Những nghệ nhân 'hồi sinh' y phục cung đình
Những bộ y phục cung đình của vua hoàng hậu, thái tử, công chúa... được các nghệ nhân 'hồi sinh'. Sự say mê kết hợp với bàn tay tài hoa và tâm đức của các nghệ nhân đã tạo nên thành quả quý giá, góp phần giữ gìn di sản văn hóa Việt.
“Pho từ điển sống” về nghề thêu trang phục cung đình
Làng nghề Đông Cứu (xã Dũng Tiến - Thường Tín, Hà Nội) - ngôi làng nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ có truyền thống lâu đời về nghề thêu tay, chuyên chế tác phẩm phục cho triều đình. Theo các thông tin được ghi trên bản sắc phong, làng thêu đã sớm xuất hiện dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (năm 1746). Làng Đông Cứu thờ ông Lê Công Hành, vị tiến sĩ thời Vua Lê Thần Tông (1637), làm tổ nghề thêu. Khi ông đi sứ phương Bắc, có học được kỹ thuật thêu của người phương Bắc nên khi về đã truyền dạy cho dân, trong đó có dân làng Đông Cứu.
Một trong những cá nhân tiêu biểu đã phục dựng và hồi sinh những bộ trang phục cung đình truyền thống thành công chính là nghệ nhân Vũ Văn Giỏi. Ông Giỏi là hậu duệ của gia đình 6 đời làm nghề thêu, bản thân chú đã có gần 30 năm tìm tòi và phục dựng những cổ phục triều đình.
Theo nghệ nhân Giỏi, thêu trang phục cung đình phải tuân thủ theo rất nhiều quy tắc. Chẳng hạn, long bào của vua dù có thêu bao nhiêu mũi thì các mũi phải đều tăm tắp về khoảng cách, độ dài. Chỉ thêu long bào phải là chỉ se hai chiều. Trong khi áo hoàng hậu lại là chỉ se một chiều. Riêng long bào của Vua, mỗi gam mầu lại có năm sắc độ khác nhau, cho nên phải dùng khoảng 200 mầu chỉ thêu. Đó là chưa kể một loạt kỹ thuật đặc biệt được ứng dụng trong thêu những họa tiết khó, phức tạp.
Mỗi chiếc áo trung bình dùng hết hơn 14m vải, không phải nhiều người cùng làm một lúc được mà tối đa chỉ 3 – 4 người cùng làm. Cầu kỳ, tỉ mỉ là thế song đối với bộ trang phục đơn giản nhất, có đủ hết nguyên liệu, chỉ tập trung vào phục dựng thì bộ áo đơn giản nhất cũng cần 4 thợ thêu làm việc trong khoảng 6 tháng, còn bộ phức tạp phải huy động tới 7 – 8 thợ thêu ròng rã 15 tháng. Thậm chí có những bộ phải mất hàng năm trời mới hoàn thành.
Tới nay, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã làm được hàng chục y phục, từ y phục của vua tới hoàng hậu, thái tử, công chúa... Mỗi y phục cung đình là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chi phí làm ra cũng tốn kém tới hàng tỷ đồng/bộ. Các bộ y phục cung đình của ông từng được mang đi triển lãm tại Festival Huế; triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Dân tộc Hà Nội, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ… Những bộ trang phục do nghệ nhân Vũ Văn Giỏi thực hiện cũng được sử dụng trong “Thăng Long nhân kiệt”, seri phim tài liệu lịch sử làm về chân dung các nhân tài hào kiệt trong lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từ một người thợ thêu, Vũ Văn Giỏi đã trở thành “pho từ điển sống” về nghề thêu trang phục cung đình.
Gìn giữ những di sản văn hóa dân tộc
Nhắc tới nghệ nhân “hồi sinh” y phục cung đình, không thể không nhắc tới nghệ nhân Trịnh Bách. Nghệ nhân Trịnh Bách cũng chính là người đưa nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đến cơ duyên phục dựng y phục này.
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi nhớ lại: “Năm 1994, anh em chúng tôi bắt tay nhau làm. Mỗi người một mảng, anh Bách bỏ phần lớn kinh phí đầu tư, tôi thì tìm nhân công. Cả hai cùng sưu tầm tư liệu về trang phục truyền thống cung đình, bổ sung cho nhau để hoàn thiện. Bản thân tôi thực hành là chính nhưng cũng phải hiểu thì mới làm được. Có điều gì đó hơi tâm linh một chút, ấy là khi chúng tôi tìm tư liệu, rất thuận lợi, gặp các cụ, các nhà nghiên cứu, ai biết cũng chỉ bảo rất tận tình.”
Còn nhớ năm 2005, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đưa 8 bộ y phục cung đình do nghệ nhân Trịnh Bách phục chế sang triển lãm tại Nhật Bản. Những bộ trang phục này được nghệ nhân Trịnh Bách cùng một số nghệ nhân dệt và thêu cao tuổi nghiên cứu phục dựng dựa trên những mẫu và chất liệu truyền thống từ những y phục, trang sức của triều đình Huế.
Để có được những bộ y phục cung đình nói trên, nghệ nhân Trịnh Bách đã cất công tìm gặp những người trong hoàng tộc nhà Nguyễn lưu lạc ở nước ngoài như hậu duệ của Gia Hưng Vương (con vua Thiệu Trị), bà cháu ngoại công chúa Mỹ Lương (con vua Dục Đức, chị vua Thành Thái) đã 80 tuổi để nghe họ nói về những tập tục và thể thức ăn mặc trong cung cấm và được xem những chiếc áo của hoàng thất nhà Nguyễn.
