Những năm tháng không thể nào quên

Ở vào tuổi 'xưa nay hiếm' khiến các ông: Lê Văn Hoan, Nguyễn Minh Kỳ, Dương Tú Anh quên đi nhiều điều. Thế nhưng, ký ức về ngày giải phóng Quảng Trị vẫn in sâu trong tâm trí, trái tim các ông.

Ông LÊ VĂN HOAN, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: DỒN TOÀN TÂM, TOÀN SỨC ĐỂ QUÊ HƯƠNG HƯỞNG TRỌN NIỀM VUI

Chiến dịch nổi dậy, tiến công giải phóng Quảng Trị nằm trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã đi vào lịch sử Việt Nam như một mốc son chói lọi, làm thay đổi cục diện cuộc chiến và tạo đà cho chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông. Đã 5 thập kỷ trôi qua, tôi vẫn luôn nhớ về ngày quê hương được giải phóng.

Nằm ở vị trí chiến lược, vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, Hải Lăng trở thành một trong những chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù phong trào cách mạng bị kẻ thù đàn áp dã man nhưng quân và dân Hải Lăng luôn son sắt niềm tin vào Đảng, cách mạng, quyết tâm bảo vệ quê hương, đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ. Là Bí thư Huyện ủy Hải Lăng trong thời điểm cam go, ác liệt, tôi và nhiều người không bao giờ quên từng tên đất, tên người gắn liền với những chiến công bảo vệ quê hương như Ngã ba Long Hưng, La Vang, Tiểu đội Phường Sắn, nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm, Lê Thị Tuyết...

Cách đây tròn 50 năm, ngày 1/5/1972, lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ-ngụy, giải phóng Quảng Trị, bảo vệ vùng giải phóng. Trong khí thế cả miền Nam tiến công và nổi dậy, cùng với các cánh quân chủ lực, quân và dân Hải Lăng đã nhất tề đứng lên tấn công, đập tan toàn bộ hệ thống ngụy quân, ngụy quyền. Đúng 18 giờ, ngày 19/3/1975, huyện Hải Lăng đã được giải phóng trong niềm vui sướng vỡ òa.

Để làm nên chiến công ấy, nhiều thế hệ đồng bào Quảng Trị nói chung, Hải Lăng nói riêng đã ngã xuống. Với những đóng góp to lớn, huyện Hải Lăng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; 19 tập thể, 10 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; 350 mẹ được vinh danh Bà mẹ VNAH và hàng trăm tập thể, cá nhân được phong tặng các danh hiệu cao quý khác...Chính sự anh dũng kiên cường ấy đã giúp mảnh đất, con người nơi đây làm nên những thắng lợi to lớn không chỉ trong chiến tranh mà cả trong hòa bình, dựng xây quê hương.

Ông NGUYỄN MINH KỲ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: NIỀM TIN VỀ TƯƠNG LAI ĐÃ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm ngày giải phóng quê hương, ký ức của một thời hào hùng lại ùa về trong tâm trí tôi. Ba tôi hy sinh năm 1967, bác ruột và chú ruột của tôi cũng đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong những năm tháng xông pha trận mạc để trả nợ nước, thù nhà, tôi từng nuốt nước mắt, gom từng mảnh xác của 13 đồng đội, chôn thành nấm mồ tập thể. Trải qua nhiều nỗi đau nên tôi hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình.

Tôi vẫn nhớ như in, năm 1972, sau thất bại của chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và Đường 9-Nam Lào năm 1971, Mỹ-ngụy ráo riết tìm mọi thủ đoạn nhằm dập tắt ngọn lửa đấu tranh cách mạng. Quân giặc tập trung lực lượng ở Quảng Trị dày đặc với các loại vũ khí tối tân nhất. Trước tình hình ấy, sau khi nhận mệnh lệnh từ Quân ủy Trung ương, ngày 26/3/1972, tôi lúc đó là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ. Sau cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt giữa ta và địch, đến 16 giờ, ngày 2/4/1972, huyện Cam Lộ được hoàn toàn giải phóng.

Thời điểm này, đối diện với rất nhiều khó khăn, cán bộ, người dân huyện Cam Lộ vừa nỗ lực ổn định vùng giải phóng, vừa tập trung lực lượng truy kích địch, tham gia vận tải đạn dược, thuốc men, thương binh…và làm công tác hậu cần để tạo điều kiện cho bộ đội tấn công các mục tiêu còn lại tiến tới giải phóng Quảng Trị. Bom đạn ác liệt không dập tắt được quyết tâm tiến lên giành chiến thắng của toàn quân, toàn dân. Cánh quân của ta từ Cam Lộ cùng các cánh quân từ phía Bắc và phía Nam đã tấn công tổng lực vào sào huyệt của địch chiếm đóng tại Đông Hà và giành thắng lợi vang dội. Thừa thắng xông lên, các lực lượng của ta tiếp tục đánh bại nhiều âm mưu của địch, giải phóng quê hương Quảng Trị.

