Những nếp nhà sàn ngập tràn tình thương
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 năm 2024 đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, khiến hàng chục ngôi nhà sàn của đồng bào Tày bị sập đổ và hỏng nghiêm trọng. Được sự hỗ trợ của Nhà nước và chung tay của cả cộng đồng, bà con người Tày nơi đây đã quyết tâm khôi phục lại những ngôi nhà sàn - biểu tượng văn hóa truyền thống bao đời nay.
Những ngày này, Homestay Mè Thiều của gia đình anh Lương Cao Thế ở bản Hón đang được đội thợ gấp rút hoàn thiện để kịp đón khách vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ. Căn nhà sàn 5 gian được dựng lại từ bộ khung nhà cũ nhưng toàn bộ sàn, lan can và mái cọ đều phải làm mới hoàn toàn.
Trận mưa lũ vừa qua khiến nước suối Nặm Luông dâng cao, bùn đất vùi lấp toàn bộ khuôn viên homestay, làm hỏng vườn hoa, ao cá và các tiểu cảnh xung quanh. Sau lũ, phía sau nhà còn xuất hiện một vết nứt dài hàng mét, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, buộc gia đình phải di chuyển ngôi nhà sang vị trí khác.
Anh Thế cho biết, chỉ có bộ khung nhà là tận dụng được, còn lại đều phải làm mới. Nền nhà cũng được nâng cao hơn và gia cố bằng kè đá chắc chắn để phòng trường hợp nước suối dâng cao trở lại.
Những ngày gần đây, việc hoàn thiện chủ yếu do các thợ mộc đảm nhận, nhưng trước đó trong quá trình tháo dỡ và dựng nhà, bà con trong thôn cùng anh em họ hàng đã đến giúp rất đông, mỗi ngày có vài chục người.
Nhờ sự chung tay của bà con, ngôi nhà sàn với mái cọ truyền thống đã được khôi phục, mang lại vẻ ấm cúng giữa những ngày đông giá lạnh, hòa quyện với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của cánh đồng lúa xanh mướt và dòng suối Nặm Luông trong xanh. Homestay giờ đây đã sẵn sàng đón chào du khách gần xa đến tham quan và trải nghiệm.
Cách không xa nhà anh Thế, cùng trong bản Hón, gia đình anh Hoàng Văn Giáp cũng đang gấp rút hoàn thiện việc trát tường và lắp đặt khung cửa để chuẩn bị dọn vào ngôi nhà mới. Ngôi nhà sàn của gia đình anh Giáp nằm dưới chân đồi nhưng trận mưa lũ vừa qua đã khiến đất đá sạt lở, làm khung nhà nghiêng vẹo.
Anh Giáp chia sẻ rằng, gia đình anh cũng muốn dựng lại ngôi nhà sàn truyền thống như trước, nhưng hiện nay việc tìm đủ gỗ để làm nhà rất khó khăn. Vì vậy, anh đã quyết định thuê đội thợ thiết kế nhà sàn bê tông, vừa tiết kiệm chi phí, vừa có thể giữ được phần nào nét đặc trưng của ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày.
Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, gia đình phải vay thêm ngân hàng nhưng vẫn không đủ kinh phí, khiến anh rất lo lắng, không dám bắt tay vào xây dựng. Tuy nhiên, nhờ sự động viên và hỗ trợ ngày công từ bà con trong bản, gia đình anh Thế đã hoàn thiện được ngôi nhà như hiện nay.
Theo chân cán bộ UBND xã Nghĩa Đô, chúng tôi đi một vòng qua các thôn, bản và dễ dàng nhận ra nhiều ngôi nhà sàn mới vừa được dựng lên sau trận bão lũ hồi tháng 9/2024.
Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng người dân nơi đây vẫn quyết tâm khôi phục những nếp nhà truyền thống. Anh Hoàng Văn Lệ, ở thôn Thâm Mạ chia sẻ, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà sàn đặc trưng của người Tày, dù đi đâu xa, anh luôn tự hào kể với mọi người về ngôi nhà và bản làng của mình. Vì thế, khi căn nhà cũ bị sập đổ do bão lũ gia đình anh đã cố gắng hết sức để khôi phục.
Anh tâm sự rằng sống trong nhà sàn không chỉ giúp giữ gìn thói quen sinh hoạt truyền thống mà còn để các con khi lớn lên biết yêu quý và tự hào về ngôi nhà cũng như bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Theo thống kê của UBND xã Nghĩa Đô, đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã làm sập đổ, hỏng rất nhiều nhà ở của người dân địa phương. Trong đó có 15 nhà sàn bị sập đổ hoặc hỏng trên 70%, 24 nhà hỏng từ 50 - 70% cần được sửa chữa và 28 nhà trong khu vực có nguy cơ cao phải di dời.
Đến nay, nhiều hộ dân đã hoàn thành việc dựng lại nhà mới, còn các hộ khác đang nỗ lực phấn đấu để kịp hoàn thiện trước tết Nguyên đán, với hy vọng sẽ được đón xuân mới trong những ngôi nhà khang trang.
Đồng chí Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết, phần lớn nhà bị sập đổ, hư hỏng hoặc nằm trong diện phải di dời đều là nhà sàn. Vì vậy, khi thảo luận phương án khắc phục, chính quyền xã đã vận động các hộ dân ưu tiên xây dựng lại nhà mới theo mẫu thiết kế nhà sàn truyền thống và đề xuất này đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ bà con.
Việc dựng một ngôi nhà sàn mới theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Tày thường phải chi phí khoảng 500 - 600 triệu đồng, khoản tiền không hề nhỏ đối với người dân Nghĩa Đô, vốn chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp.
Do đó, bên cạnh khoản kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã vận động bà con trong các thôn, bản chung tay giúp đỡ các gia đình bằng việc đóng góp ngày công lao động và hỗ trợ một phần vật liệu, góp phần giúp nhiều hộ sớm có được nhà ở mới.
Ngồi trong ngôi nhà mới ấm cúng, chị Hoàng Thị Toản nhớ lại trận mưa lũ đầu tháng 9/2024 khiến ngôi nhà sàn của gia đình bị đổ sập. Sau đó, cả gia đình phải tạm trú tại nhà văn hóa thôn.
Vì khoản tiền vay ngân hàng để dựng nhà trước đây còn chưa trả hết, chị không dám nghĩ đến việc xây lại nhà mới. Trong lúc khó khăn ấy, gia đình chị đã nhận được sự giúp đỡ tận tình từ bà con trong thôn.
Chị chia sẻ rằng, các con đi làm ăn xa nên không giúp được nhiều. Trong suốt thời gian dựng nhà, ngày nào bà con trong thôn cũng đến hỗ trợ nhiệt tình, mỗi người một tay, góp sức để gia đình có được ngôi nhà bền đẹp như hôm nay.
Từ tấm lòng sẻ chia, đùm bọc của bà con lối xóm, những ngôi nhà mới lần lượt được dựng lên, không chỉ là nơi che mưa che nắng mà còn là minh chứng cho ý chí kiên cường, bền bỉ của người dân xã Nghĩa Đô.
Những mái nhà sàn mới còn thể hiện tình yêu sâu sắc của đồng bào với bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn và trao truyền qua bao thế hệ như một lời khẳng định rằng dù thiên tai có khắc nghiệt, tình người và văn hóa vẫn vượt lên và mãi trường tồn.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhung-nep-nha-san-ngap-tran-tinh-thuong-post396632.html