Những ngày Hà Nội mù sương ảm đạm, bỗng thấy nhớ một sớm nắng tinh khôi trong căn gác cafe 'cô đơn' giữa ngã 5 Hàng Than
Mỗi ngày có cả vạn lượt người lại qua nơi ngã 5 đông đúc ấy, nhưng ít ai để ý đến tiệm cafe bát giác nằm lẻ loi ngay đầu dốc Hàng Than.
Có lẽ ai cũng biết một điều rằng những con phố cổ mang từ "Hàng" ở giữa lòng Hà Nội đều có sự tích riêng gắn với lịch sử tồn tại cả nghìn năm của Thăng Long thành. Dù bây giờ những con phố cổ ấy chẳng còn "buôn có bạn bán có phường" như xưa nữa, nhiều phố đã mất hẳn tên hoặc nghề cổ truyền bị mai một như phố Hàng Đậu chẳng còn bán đậu hạt, Hàng Bông không còn làm nghề "bật bông"... song huyền thoại về một thời phố chợ phồn hoa vẫn còn nguyên trong ký ức người Hà Nội.
Là một trong số những phố cổ còn giữ nguyên tên gọi như thuở ban sơ, phố Hàng Than hiện tại cũng chẳng còn bán than hoa nữa mà nổi tiếng với món bánh cốm, caramen và những di tích đền chùa cũ. Con phố nổi tiếng này chỉ dài vỏn vẹn hơn 400m, song lịch sử tồn tại của nó thì dài cả thiên niên kỷ. Những ngôi nhà mới cứ mọc lên, mang hơi thở đương đại bao trùm lên cả con phố nhộn nhịp, song vẫn còn nhiều căn nhà cổ trầm mặc toát lên màu thời gian nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt", khiến người ta đôi lúc cảm thấy bối rối khi đi dạo ngắm phố.
Hàng vạn người vẫn đi qua phố Hàng Than mỗi ngày, chen nhau đứng giữa ngã 5 đầu dốc mỗi chiều đèn đỏ đông đúc. Thế nhưng ít ai để ý ở ngã 5 ấy có một nơi hoàn toàn tách biệt với cuộc sống xô bồ xung quanh, đó là một căn nhà hình bát giác vô cùng đặc biệt, nằm trên nền bê tông cao hơn hẳn nền đường, với hàng cây xà cừ cổ thụ che bóng um tùm trên mái.
Căn nhà này chỉ có 2 tầng với diện tích không lớn lắm. Kiến trúc tòa nhà nhìn từ bên ngoài trông khá cổ kính, với dòng chữ "Số 1 Hàng Than" in kiểu cũ đính ngay ngắn trên tường. Tầng 1 chia 2 nửa, một bên là quán bia hơi bình dân vỉa hè, còn một bên là tiệm cafe. Tầng 2 có 24 ô kính, dù cũ kỹ nhưng khá xinh xắn với chiếc ban công đầy hoa lá bao quanh. Ngoài cửa quán cafe có vài bộ bàn ghế gỗ nhỏ rất đặc trưng Hà Nội, đám lá rụng vàng ươm phủ đầy sân trông đến là tình.
Tôi đã "phải lòng" quán cafe này ngay từ lần đầu nhìn thấy. Khi ấy tôi đang ngồi chờ đến lượt ăn bánh giò ở chiếc tiệm không biển nổi tiếng, chếch phía sau tòa nhà bát giác. Hoàng hôn mùa hè nắng rực rỡ, tôi ngồi ngắm những ô kính hé mở trên tầng 2 và bỗng thèm một ly cafe sáng ngồi bên khung cửa ấy. Không biết ngồi bên trong nhìn xuống mọi thứ bên dưới sẽ thế nào?
Thế là tôi chọn một sáng cuối tuần trong vắt, ôm cún cưng ghé quán để tận hưởng chút thời gian rảnh rỗi cho riêng mình.
Tầng 1 quán cafe rất hẹp, chỉ đủ để đặt quầy pha chế. Nhưng khi bước lên cầu thang sắt nhỏ dẫn tới tầng 2, tôi khá bất ngờ với không gian rộng rãi đủ sức chứa hàng chục khách một lúc. Nắng tràn ngập xuyên qua cửa kính, lúc nhàn nhạt lúc gay gắt, in những hình thù ngộ nghĩnh lên sàn. Chọn một chiếc bàn gần cửa sổ nhìn ra ngã 5, tôi thong thả ngồi ôm bé cún. Trông cô chó nhỏ có vẻ khá háo hức với buổi đi chơi nhẹ nhàng, lim dim đôi mắt nhìn ra bầu trời ngập nắng, gió quạt thổi đám lông vàng bay lơ thơ khiến tôi cảm giác thật yên bình.
