Những nét văn hóa đặc sắc ngày Xuân ở Mèo Vạc

BHG - Dân tộc Mông chiếm hơn 78% dân số trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, người Mông ở Mèo Vạc luôn giữ gìn và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống để truyền lại cho thế hệ sau.

Dệt lanh, nghề truyền thống của dân tộc Mông Mèo Vạc.

Dệt lanh, nghề truyền thống của dân tộc Mông Mèo Vạc.

Từ năm 2016, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Mèo Vạc đã đầu tư xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi. Sau khi đi vào hoạt động, Làng văn hóa đã trở thành điểm nhấn trong bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, thu hút du khách đến tham quan, lưu trú. Điểm nổi bật của làng văn hóa là các ngôi nhà trình tường, mái lợp ngói âm dương được xây dựng theo đúng kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào Mông, khuôn viên ở giữa trung tâm làng được quy hoạch theo hình bông hoa đào của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Vì vậy, đây là điểm du lịch được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Múa khèn Mông thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của cộng đồng người Mông.

Múa khèn Mông thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của cộng đồng người Mông.

Bên cạnh bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, huyện Mèo Vạc quan tâm duy trì tổ chức các lễ hội của đồng bào Mông, như: Duy trì Ngày hội văn hóa dân tộc Mông từ năm 2015 đến nay, Lễ hội Hoa đào, Lễ hội Gàu Tào, trong đó tập trung vào nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, gồm: Thi dệt vải lanh, chế tác khèn Mông, đan quẩy tấu, múa khèn Mông, tung ngô vào quẩy tấu, say ngô, thi địu ngô đi cà kheo... và các hoạt động trải nghiệm làm bánh Tam giác mạch, phiên chợ vùng cao, tham quan tường rào đá và thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc Mông... Đây là những sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc không thể thiếu của người dân nơi đây vào mỗi dịp đầu Xuân.

Với đồng bào Mông thì cây khèn không chỉ gắn bó với đời sống sinh hoạt, lễ hội truyền thống mà còn là phương tiện mang lại hạnh phúc lứa đôi. Từ các em nhỏ đến các cụ già, ai ai cũng biết thổi khèn, múa khèn vào các dịp lễ hội, ngày đại đoàn kết hay trong các trường học và ngày chợ phiên. Tiếng khèn Mông du dương, tha thiết gắn bó với con người từ lúc sinh ra đến khi về với Tổ tiên. Vì thế, tiếng khèn trở nên rất thiêng liêng, được huyện Mèo Vạc nâng tầm tổ chức thành Festival khèn Mông vào các dịp lễ hội. Một điểm độc đáo nữa mà ai cũng nhớ đến trong văn hóa của dân tộc Mông, đó là văn hóa chợ. Vào mỗi tuần diễn ra chợ phiên, người Mông đến chợ không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa, mà đi chơi chợ, gặp bạn bè trút bầu tâm giao để chia sẻ tình cảm về những buồn vui trong cuộc sống. Trong không gian chợ phiên ấy luôn xuất hiện những gian ẩm thực để những đôi bạn ngồi tâm tình, níu chân nhau chẳng muốn về. Thế mới thấy được sự đặc sắc của phiên chợ vùng cao, mỗi phiên chợ luôn đông vui như ngày hội. Từ người già đến trẻ em hay các đôi nam nữ dân tộc Mông, ai cũng diện những bộ quần áo, bộ váy mới xuống chợ. Do đó, chợ phiên vùng cao trở thành sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Một mùa Xuân nữa lại về, có dịp đến với mảnh đất Mèo Vạc, du khách sẽ được hòa mình vào các lễ hội, thưởng thức những tinh hoa văn hóa của các dân tộc để cảm nhận và thêm yêu mảnh đất biên thùy.

Bài, ảnh: Quỳnh Lưu (Mèo Vạc)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202302/nhung-net-van-hoa-dac-sac-ngay-xuan-o-meo-vac-1ab7ace/