Những nghệ sĩ từ làng

Từng có nhà nghiên cứu nhận xét rằng, người Bahnar là một trong những dân tộc nghệ sĩ nhất Tây Nguyên.

Mới đây, được trò chuyện với những nghệ nhân tài hoa trên quê hương Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang) về chuyện xưa-chuyện nay trong không gian sống và nếp sinh hoạt thuần chất Bahnar truyền thống, chúng tôi chỉ có thể thốt lên: “Nghệ sĩ đến thế là cùng!”.

Những người chơi đing hi hơ cuối cùng

Con suối Ktung trong vắt chảy quanh những ngôi làng ở Tơ Tung đã làm dịu đi phần nào tiết trời oi bức của buổi trưa nắng. Bước chân lên ngôi nhà sàn thoáng rộng của nghệ nhân Đinh Bri (làng Đak Pơ Kao), chúng tôi càng không chú ý đến chuyện thời tiết nữa, bởi mọi sự tập trung đều đổ dồn về một loại nhạc cụ khá lạ mắt của đồng bào Bahnar nơi đây: đing hi hơ.

 Nghệ nhân Đinh Hmêh (bìa trái) và nghệ nhân Đinh Bri là những người cuối cùng biết chế tác và chơi nhạc cụ đing hi hơ ở xã Tơ Tung. Ảnh: P.D

Nghệ nhân Đinh Hmêh (bìa trái) và nghệ nhân Đinh Bri là những người cuối cùng biết chế tác và chơi nhạc cụ đing hi hơ ở xã Tơ Tung. Ảnh: P.D

Sống gắn bó với môi trường rừng nên phần lớn các nhạc cụ của đồng bào Bahnar đều sử dụng vật liệu từ tự nhiên như tre, nứa, đá. Các nhạc cụ này hết sức phong phú, gồm cả bộ dây, bộ hơi và bộ gõ. Chưa kể, bà con còn dựa vào thiên nhiên để vận hành các loại đàn gió, đàn nước…

Đing hi hơ (còn gọi là hi hơ, đinh đuk) là một trong những nhạc cụ độc đáo thuộc bộ hơi nhưng lại ít thấy xuất hiện tại các lễ hội truyền thống. Đây là tổ hợp gồm 10 ống nứa nhỏ, đường kính 1,5-2 cm, được xếp và cố định thành bó. Mỗi ống có độ dài ngắn khác nhau đại diện cho các cao độ của âm thanh; ống dài nhất khoảng 1 m, ống ngắn nhất khoảng 30 cm. Các ống được vát nhọn một đầu như cách “vót âm thanh” (trừ ống dài nhất).

Nghệ nhân Đinh Bri cho hay, từ năm 11 tuổi, ông đã được cha dạy làm và chơi các loại nhạc cụ, trong đó có đing hi hơ. “Ông già giỏi lắm, cái gì cũng biết làm. Có hôm thức giấc lúc 2-3 giờ sáng, mình đã thấy ông ngồi chơi đàn, hát dân ca”-ông Bri nhớ lại. Đó cũng là những hình ảnh in sâu vào trí nhớ của cậu bé sau này được kế thừa bản tính rất mực nghệ sĩ của cha mình.

Cầm chiếc ống thổi đing hi hơ trên tay, nghệ nhân Đinh Bri hướng dẫn cách diễn tấu độc đáo với bài “Ca ngợi Anh hùng Núp”. Bằng khả năng cảm âm tài tình, nghệ nhân thổi hơi vào các ống khiến cho tre nứa phải “cất lời”, trong khi đó ngón tay cái liên tục phớt từng lượt qua miệng ống nứa như một cách ngắt nhịp uyển chuyển. Đó là lý do khi diễn tấu loại nhạc cụ này, nghệ nhân luôn phải chuẩn bị 1 cốc nước bên cạnh để giúp ngón tay đỡ đau rát.

Đinh Bri, người nghệ nhân đa tài. Thực hiện: Ngọc Duy

Tuy khách phương xa rất hào hứng với phần trình diễn lạ mắt nhưng nghệ nhân năm nay gần 70 tuổi lại tỏ ra chưa mấy hài lòng. Ông bảo, ngoài sự khéo léo, muốn chơi đing hi hơ cho hay thì phải có sức khỏe, song làn hơi của ông giờ đã yếu nên âm thanh chưa được tròn trịa như mong đợi.

