Những nếp nhà mới dựng và dấu ấn tình nghĩa, nhân văn 'vì dân phục vụ'
Với truyền thống 'lá lành đùm lá rách', 'tình dân tộc, nghĩa đồng bào, yêu thương đùm bọc lẫn nhau', Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Thứ trưởng Công an Phạm Thế Tùng cùng các đại biểu thực hiện thủ tục trao nhà cho gia đình ông K’Srai, bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia), là hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trao tặng nhà từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Công an.
Khát vọng bình yên và trách nhiệm cao cả với nhân dân
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; đề cao tinh thần trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lực lượng Công an nhân dân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu, cùng các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai chương trình xây dựng nhà ở hỗ trợ người có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.
Được đặc biệt thúc đẩy quyết liệt, mạnh mẽ từ năm 2019, chương trình ban đầu triển khai tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, dân tộc thiểu số, vùng biên giới, sau đó mở rộng ra phạm vi cả nước. Giai đoạn này, tại các địa bàn “cài răng lược” (là địa bàn trọng điểm của tội phạm ma túy, có sự di dân tự do), tội phạm ma túy thẩm lậu qua biên giới, cũng như địa bàn “da báo” xen kẽ giữa đồng bào an cư với đồng bào di dân tự do vẫn còn rất khó khăn.
Với tinh thần triển khai nghiêm túc, “thần tốc”, các mẫu nhà được khẩn trương nghiên cứu, thiết kế với tiêu chí ba cứng “mái cứng, tường cứng, nền cứng”, phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hóa, phong tục, tập quán, tiện ích sử dụng của nhân dân; đồng thời bảo đảm các yếu tố bền, đẹp, tiết kiệm chi phí, thi công nhanh chóng. Hàng nghìn mái ấm cho đồng bào ở các vùng cài răng lược nói riêng, vùng biên giới hẻo lánh nói chung, đặc biệt địa bàn các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên đã được lực lượng Công an nhân dân chung tay xây từ thời điểm đó.
Từ năm 2019 đến nay, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 29.100 căn nhà, với kinh phí hơn 1.450 tỷ đồng. Ngay trong sáu tháng đầu năm 2025, tiếp tục gương mẫu đi đầu, đồng hành, hỗ trợ các địa phương, phong trào thi đua xây dựng hơn 10.900 căn nhà với kinh phí hơn 670 tỷ đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.
Trong hành trình “chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” lan tỏa khắp cả nước, hàng nghìn gia đình nghèo, yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số được trao tặng những mái ấm nghĩa tình - đó không chỉ là chốn an cư, mà còn là điểm tựa tinh thần để họ vượt lên nghịch cảnh.
Một trong những trường hợp tiêu biểu làm chúng tôi nhớ mãi là gia đình ông Giàng Sao My. Giữa núi rừng trập trùng của xã Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, có một gia đình từng sống gần nửa thế kỷ mà chưa một lần được gọi đúng nghĩa hai chữ “ngôi nhà”. Gia đình ông Giàng Sao My, trú tại bản Lầu, xã Nậm Pồ - một trong những địa bàn khó khăn nhất của tỉnh, có 4 thế hệ cùng chung sống. Suốt 40 năm qua, tài sản của họ chỉ là chiếc lán nhỏ, nằm tít trên sườn núi, giữa nương rẫy - nơi vừa để trú mưa, vừa là nơi sinh sống qua ngày.
Chẳng có điện, cũng chẳng có nước sạch, mùa mưa đến, căn lán trở nên ẩm thấp, dột nát, rét buốt. Nắm được hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Pồ - ông Vàng A Chử, đã không quản ngại trèo đèo, lội suối nhiều lần lên bản Lầu để vận động, hỗ trợ gia đình ông Giàng Sao My.
Bằng sự tâm huyết và trách nhiệm, ông Chử đã đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an hỗ trợ gia đình xây nhà mới cho gia đình ông Giàng Sao My. Khó khăn lớn nhất là không có đất. Nhưng với quyết tâm, chính quyền cùng lực lượng công an rà soát, tìm kiếm và cuối cùng thu xếp được một khoảnh đất 100m2 ở vị trí bằng phẳng, thuận tiện giao thông.
Chỉ sau chưa đầy 2 tháng, với sự hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát của lực lượng Công an nhân dân, ngôi nhà mới đã được dựng lên. Ngày khánh thành, cả gia đình bác Giàng Sao My vỡ òa trong hạnh phúc. Trong niềm xúc động, bác Giàng Sao My thành kính treo ảnh Bác Hồ lên gian giữa ngôi nhà mới như một lời cảm tạ tri ân với Đảng, chính quyền, lực lượng công an và những người đã giúp đỡ gia đình vượt qua số phận.
Một trường hợp khác là gia đình ông K Srai, Gia Nghĩa, tỉnh Lâm Đồng. Ở tuổi gần đất xa trời, ông K Srai đã mất hoàn toàn sức lao động do tuổi cao, bệnh nặng. Vợ ông qua đời vì u não từ nhiều năm trước. Căn nhà cũ kỹ mà ông cùng con cháu đang ở đã dột nát, không đủ che mưa nắng, chẳng có gì đáng giá ngoài những tấm chiếu trải tạm.