Phải nói rằng quán cafe bát giác này đúng là rất đặc biệt. Dù nằm giữa những con phố sầm uất đông đúc, một bên là đường đê Yên Phụ lúc nào cũng ồn ào xe cộ, một bên là phố Phạm Hồng Thái, nhưng không gian trong quán khá yên tĩnh. Khách ghé thăm nơi này cũng không quá đông, không xô bồ ngột ngạt, nếu gọi nó là tiệm cafe "cô đơn" thì có gì sai không nhỉ?
Nhâm nhi xong ly cafe, tôi gọi thêm một ly trà tắc xí muội vì nắng đã lên cao, không khí bắt đầu hơi oi bức. Trong lúc rảnh rỗi ngắm đường phố đã chán, tôi lần mò tìm hiểu xem ngôi nhà bát giác này thực chất có nguồn gốc như thế nào. Quán cafe này mới mở cách đây không lâu, trong khi căn nhà cổ kính từ lớp tường rêu phong đến những chiếc cột sắt, vậy nó được xây dựng từ bao giờ nhỉ? Trước đây căn nhà này được dùng để làm gì?
Thật đáng tiếc, dường như không có ghi chép nào cụ thể về căn nhà bát giác, tôi chỉ tìm thấy một đoạn nhỏ trên mạng viết rằng "khu đầu phố Hàng Than chỗ dốc đê Yên Phụ là một địa danh lịch sử nơi quan nhà Trần đã tống cổ giặc Nguyên xâm lược ra khỏi kinh thành Thǎng Long". Vốn dĩ Hàng Than là một phố cổ của Hà Nội đã xuất hiện từ thời chưa có bãi bồi Phúc Xá, khi đó sông Hồng còn chảy sát chân con đê Yên Phụ - nơi mà bây giờ mọc lên vô số nhà cửa đông đúc, bờ sông đã đẩy ra rất xa.
Tưởng tượng ra khung cảnh từ hàng trăm năm trước, có lẽ chỗ tôi ngồi trong tiệm cafe bát giác chính là một địa điểm tuyệt vời để ngắm cảnh sông Hồng lộng gió, ngắm được cả những đoàn thuyền buồm nâu chở than hoa cập bến Hàng Than, từng sọt than đen nhánh còn nguyên vân gỗ được phu gánh mang lên bờ để bán cho thị dân thành Thăng Long cách đây hàng thế kỷ...
Thoáng cái đã qua cả mùa thu, tiệm cafe bát giác đã phủ đầy lá vàng trên mái vào những ngày đầu tháng Mười Một. Đi ngang qua thấy cụ già bâng khuâng ngồi trên chiếc ghế nhựa cũ trong góc quán bia ở nửa sau căn nhà bát giác, ánh mắt xa xôi như nhìn thấu cả đời người. Chẳng hiểu sao ai đến căn nhà đó cũng trầm tĩnh, dù có trò chuyện thì cũng không huyên náo như bao hàng quán vỉa hè khác ở Hà Nội. Mấy cây xà cừ cổ thụ trùm tán lên cả căn nhà, như ẩn giấu bí mật nào đó đã bị lãng quên.
Cái nhà bát giác ấy thật lạ, "hiên ngang" nằm giữa ngã 5, một mình một khoảnh đất. Đẹp mộc mạc, và đậm màu Hà Nội xưa. Những ngày thủ đô mờ mịt khói sương, gió mùa tràn về lạnh lẽo, bỗng thấy nhớ da diết chiếc bàn gỗ bên ô cửa kính ngập nắng hè. Đó là nơi tuyệt vời để chụp những bức hình thật xinh đậm sắc màu Hà Nội, hãy thử ghé thăm một lần để tận hưởng cảm giác thời gian trôi đi thật chậm trên căn gác 24 ô cửa kính. Dù căn nhà bát giác này không phải địa danh "sống ảo" đình đám với giới trẻ Hà thành, song nó mang vẻ đẹp riêng rất tinh tế mà nhiều người chưa biết đó thôi!