Trên thực tế, đing hi hơ không có độ vang ngân, lảnh lót như t’rưng hay ting ning mà chỉ như tiếng rì rầm nhè nhẹ, đậm chất tâm tình. Vì lẽ đó mà nhạc cụ này trở thành người bạn thân thiết với dân làng những năm chống Mỹ.

Ông Bri hồi nhớ: Là cháu gọi Anh hùng Núp là chú ruột, ông hăng hái tham gia kháng chiến với nhiệm vụ làm liên lạc từ năm 1969 đến 1975. Thời điểm giặc tràn vào đốt phá buôn làng, người dân phải tản cư lên núi, “vừa làm nương rẫy vừa chạy, thằng Mỹ ném bom chỗ này thì chạy chỗ khác”. Gian khổ là vậy nhưng phẩm cách nghệ sĩ vẫn chẳng mất đi.

Ông Bri kể: Hồi đó, làng buồn lắm! Bằng tình yêu với âm nhạc, bà con chặt nứa vừa già tới, phơi cho thật khô rồi bó thành chiếc ống thổi đing hi hơ. Âm thanh nhỏ nhẹ, đủ để giãi bày tâm tình mà không sợ bị địch phát hiện. Vậy nên, đing hi hơ đã trở thành loại nhạc cụ phổ biến trong những năm tháng kháng chiến.

Ngồi cạnh bên, nghệ nhân Đinh Hmêh (77 tuổi, người làng Stơr)-cháu rể Anh hùng Núp-cũng gật gù xác nhận câu chuyện ông Bri vừa kể. Ông Hmêh cho hay, trước kia, người dân các làng ở Tơ Tung rất giỏi chế tác và chơi các loại nhạc cụ, trong đó có đing hi hơ, tuy nhiên hiện nay chỉ còn vài người biết cách làm cho chúng cất lên những âm thanh mang vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng.

Cũng như ông Bri, ông Hmêh lấy làm tiếc khi không đủ sức để thổi đing hi hơ tặng chúng tôi một bài dân ca Bahnar trọn vẹn. Tuy nhiên gần đây, một số đoàn khách, trong đó có nhiều học sinh, đã rất thích thú khi được đến làng tìm hiểu, thưởng thức âm thanh độc đáo của loại nhạc cụ này.

Trăn trở truyền nhân

Nhưng chỉ bấy nhiêu thì chưa đủ khiến chúng tôi ngạc nhiên. Hơn thế, những nghệ sĩ của làng còn chứng tỏ sự tài hoa ở rất nhiều lĩnh vực. Lấy ra 2 chiếc đàn ting ning, ông Bri diễn tấu cùng lúc… 2 tay 2 chiếc, đồng thời hát tặng chúng tôi bài dân ca kể câu chuyện về giọt nước mắt của cô gái Bahnar bên khung dệt sau khi tiễn người yêu đi đánh giặc Mỹ trên đường 19.

Cồng chiêng hay đàn t’rưng, k’ní… ông cũng chơi thuần thục. Vì vậy, năm 2021, ông Bri có khoảng thời gian ra sinh sống tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) để giới thiệu về nét đặc sắc của văn hóa Bahnar đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Năm 2022, theo lời mời của Khu du lịch Cánh đồng Hoa Thiên Thai (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), ông cùng một nhóm nghệ nhân Kbang đã vào dựng tại đây ngôi nhà rông Bahnar truyền thống lừng lững.

Quanh không gian ngôi nhà sàn đang ở của gia đình ông Bri còn trưng bày cả chục chiếc gùi lớn bé mà ông cất công vào rừng chặt tre nứa, khéo léo chuốt từng sợi lạt để đan thành. Ông Bri cho biết, số thành phẩm này ông thường bán cho người làng để đựng thức ăn, nước uống khi vào mùa thu hoạch mía.

