Những ngôi chùa 'cưu mang' đàn chim trời, dơi khổng lồ suốt hàng chục năm
Ở miền Tây có nhiều ngôi chùa trở thành mái nhà bình yên cho những đàn chim, cò dơi. Không ai mời gọi, nhưng từng đàn cò, vạc, dơi quạ cứ thế bay về, làm tổ, sinh sôi, hòa quyện cùng tiếng chuông chùa, tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ thú.
Chùa Cò - "điểm hẹn" của muôn loài chim
Chùa Nodol hay còn gọi chùa Giồng Lớn, chùa Cò, ở xã Đại An, huyện Trà Cú, Trà Vinh cũ - nay là xã Đại An, tỉnh Vĩnh Long là nơi nổi tiếng bởi có nhiều loài chim, cò quý hiếm về trú ngụ, sinh sản.
Chùa Nodol – được người Khmer gọi là Wat Phnô Đôn vì chung quanh có nhiều dừa (tiếng Khmer Wat là chùa, Phnô là giồng cát, Đôn là cây dừa) nổi bật giữa vùng quê thanh bình với kiến trúc Khmer cổ kính.
Nhưng điều khiến ngôi chùa này trở nên đặc biệt hơn cả chính là sự hiện diện của hàng nghìn con cò, vạc, diệc… trú ngụ, sinh sản quanh năm.
Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1677, nằm trên diện tích gần 6 ha, bao bọc bởi những hàng cây cổ thụ rợp bóng như dầu, sao, sầu đâu, tre… Tất cả tạo nên một hệ sinh thái tự nhiên, là điều kiện lý tưởng để chim trời tìm về trú ngụ.

Những chú chim, cò trú ngụ trong chùa. Ảnh: T.X
Theo các sư trong chùa, đàn chim đầu tiên xuất hiện khoảng một thế kỷ trước và nhanh chóng gắn bó lâu dài. Thấy chim hiền lành, không phá hoại mùa màng, nhà chùa và bà con đều bảo vệ. Từ đó, bầu trời quanh chùa ngày càng thêm nhộn nhịp tiếng chim.
Hiện nay, khuôn viên chùa là nơi cư trú của nhiều loài chim quý hiếm như cò trắng, đầu đỏ, mỏ vàng, cổ rắn, quăm… Trong đó, cò cổ rắn – loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Dù số lượng chim rất lớn nhưng chúng sống hòa thuận và “chia lãnh thổ” rõ rệt. Cò thường tụ tập trên các hàng dầu và bụi tre bên ngoài, trong khi vạc, cồng cộc lại chọn những vòm cây gần chánh điện. Điều thú vị là dù ngày đêm vang tiếng chim, không gian chùa vẫn giữ được vẻ uy nghiêm, thanh tịnh vốn có.
Nhà chùa luôn tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ phật tử, nhân dân sống chung quanh chùa không săn bắn nhằm bảo vệ các loài chim, cò quý hiếm; trồng thêm cây xanh kết hợp với phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề.
Chùa Wat Kompong Ch'rây hay còn gọi là chùa Hàng ở tỉnh Trà Vinh cũ, nay là tỉnh Vĩnh Long cũng thu hút du khách đến tham quan do nổi tiếng bởi có nhiều loài chim, cò làm tổ dày đặc trên các cây cổ thụ. Mỗi sáng sớm hay chiều tối, những đàn chim, cò bay lượn khắp nơi, tiếng kêu và tiếng vỗ cánh huyên náo cả chốn thiền môn.
Hòa thượng Thạch Suông - trụ trì đời thứ 23 của chùa Hang - cho biết chùa được thành lập năm 1637. Thuở trước, nơi này có rất nhiều dơi. Ban ngày, chúng treo mình lủng lẳng trên cây, chạng vạng thì bay rợp trời đi tìm thức ăn. Năm 1968, trong sự kiện Tết Mậu Thân, chùa bị bom đạn tàn phá nặng nề. Từ đó, đàn dơi bỏ đi, không thấy quay về.


