cao cấp
Quả thực, nghe tên môn học là đã thấy cao cấp rồi! Đối với các bạn theo học các ngành kinh tế, kỹ thuật thì học toán cao cấp là không thể tránh khỏi. Môn học này rất rối rắm, khô khan và khó hiểu với những công thức toán học dài dằng dặc. Vậy nên đừng tưởng lên Đại học mà thoát được Toán, chỉ là từ cơ bản lên nâng cao mà thôi!
Khi học tốt môn Toán cao cấp, chúng ta sẽ có những lợi ích sau đây:
+ Thói quen tập trung được rèn luyện
+ Cải thiện tư duy logic
+ Rèn luyện tư duy và khả năng nhạy bén
+ Giải quyết vấn đề nhanh và hiệu quả
+ Rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề
Và rất nhiều lợi ích khác
4. Logic học
Logic học là khoa học nghiên cứu những quy luật và hình thức cấu tạo chính xác của tư duy. Nó đòi hỏi tính tư duy trừu tượng cao với những ký tự, phép toán và nhiều kiến thức phong phú mang nội dung về xã hội. Mức độ khó nhằn của nó khiến bao thế hệ sinh viên phải "dở khóc dở cười" vì lúc học cũng thấy ổn ổn đấy nhưng đến lúc thi thì lại lạ lắm. Tuy nhiên, khi làm chủ môn học này, các bạn sẽ trau dồi tư duy sắc sảo và lập lập sắc bén.
5. Pháp luật đại cương
Pháp luật đại cương đòi hỏi tư duy của người học luật, bạn cần phải nắm rõ luật nằm ở điều nào khoản nào và vận dụng sự logic để giải được các bài tập tình huống hóc búa được đưa ra trong thời gian nhanh nhất.
Môn học cung cấp cho người học những nội dung cơ bản về Nhà nước và pháp luật, những nội dung cơ bản của các ngành luật gốc như Hiến pháp, Luật Hành chính, Dân sự, Hình sự, trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Từ đó giúp người học nâng cao sự hiểu biết về vai trò và sự quan trọng của Nhà nước và pháp luật trong đời sống, để luôn có thái độ tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật nhà nước, có ý thức đầy đủ về bổn phận và nghĩa vụ của một công dân đối với quốc gia, biết áp dụng pháp luật trong cuộc sống làm việc của mình, nhất là đối với người học trong các ngành học thuộc khoa học xã hội, vừa cần những lý luận cơ bản về pháp luật, vừa cần những kiến thức pháp luật chuyên ngành.
6. Tiếng Anh
Một trong những lý do khiến sinh viên sợ môn Tiếng Anh bởi đây là một trong những chiếc vé thông hành giúp sinh viên tốt nghiệp ra trường. Không ít sinh viên ở lại trường đến 5, 6 năm cũng chỉ vì học mãi không có nổi chứng chỉ Ngoại ngữ. Khi nhắc đến tiếng Anh, nhiều sinh viên chỉ biết xanh mặt vì không biết làm sao để ra được trường...
Tuy "khó nhằn" nhưng tiếng Anh đem lại rất nhiều lợi ích cho người học:
+ Mở ra nhiều cơ hội
+ Có thể giao tiếp với nhiều bạn bè quốc tế
+ Giúp bạn "hấp dẫn" hơn trong mắt nhà tuyển dụng
+ Mở rộng kiến thức
Nguồn: Tổng hợp