Sau bao nhiêu năm lầm than sống cảnh nô lệ, tôi và người dân Quảng Trị càng thêm trân quý hai tiếng “hòa bình”. Tôi vẫn nhớ như in tiếng reo hò vang dội: “Hồ Chí Minh muôn năm; Độc lập, tự do muôn năm”. Một ký ức đẹp khác là vào ngày tỉnh tổ chức lễ mít tinh mừng chiến thắng, từ mọi miền quê, Nhân dân về dự đông như hội. Trong niềm vui khôn xiết, gương mặt ai cũng sáng rực niềm tin về tương lai tươi sáng. Hôm nay, niềm tin ấy đã trở thành sự thật.

Ông DƯƠNG TÚ ANH, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Bến Hải: TRỞ VỀ TRONG TÌNH YÊU THƯƠNG

Trong ký ức tôi, năm 1972 in dấu với chuỗi ký ức đẹp về ngày giải phóng quê hương. Chuỗi ký ức ấy khởi đầu bằng sự xúc động đến trào nước mắt khi thấy quân chủ lực lần lượt cắm cờ giải phóng ở Cao điểm 241, Động Toàn, Ba Hồ… Nhân dân Cam Lộ từ các ấp chiến lược của Mỹ-ngụy bung ra, phá nát dây thép gai ở ấp chiến lược. Từ ông già, bà lão đến lớp thanh niên, các em bé đều gánh gồng, tay xách, nách mang, nối thành từng đoàn tìm về ngôi nhà, ruộng vườn cũ.

Sau này, khi quê hương Quảng Trị được giải phóng, hình ảnh ấy lại được tiếp nối hiện diện nhiều hơn trong tôi. Trước đó, vào những ngày đầu tháng 4/1972, tuy quê hương Cam Lộ đã được giải phóng nhưng người dân vẫn chưa có cuộc sống yên bình. Ngày cũng như đêm, B52 rải thảm, pháo hạm của Mỹ trút lên vùng giải phóng không ngớt. Để tránh thương vong, bà con phải xây dựng hầm, hào trú ẩn ở từng ngôi nhà, góc vườn và phân tán thành viên trong gia đình. Trong khi đó, ở Đông Hà, Ái Tử, Triệu Phong, Hải Lăng, cuộc chiến giữa ta và địch vẫn đang diễn ra vô vùng ác liệt. Vì thế, lãnh đạo huyện Cam Lộ đã tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ người dân sơ tán. Bấy giờ, tôi và lãnh đạo huyện xác định phải vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thành lập chính quyền cách mạng; ổn định tư tưởng người dân; xây dựng hầm hào; giải quyết vấn đề thiếu thốn lương thực, thực phẩm…

Ngày 1/5/1972 khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, người dân cả tỉnh nói chung, bà con đi sơ tán nói riêng trở về trong niềm vui. Tôi rất xúc động khi thấy người dân bịn rịn chia tay nhau với đôi mắt rưng rưng và nụ cười nở trên môi. Người dân Cam Lộ chia sẻ với bà con đi sơ tán cây trồng, vật nuôi, đồ dùng... Tin rằng thử thách khắc nghiệt nhất đã lùi lại về phía sau, họ hứa với nhau cùng quyết tâm xây dựng cuộc sống mới. Từ lời hứa ấy, ai cũng quyết tâm xây dựng quê hương như lời Bác dặn: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Vì thế, nhiều nhiệm vụ được cho là khó, thậm chí không thể làm được cũng đã được người dân hoàn thành.

Đi qua bom đạn chiến tranh, từng trải rất nhiều gian khổ, với tôi, hình ảnh đẹp nhất của ngày giải phóng chính là người dân trở về quê cũ. Nó là biểu hiện sinh động, khởi nguồn của sự hồi sinh. Trước kia, người dân ra đi trong bom đạn chiến tranh cùng muôn vàn nỗi lo và rồi hạnh phúc xiết bao khi họ được trở về giữa hòa bình, cùng chung tay xây dựng lại quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=166771&title=nhung-nam-thang-khong-the-nao-quen