Gồng gánh cả gia đình 6 người là chị H Yơi, con gái đầu của ông, sinh năm 1981. Bản thân chị bị suy giảm thị lực, nhưng vẫn phải đi làm thuê từng ngày để nuôi bố già bệnh tật và con thơ, một cháu mù bẩm sinh, hai cháu còn lại thị lực yếu, không thể học tập bình thường. Không ruộng vườn, không nghề nghiệp ổn định, mọi gánh nặng đều dồn lên vai người mẹ nghèo với đôi mắt mờ và lòng kiên cường không bao giờ tắt.
Trước tình cảnh đặc biệt khó khăn ấy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, công an địa phương đã nhanh chóng khảo sát, đưa gia đình ông K Srai vào danh sách hỗ trợ xây dựng nhà mới. Không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất, đây còn là minh chứng cụ thể cho tư tưởng nhân văn, vì nhân dân phục vụ mà Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã kiên trì theo đuổi.
Mái ấm dựng lên không chỉ chấm dứt những đêm mưa dột lạnh buốt, không chỉ giải quyết vấn đề chỗ ở cho sáu con người, mà còn tiếp thêm niềm tin cho gia đình chị H Yơi rằng họ không đơn độc. Quan trọng hơn, từ hành động đầy trách nhiệm đó, đã thắp lên ánh sáng hy vọng nơi vùng đất khó, củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền, vào lực lượng Công an nhân dân cách mạng, vì dân, gắn bó máu thịt với dân.
Tôi nhớ, có những ngôi nhà, chúng tôi phải đi một nửa ngày mới có thể mang được một bao xi-măng, mang được 100 viên gạch đến nơi, chỉ bằng đôi vai và đôi bàn chân. Cũng có những trạm mà có thể dùng được xe máy, cũng có thể có trạm dùng được xe rùa, nhưng chủ yếu là phải mang vác bằng vai...
Ý Đảng, lòng dân và dấu ấn nghĩa tình của lực lượng Công an nhân dân
Kế thừa chủ trương, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân và hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, trên cơ sở những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tiếp tục quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh chương trình với tinh thần “làm rất kịp thời, đi rất nhanh, về đích rất sớm”.
Trên khắp mọi miền Tổ quốc, lực lượng Công an nhân dân đều vào cuộc với tinh thần quyết liệt, “tự tâm, tự nguyện, tự lực”, “người có công thì góp công, người có của thì góp của, người có sức thì góp sức”; từ những học viên còn đang học tập đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công an đều là những nhân tố tiên phong, duy trì phong trào. Tinh thần đó được lan tỏa, huy động sự đồng hành, chung tay của đông đảo nhà hảo tâm, tập đoàn tài chính, tập đoàn kinh tế.
Tại mỗi địa bàn, mỗi chương trình đều được triển khai ngang tầm “chiến dịch”, với khí thế ra quân “đồng loạt, đồng sức, đồng lòng” và tinh thần không khoan nhượng trước tất cả các khó khăn, để nhân dân có một mái ấm “đẹp, vững, bền”.
Đây là yếu tố then chốt thúc đẩy quyết tâm, thống nhất trong toàn lực lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những ngôi nhà mà thời gian vừa qua, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã hỗ trợ cho đồng bào, thật sự là điểm tựa giúp mỗi người dân, mỗi hộ gia đình kiên định bám đất, bám làng, cũng là điểm tựa cho lực lượng Công an nhân dân nắm vững địa bàn, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là tham gia phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Là chủ trương lớn, hợp “ý Đảng, lòng dân”, chương trình của quốc gia giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống, bản chất tốt đẹp của dân tộc ta, nhìn lại hành trình từ năm 2019 đến nay, hàng chục nghìn ngôi nhà, điểm trường và trường học đã được lực lượng Công an nhân dân triển khai xây dựng đồng loạt trên cả nước.
Đặc biệt tập trung tại các địa bàn trọng điểm chiến lược về an ninh trật tự Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ như: Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Sơn La, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu..., chương trình thật sự góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Với tinh thần “hết mình phục vụ nhân dân”, lực lượng Công an nhân dân đã, đang và sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các địa phương còn khó khăn, góp phần sớm về đích, làm nên thắng lợi của chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm theo đúng tinh thần chỉ đạo Trung ương Đảng, Chính phủ.
“Mái ấm” - đó là hình tượng đẹp đẽ nhất thể hiện sự “an cư, lạc nghiệp’ và “bình yên, hạnh phúc”.
Trên hành trình kiến tạo và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, lực lượng công an không chỉ là “lá chắn thép” bảo vệ nhân dân trước các nguy cơ mất an ninh, an toàn, sự tấn công của tội phạm, mà luôn sẵn sàng với trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm cao nhất làm “điểm tựa” để nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, bám đất, bám làng, hạn chế di cư tự do, đóng góp xây dựng, phát triển thôn xóm, bản làng, đoàn kết, an ninh, an toàn xã hội, tạo thuận lợi, cơ hội để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng, bền vững.