Những ngôi chùa có xá lợi nổi tiếng nhất Việt Nam
Theo quan điểm tâm linh của Nhà Phật, xá lợi là kết quả của quá trình tu hành và khổ luyện và quá trình tu dưỡng đạo đức, chỉ xuất hiện ở những người có tấm lòng đại từ đại bi, luôn làm việc thiện.
Cùng điểm qua những ngôi chùa đang lưu giữ xá lợi được nhiều người tham quan, chiêm bái ở Việt Nam.
Chùa Quán Sứ
Chùa Quán Sứ tọa lạc tại số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Theo sử sách, chùa được xây dựng vào thế kỷ 15. Vào đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369), triều đình lập ra một khu nhà để đón tiếp sứ thần các nước như Chiêm Thành, Vạn Tượng, Nam Chương... và gọi là Quán Sứ. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15), chùa chính thức mang tên Quán Sứ. Từ năm 1981, chùa là trụ sở chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Vào năm 1987, ngọc xá lợi Phật đã được nghinh rước về cung thờ ở chùa Quán Sứ nhân dịp đại hội kỳ 2 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại chùa. Xá lợi chỉ được trưng bày phục vụ cho quan khách tham dự đại hội năm đó chiêm bái rồi an vị thờ vĩnh viễn tại gian chính điện chùa Quán Sứ cho đến bây giờ.
Vào năm 2010, nhân chuyến viếng thăm chính thức Liên bang Myanmar của Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam, chùa Quán Sứ đã được Liên đoàn Phật giáo Thế giới và Ban trị sự chùa Vàng (Myanmar) trao tặng 7 viên ngọc Xá lợi Phật, một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, một tượng Bồ tát Quán Thế Âm cùng với các chứng chỉ nguồn gốc của xá lợi Phật,
Chùa Xá lợi
Tọa lạc tại góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Sư Thiện Chiếu ở quận 3 của TP HCM, chùa Xá Lợi được khởi công xây dựng vào ngày 5/8/1956 và hoàn thành vào ngày 2/5/1958. Chùa là trụ sở chính của Hội Phật học Nam Việt từ năm 1951 - 1981. Trong các năm 1964 - 1966, chùa còn là cơ sở giảng dạy của Viện Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1981 - 1993 chùa là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Văn phòng II).
Đây là ngôi chùa đầu tiên của Sài Gòn được xây dựng theo lối kiến trúc mới. Cấu trúc của chùa bao gồm chính điện thờ Phật, giảng đường, tháp chuông, thư viện, tăng phòng, nhà trai đường, văn phòng, đoàn quán, phòng phát hành kinh sách, phòng khách và vãng sinh đường. Chính điện của chùa chỉ đặt một tượng Phật chứ không thờ nhiều Phật.
Đặc biệt, ở trên cao, ngay trước tượng Phật là nơi tôn thờ ngọc Xá Lợi Phật, đặt trong một bảo tháp nhỏ bằng bạc để trong một ô khám làm theo hình lá bồ đề. Viên ngọc này do ngài Narada Mahathera, tọa chủ chùa Vajirarama ở Srilanka dâng cúng cho Phật giáo Việt Nam.
Chùa Bái Đính
Tọa lạc ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam.
Theo sử sách, chùa Bái Đính được dựng vào thời Lý. Một số tài liệu ngày nay cho biết Thiền sư Nguyễn Minh Không khi vào núi Bái Đính tìm thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện động Tối, động Sáng là những hang động đẹp nên đã dựng chùa tại đây.
Vào năm 2003, khu chùa mới có quy mô đồ sộ đã được xây dựng gần chùa cổ. Ngôi chùa này nằm trên diện tích rộng 80 ha, gồm các hạng mục chính là điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông, Tượng phật Di Lặc và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp, Tam quan ngoại, Tam quan nội...
Hiện nay chùa Bái Đính đang tôn thờ tổng cộng 10 viên xá lợi Phật, trong đó 7 viên có nguồn gốc từ Thái Lan và 3 viên có nguồn gốc từ Ấn Độ. Chùa Bái Đính được chọn làm nơi thờ xá lợi Phật là vì đây là địa danh Phật giáo có lịch sử 1.000 năm, đồng nơi là nơi có cơ sở hạ tầng đủ khả năng phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm bái của du khách và Phật tử trên quy mô lớn.
Chùa Viên Đình
Tọa lạc ở xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, chùa Viên Đình hay Tổ đình Vĩnh Long hình thành từ thời nhà Lý. Cơ sở vật chất hiện tại của chùa có từ đợt xây cất năm 1831. Do những biến động của thời cuộc, vào những năm cuối thế kỷ 20, chùa không có trụ trì.
Đến năm 2002, thầy Thích Chơn Phương mới được mời về làm trụ trì của chùa. Kể từ đây, chùa Viên Đình nhiều lần có dịp cung nghinh xá lợi Phật và trở thành nơi lưu giữ nhiều xá lợi Phật nhất Việt Nam.
Cho đến nay, chùa có 30 bảo tháp chứa hàng nghìn viên xá lợi do các trung tâm Phật giáo trên thế giới cúng dường. Bộ sưu tập xá lợi của chùa có nguồn gốc từ nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Srylanka...
Theo quan điểm của Phật giáo, xá lợi hay xá lị (tiếng Phạn: शरीर / sarira) là những hạt nhỏ có dạng viên tròn trông giống ngọc trai hay pha lê hình thành sau khi thi hài của các vị cao tăng Phật giáo được hỏa táng.
Xá lợi được lưu giữ với mục đích để tỏa ra "phước lành" hoặc "ân sủng" trong tâm trí và kinh nghiệm của những người có liên hệ với vật phẩm này. Xá lợi cũng được tin có khả năng xua đuổi tà ác trong truyền thống Phật giáo ở khu vực Nam Á.
Theo quan điểm tâm linh của Nhà Phật, xá lợi là kết quả của quá trình tu hành và khổ luyện và quá trình tu dưỡng đạo đức, chỉ xuất hiện ở những người có tấm lòng đại từ đại bi, luôn làm việc thiện.
Hiện nay, khoa học chưa lý giải được nguyên nhân hình thành xá lợi. Có nhiều giả thuyết giải thích sự hình thành của xá lị như: Do thói quen ăn uống đồ chay, do sự tinh thể hóa xương trong điều kiện nhiệt độ phù hợp, hoặc do bệnh lý.
Có một số thông tin cho rằng xá lợi không thể bị đốt cháy, nung chảy hay ăn mòn, thậm chí còn có những đặc tính kỳ diệu như tự sinh sôi, tự biến mất... Nhưng những điều này chưa bao giờ được kiểm chứng dưới góc nhìn khoa học.