Những 'nghệ sỹ điêu khắc' thời 4.0 tại Ý

Những chú robot tại Ý đang được sử dụng để tạo nên các tác phẩm điêu khắc trên đá cẩm thạch cùng loại đá của các kiệt tác thời Phục Hưng.

Một kỹ thuật viên làm việc với một robot điêu khắc ở Carrara, Tuscany, Ý. Ảnh: The New York Times.

Một kỹ thuật viên làm việc với một robot điêu khắc ở Carrara, Tuscany, Ý. Ảnh: The New York Times.

Trong nhiều thế kỷ, những mỏ đá cẩm thạch khổng lồ phía trên thị trấn Carrara của Tuscan miền Trung nước Ý đã trở thành nguyên liệu thô cho những kiệt tác của các nhà điêu khắc Ý như Michelangelo, Canova, Bernini. Gần đây nhất, trong danh sách các nghệ sĩ điêu khắc sử dụng đá cẩm thạch Carrara xuất hiện cái tên ABB2 - một robot có khả năng điêu khắc thuần thục.

ABB2 không phải là robot duy nhất có thể khắc đá, mà còn có "bạn đồng hành" là robot Quantek2.

Kể từ thời kỳ Phục Hưng, lượng sản phẩm sáng tạo của các xưởng điêu khắc tại Ý đã là một trong số những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng, đem về giá trị lớn cho quốc gia này. Những người tạo ra robot điêu khắc tin rằng, việc sử dụng công nghệ tiên tiến là cách duy nhất để lưu giữ, phát triển công việc sáng tạo nghệ thuật và giúp đất nước luôn giữ vững vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Chủ sở hữu của những robot này cho rằng việc ứng dụng công nghệ là điều cần thiết để phát triển nền nghệ thuật của Ý trong tương lai. Và, họ sẽ không cần một Michelangelo thứ hai bởi vì họ đã có những người máy có khả năng làm ra những sản phẩm điêu khắc có độ chính xác cao trong khoảng thời gian ngắn.

Một tác phẩm nghệ thuật đang được điêu khắc bởi robot. Ảnh: The New York Times.

Một tác phẩm nghệ thuật đang được điêu khắc bởi robot. Ảnh: The New York Times.

Hiện nay, những người máy điêu khắc đều hoạt động ẩn danh. Nhiều nghệ sĩ sử dụng robot không muốn được tiết lộ danh tính. Giacomo Massari, một trong những người sáng lập Robotor - công ty sở hữu robot điêu khắc, cho biết: “Các nghệ sĩ muốn duy trì ý tưởng rằng họ vẫn đang đục thủ công bằng búa. Điều đó thật là hài hước."

Ban đầu, những con robot điêu khắc được mua lại từ các công ty công nghệ tại địa phương. Tuy nhiên, khi những khách hàng ngày càng trả hoa hồng nhiều hơn, các chủ sở hữu đã bắt đầu tự sản xuất người máy bằng phần mềm tự chế và các bộ phận máy được nhập từ Đức.

Quá trình lắp ráp robot tại công ty Robotor ở Carrara. Ảnh: The New York Times.

Quá trình lắp ráp robot tại công ty Robotor ở Carrara. Ảnh: The New York Times.

Ông Basaldella - một kỹ thuật viên của robot điêu khắc - cho biết, nhiều nghệ sĩ điêu khắc tài năng nhưng không nổi bật lên do những kỹ thuật thủ công đều quá cũ. Tuy nhiên, robot lại có thể tạo nên những bước đột phá nếu người chế tạo chúng có sự nhạy bén với nghệ thuật. Dù vậy, nhưng những tác phẩm điêu khắc được tạo ra bởi những người máy này vẫn có điểm gì đó không "hoàn hảo".

Ngược lại với ông Basadella và những người sở hữu robot, nhiều nghệ sỹ lại cho rằng những di sản nghệ thuật của Ý có thể sẽ không còn hấp dẫn nếu mất đi truyền thống điêu khắc thủ công. Ông Michele Monfroni - một nghệ nhân trong xưởng điêu khắc ở gần Carrara - cho biết: “Nếu Michelangelo nhìn thấy những con robot này, ông ấy sẽ sởn tóc gáy. Robot là công việc kinh doanh, còn điêu khắc là niềm đam mê.” Ông Monfroni cho rằng, việc dùng tay tạo nên những bức tượng nghệ thuật từ đá cẩm thạch mới tạo nên được giá trị của bức tượng đó.

Nghệ sỹ điêu khắc Michele Monfroni: “Nếu Michelangelo nhìn thấy những con robot này, ông ấy sẽ sởn tóc gáy". Ảnh: The New York Times.

Nghệ sỹ điêu khắc Michele Monfroni: “Nếu Michelangelo nhìn thấy những con robot này, ông ấy sẽ sởn tóc gáy". Ảnh: The New York Times.

Marco Ciampolini - một nhà sử học nghệ thuật và giám đốc một bảo tàng tại Ý - cho rằng, việc ứng dụng công nghệ vào quá trình điêu khắc sẽ tạo nhiều thuận lợi cho những nghệ sĩ. Dù vậy, để bảo tồn những giá trị nghệ thuật, con người vẫn cần phải tham gia trực tiếp vào công việc điêu khắc. Ý kiến này cũng đã nhận được sự đồng thuận từ chính công ty sản xuất robot điêu khắc Robotor.

Lan Hương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-nghe-sy-dieu-khac-thoi-4-0-tai-y-post407392.html