Đàn cò làm tổ trong những cây cổ thụ trong chùa. Ảnh: T.X
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1977, các sư thầy chung sức phục dựng lại chùa và trồng cây. Khoảng 3 năm sau, chim cò bắt đầu về xây tổ.
"Khi chim cò quần tụ về chùa, các sư và bà con trong phum sóc (bản làng người Khmer) cho đó là điềm lành nên chung tay bảo tồn, tạo điều kiện tốt nhất để chúng sinh sản, phát triển" - hòa thượng Thạch Suông nói.
Chùa DoungLeySiRiVanSa, còn gọi là chùa Đường Xuồng Mới (ở tỉnh Kiên Giang cũ; nay là xã Định Hòa, tỉnh An Giang), không chỉ nổi danh với lịch sử hơn 100 năm mà còn là nơi trú ngụ của hàng trăm con cò, vạc suốt hơn hai thập kỷ qua.
Ngôi chùa này được xây dựng trên khu đất rộng hơn 1,6 ha, rợp bóng cây dầu, cây sao cao tới 50 m. Chính không gian xanh mát này đã trở thành nơi cư trú đàn vạc, cồng cộc...


Những đàn vạc làm tổ trên những ngọn cây cao tại chùa Đường Xuồng Mới. Ảnh: T.X
Theo các sư trong chùa, trước đây đàn vạc từng sống ở ngôi chùa cũ, sau khi chùa chuyển vị trí xây dựng, đàn chim cũng di cư theo. Có những con vạc rất đặc biệt, chiều tối bay về đậu trên mái chánh điện, nghe kinh, rồi ngủ lại đến sáng. Như thể chúng cũng có đời sống tâm linh riêng.
Ngôi chùa "cưu mang" hàng nghìn con dơi
Không chỉ chim, cò, nhiều loại vật khác cũng đến chùa "nương náu". Tại xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang, chùa Hưng Long đã trở thành nơi trú ngụ của cả nghìn con dơi quạ trong hơn 50 năm qua, khiến nhiều người ngạc nhiên, tò mò về "lai lịch" của loài dơi này.
Chùa Hưng Long có khoảng 1.000 cây sao, dầu là nhà của đàn dơi. Dơi thường thay đổi vị trí ở, có khi trước chánh điện, có khi bên hông chùa.
Ông Huỳnh Văn Bảy, phật tử tại chùa Hưng Long cho biết, từ những năm 1980, đã chứng kiến đàn dơi bay đến đậu trên các ngọn cây sao, dầu. Ban đầu chỉ có vài chục con, nhưng sau vài tháng, số lượng tăng lên hàng trăm con. Đỉnh điểm là những năm 2000, đàn dơi lên đến vài ngàn con, phủ kín cả khuôn viên chùa.

Chùa Hưng Long ở An Giang. Ảnh: T.X

Đàn dơi treo mình trên những cây cổ thụ trong chùa Hưng Long. Ảnh: T.X
Ông Bảy cho biết thêm, tháng 7 âm lịch là thời điểm đàn dơi bắt đầu quay về, trú ngụ đến khoảng tháng 10 – 11 thì lại bay đi.
Không ai rõ nguồn gốc chúng từ đâu đến, cũng chẳng biết khi rời đi chúng bay về hướng nào. Mọi hành tung của đàn dơi đều mang vẻ bí ẩn, gần như trở thành một điều kỳ bí gắn liền với ngôi chùa này.
Dơi ở đây là loài dơi quạ, kích thước lớn; khi sải cánh, chúng có thể dang rộng đến 1,2 m. Ban ngày, chúng treo mình lặng lẽ trên ngọn cây cao. Khi hoàng hôn buông xuống, đàn dơi bắt đầu ríu rít gọi nhau, rồi đồng loạt bay đi kiếm ăn trong màn đêm, đến rạng sáng mới quay về nghỉ ngơi.
Nhiều người chia sẻ, hàng nghìn cánh chim, dơi... bay lượn quanh mái chùa không đơn thuần là hiện tượng tự nhiên mà còn là hình ảnh biểu trưng cho sự bình yên, viên mãn nơi miền đất hiền hòa.