Những mùa trâm tuổi thơ

Cá là đứa nhỏ nào xóm tôi cũng có thể đọc làu làu “trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có duyên, đồng tiền có lỗ…”. Thuộc nhưng chỉ hớn hở đọc vang khi thấy cây trâm bên vườn nhà ông Năm xuất hiện những chùm trái xanh non. Đọc rất hào hứng vì ngó chừng trâm chín chứ cũng chẳng hiểu câu đồng dao đang nói tới hiện tượng hễ bắt đầu sang hè thì trâm sẽ ra hoa, kết trái và khi những cơn mưa đầu hè lâm râm thì trâm thực sự tím mọng.

Trâm là loại cây quen thuộc của làng quê. Má nói chẳng ai trồng nhưng trong vườn tự bao giờ đã có cây trâm. Trâm thân gỗ cao to, không cần chăm sóc cũng dễ dàng cho những mùa trái đặc sệt. Hoa trâm có màu trắng như hoa bưởi, khi nở có mùi thơm nhẹ. Trái trâm mập mạp, tròn dài bằng đầu ngón út. Trâm sống màu xanh, sau chuyển dần hồng hồng, khi chín chuyển sang tím đậm và bóng láng. Đặc biệt khi mưa xuống, trái trâm lớn nhanh và chín mọng. Trâm chín có mùi thơm nhẹ, vị ngọt và thêm một chút chua chua, chan chát. Quả trâm nhỏ, phần nạc thịt cũng không nhiều vì ở giữa đã có một hạt cứng, hình bầu dục. Vì như thế nên trâm là món quà vặt, ăn cho vui chứ đừng mơ ăn no.

Hồi đó, trẻ nhỏ ham trâm khiếp lắm. Quê nghèo quá mà, trẻ con làm gì có đồ ăn vặt ngoài những thứ cây nhà lá vườn. Thành thử tôi và mấy nhỏ cứ lom lom ngó chừng trâm chín. Thấy trâm chín thì buổi trưa trốn ngủ, rủ nhau đi hái trâm.

“Đi hái trâm” là đi hái… trộm. Đó là cây trâm khổng lồ bên vườn nhà ông Năm. Cây trâm to vật vã, từng chùm trâm chín đổ quẹo cả nhánh cây. Không đứa nào đủ dũng khí vô nhà xin. Sợ lắm! Ông Năm nổi tiếng nghiêm khắc, ổng nộ mấy nhỏ trong xóm tái xanh, mếu khóc. Lũ tôi lớn hơn, không đến nỗi ổng nhìn là khóc nhưng không dám ho he gì đâu.

Nhưng nỗi sợ không khắc chế được cơn thèm. Không dám xin thì lén trộm. Đứa canh đứa hái. Đứng dưới gốc khều, leo lên cây bẻ thả cho đứa đứng dưới nhặt. Rẹt rẹt, chúng tôi đã có cả thúng chiến lợi phẩm. Giã lẹ một chén muối ớt, lũ trẻ đen nhẻm đã có món quà vặt hấp dẫn.

Ăn quen, nhịn không quen. Được một trưa thì sẽ có một trưa khác. Những đứa trẻ thường không nghĩ nhiều đến lời đe “Đi đêm lắm có ngày cũng gặp ma”. Và trưa hôm đó, lũ tôi “gặp ma” thật.

Trưa nắng chang chang, trong khi chúng tôi đang chia nhau đu lắt lẻo trên những nhánh trâm to thì nghe tiếng mở cửa cót két. Chết rồi, ông Năm dậy sớm hơn mọi bữa. Ối ối, đứa nào cũng nhanh tay nhanh chân thả mấy nhánh trâm đang cầm trên tay để phi tang chứng cứ rồi tranh thủ leo nhanh xuống. Thằng Tèo Bụng đang ở nhánh thấp nhất nên nhảy đùng xuống. Thấy nó đã hạ cánh an toàn, mấy đứa đang vắt vẻo trên cao đâm hoảng. Ông Năm chân còn ở trong sân nhưng tay vẫy vẫy, nói to: Trời ơi, ông nào đã ở trên cây rồi thì ngồi im trên đấy cho tui, đừng có nhảy ào xuống nữa. Mấy ông gãy tay gãy chân tui không chịu trách nhiệm đâu nha! Ông Năm nói như hét nhưng nghe hiền ru, lũ tôi nhẹ nhàng leo xuống.

Leo xuống an toàn, ông Năm tập trung cả đội lại dặn bữa sau muốn ăn thì xin, trâm chín cũng chỉ rụng chứ ông già cả, không thích ăn đồ chua chát. Nhưng trẻ nhỏ, muốn ăn cái không phải của mình thì phải xin, đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Ông dặn xong đứa nào cũng thở phào rồi cười tươi rói, “dạ” ran.

Mùa đã sang. Trời lại mưa lâm râm. Vườn lao xao gọi. Tôi đưa mắt nhìn quanh, không thấy một cây trâm nào bên cạnh mình nữa. Tiếc, nhớ - tuổi thơ những buổi trưa trốn ngủ đi hái trâm.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/240487/nhung-mua-tram-tuoi-tho.html