 Ông Bri là một nghệ nhân đa tài. Ngoài dựng nhà rông, làm nhạc cụ, ông còn giỏi đan lát. Ảnh: Phương Duyên

Ông Bri là một nghệ nhân đa tài. Ngoài dựng nhà rông, làm nhạc cụ, ông còn giỏi đan lát. Ảnh: Phương Duyên

Ông hóm hỉnh bảo, ngày xưa, vợ ông là bà Đinh Thị Poong phải lòng ông bởi “tuy không đẹp trai nhưng khéo tay”. Nói vậy nhưng thực ra bà Poong cũng khéo tay đâu kém gì. Dãy rượu ghè làm bằng men lá do chính tay bà ủ hay bộ trang phục thổ cẩm tinh tế cũng do bà dệt đã nói lên rất nhiều điều về một gia đình Bahnar truyền thống, điển hình.

Trong khi đó, ông Hmêh cũng được biết đến như một nghệ nhân đa tài với khả năng truyền dạy cồng chiêng, chế tác và chơi các loại nhạc cụ như đing hi hơ, ting ning, hát dân ca, tạc tượng... Vì vậy, ông từng được mời góp mặt trong nhiều sự kiện văn hóa cấp huyện, tỉnh. Chưa kể, nghệ nhân này còn là thợ rèn có tiếng.

Ông Hmêh hồi tưởng: Từng là dân quân du kích làng Stơr trong kháng chiến chống Mỹ nhưng sau đó bị tiếng bom đạn làm cho lãng tai nên ông được đưa về tuyến sau. Dù vậy, nhờ có nghề rèn nên ông lại góp sức bằng việc rèn dao, cuốc, dụng cụ lao động sản xuất cho bộ đội. Đến giờ, lò rèn của gia đình ông là một trong số rất ít nơi trong vùng còn đỏ lửa.

 Nghệ nhân Hmêh còn là một thợ rèn có tiếng trong vùng. Ảnh: Ngọc Duy

Nghệ nhân Hmêh còn là một thợ rèn có tiếng trong vùng. Ảnh: Ngọc Duy

Kể đến đây, nghệ nhân tuổi lão niên lụi cụi đi thổi lò để giới thiệu vài công đoạn của cái nghề ông cất công gìn giữ hàng chục năm qua. Mái tóc trắng cước nghiêng nghiêng trong đám hoa lửa bay lên từ bễ lò rèn trở thành một hình ảnh thật đẹp trong chạng vạng ánh chiều.

Đáng tiếc là một lớp người tài hoa như nghệ nhân Bri, Hmêh-những người nắm giữ hồn cốt, tinh hoa dân tộc mình-đang ngày càng thưa vắng đi, trong khi thế hệ kế thừa rất mỏng. Bà Nông Thị Hảo-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Tơ Tung-nhận định: “Đing hi hơ là một loại nhạc cụ độc đáo, hiện trên địa bàn có lẽ chỉ còn 2 nghệ nhân này biết chơi nhưng đáng tiếc là không có người kế thừa”.

Như vậy, loại nhạc cụ này có nguy cơ rơi vào quên lãng. Nghệ nhân Đinh Plih (làng Leng, xã Tơ Tung) cũng thừa nhận 2 ông Bri và Hmêh là những nghệ nhân “có tài năng bẩm sinh”. Từng cùng ông Bri ra sinh sống tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam và chuyến “Nam tiến” làm nhà rông, nghệ nhân Đinh Plih cho hay, bản thân anh cũng học được từ nghệ nhân tài hoa này nhiều điều.

“Ngày nay, theo sự phát triển của xã hội, làng đang hiếm dần đi những người như ông Bri. Riêng kể khan thì không còn ai, nghề làm trang sức truyền thống của người Bahnar cũng không ai làm được nữa. Ngay bản thân tôi cũng chịu, không biết chơi đing hi hơ. Lớp trẻ trong làng, trong xã, không mấy ai mặn mà học theo”-anh Plih tâm tư.

Do vậy, anh đề xuất ngành Văn hóa nên mở lớp mời các nghệ nhân này truyền dạy tinh hoa để động viên thế hệ sau biết làm, biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống, biết đan lát…, qua đó gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Sao cho con cháu vùng đất anh hùng giữ mãi truyền thống, đó là không chỉ giỏi đánh giặc mà còn duy trì phẩm cách nghệ sĩ đến tận cùng. Mục đích, như lời ông Bri chia sẻ trong cuộc trò chuyện bên ché rượu hôm ấy: “Ngày xưa ông bà để lại thì mình phải giữ. Đó là giống nòi mà”.

PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nhung-nghe-si-tu-lang-post316488.html