Bên cạnh việc nghiên cứu nhiều sách cổ kim nói tới lề lối ăn mặc cung đình, ông còn đến khảo sát thực tế các bộ trang phục của hoàng gia triều Nguyễn ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế.
Nghệ nhân Trịnh Bách cũng đã tới nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới từ Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản để đối chiếu xem vua triều Nguyễn và vua xứ người trang phục khác nhau ra sao. Và ông phát hiện ra rằng, triều phục của triều đình Việt Nam có nhiều chi tiết tinh tế, khó dệt, khó thêu hơn.
Từ những tư liệu đó, cộng với kết quả nghiên cứu các mẫu trang phục cung đình, ông đã tổng hợp một cách hệ thống các thể chế quy định việc ăn mặc trong triều Nguyễn và một phần của nhà Lê rồi bắt tay vào việc tìm thợ để “hồi sinh” những y phục cung đình.
Theo nghệ nhân Trịnh Bách, việc phục chế cổ y là cả một quá trình công phu, dựa vào văn bản cổ như sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, hay các nhân chứng và hiện vật, ảnh và bản vẽ cũ còn ít ỏi trong các bảo tàng và các bộ sưu tập tư nhân ở Việt Nam và nước ngoài, Trịnh Bách đã tìm hiểu rất kỹ từ chất liệu, kích thước, kỹ thuật hoa văn, cho đến lề lối, quy cách trang trí, cắt may… Các loại vải tơ tằm cung đình được dệt bằng phương pháp thủ công. Vải và chỉ thêu được nhuộm theo màu sắc cổ truyền. May và thêu cũng hoàn toàn bằng tay.
Nghệ nhân Trịnh Bách “hồi sinh” những trang phục cầu kỳ của vua chúa như: Long bào xuân hạ Hoàng Đế, Phượng bào thu đông Hoàng Hậu, Sa kép xuân hạ Quý phi, Sa kép xuận hạ Thái tử, Mãng bào thu đông Hoàng tử, Mệnh phụ thu đông Công chúa…
Những bạn trẻ đam mê y phục cổ
Những năm trở lại đây, hàng loạt dự án về cổ phục được thực hiện bởi các thương hiệu đến từ: Ỷ Vân Hiên, Năm Tuyền, Hoa văn Đại, Hoa Niên-Năm tháng tươi đẹp, Great Vietnam... Đa phần những nhà thiết kế, những nghệ nhân, những nhà nghiên cứu đều có tuổi đời còn trẻ. Đặc biệt, với sự hỗ trợ, cố vấn của các nhà sử học, nhà nghiên cứu lão làng, uy tín cùng với lòng nhiệt huyết, sự đam mê, tính cách dám nghĩ dám làm, đã giúp người trẻ nhanh chóng tạo nên sức sống mới cho những trang phục tưởng như đã cũ.
Cổ phục không chỉ dừng lại ở chiếc áo dài mà còn có các kiểu áo của nhiều triều đại khác nhau như áo ngũ thân, áo nhật bình, áo giao lĩnh, áo viên lĩnh, áo đối khâm… Điển hình nhất vẫn là trang phục triều Nguyễn, triều Lê, thời Lý, Trần...
Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc tâm niệm: “Trào lưu tìm về cổ phục là tất yếu. Bởi khi thế giới càng phẳng, quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ cũng là lúc người ta tìm về “căn cước văn hóa”, lịch sử của dân tộc mình để khẳng định bản sắc riêng, định vị mình giữa vô vàn nền văn hóa”.
“Cổ phục không phải là cái gì lạc hậu, cũ kĩ mà thực ra, rất đẹp và sang trọng. Tinh hoa của cả một dân tộc được gửi gắm tinh tế, ý nhị và hài hòa trong từng hoa văn, vạt áo. Vẻ đẹp đó đến tận hôm nay vẫn không hề bị lạc hậu, lu mờ so với nhu cầu hiện đại để các nhà thiết kế quyết tâm đưa cổ phục trở lại đời sống”, Đức Lộc khẳng định.
Theo các nghệ nhân, khi phục hồi y phục cung đình, quan trọng nhất là phải nghiêm túc, thận trọng, cần kiên trì và đủ đam mê, am hiểu kiến thức về lịch sử, văn hóa. Các nghệ nhân đã góp phần gìn giữ những di sản văn hóa dân tộc.
Những người yêu cổ phục đang từng bước ngược dòng sử liệu để dần phục dựng và hiện thực hóa khát khao đưa cổ phục Việt trở lại, hòa trong dòng chảy đời sống, văn hóa, nghệ thuật đương đại, níu giữ những tinh hoa truyền thống đất Việt.
Cuốn sách về y phục xưa
“Ngàn năm áo mũ”- công trình nghiên cứu của Trần Quang Đức là cuốn sách dày gần 400 trang mô tả sinh động về trang phục của người Việt trong gần 1.000 năm từ triều Lý đến triều Nguyễn (1009-1945). Theo tác giả viết trong lời kết của sách: “Ngàn năm áo mũ thể hiện một góc nhìn lịch sử, tư tưởng, mỹ thuật Việt Nam thông qua dòng chảy biến thiên của văn hóa trang phục; đồng thời làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt giữa trang phục Việt Nam so với trang phục của các nước đồng văn, đặc biệt là Trung Quốc”. Đọc “Ngàn năm áo mũ”, người ta không chỉ xem, mường tượng được trang phục cung đình và trang phục dân gian của người Việt qua gần 1.000 năm mà những trang sách thấm đẫm tinh thần ngàn năm tự chủ về văn hóa.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-nghe-nhan-hoi-sinh-y-phuc-cung-dinh-post468470.html