Những người âm thầm tạo miễn dịch cộng đồng
Với quyết tâm cùng thành phố phủ sóng vắc-xin đến mọi người dân, tổ tiêm lưu động đã âm thầm ngày đêm tiêm chủng với tinh thần lo thiếu vắc-xin chứ không lo lắng gì cả
Có mặt tại chung cư Green River trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP HCM ngày 9-9, phóng viên gặp một nhóm 10 người là y - bác sĩ, tình nguyện viên đang tổ chức tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân nơi đây.
Trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, họ làm việc liên tục không ngơi tay để người dân không phải chờ lâu. Công việc thầm lặng này của họ đã góp phần giúp đẩy nhanh tỉ lệ tiêm vắc-xin, tạo miễn dịch trong cộng đồng để cuộc sống sớm bình thường lại.
Bác sĩ (BS) Trần Văn Khiêm, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện quận 3 (TP HCM), tổ trưởng tổ tiêm lưu động này cho biết tổ đã liên tục làm việc bất kể ngày đêm từ ngày 10-8 đến nay. BS Khiêm kể từ khi đại dịch hoành hành, giãn cách xã hội nên số lượng khám, chữa bệnh tại BV giảm rất nhiều. Nhận thấy các đồng nghiệp tuyến đầu ngày đêm chống chọi với dịch bệnh, dành lại sinh mạng cho người dân nhiễm bệnh trong khi BV nơi mình công tác lại đang "khá rảnh".
"Không thể ngồi không được, cần phải làm điều gì đó để đồng hành với tuyến đầu chống dịch nên chúng tôi thành lập tổ. Ban đầu, khi chưa có chiến dịch tiêm chủng, chúng tôi làm một số việc như: tặng lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men đến bà con trong khu cách ly. Khi chiến dịch tiêm vắc-xin được đẩy mạnh, tổ xung phong đến quận 8 vì đây là địa phương có số ca F0 cao và tăng liên tục. Chúng tôi chủ động liên hệ với UBND quận 8 và khi xem xét năng lực của tổ, quận đã cấp phép để chúng tôi tiêm vắc-xin cho người dân của quận" - BS Khiêm nói.
Nhiệm vụ ban đầu của tổ được UBND quận 8 chỉ định là tiêm vắc-xin cho cư dân đang sinh sống tại khu nhà ở xã hội Hưng Phát. Trong quá trình triển khai nhận thấy đây là điểm tiêm nằm ở vị trí thuận lợi, có cơ sở hạ tầng thoáng mát, rộng rãi, lãnh đạo các phường lân cận đã trao đổi với tổ để tiêm luôn cho người dân sống trên địa bàn. Từ đó, số lượng tiêm mỗi ngày một đông nhưng 10 thành viên động viên nhau vì người dân, vì thành phố nên nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo BS Khiêm, vì địa điểm lưu động nên thiếu thốn nhiều thứ. Nhưng tổ cố gắng hết sức để thực hiện quy trình tiêm đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, các khâu khám sàng lọc cho đến tiêm và theo dõi sau tiêm được thực hiện đầy đủ. Việc cập nhật thông tin người được tiêm cũng thực hiện nhanh để sớm được đưa lên sổ sức khỏe điện tử. Từ đó giúp người dân dễ dàng tra thông tin nếu sau này có áp dụng việc kiểm soát số mũi tiêm vắc-xin.
Điều dưỡng Lê Thị Thắm cho biết tổ tiêm lưu động bắt đầu công việc từ 7 giờ 30 phút cho đến khi không còn người dân đến tiêm hoặc hết vắc-xin. Công việc của chị Thắm là đo huyết áp sàng lọc, điều phối hỗ trợ các BS tiêm và kiêm luôn những công việc hậu cần không tên khác.
Theo chị Thắm, nhiều khi tổ đến rất sớm nhưng bà con còn đến sớm hơn, tự động ngồi vào ghế xếp hàng chờ đến lượt thấy thương. Những hình ảnh đó là động lực giúp tổ khởi động ngày làm việc mới. Việc bà con đến sớm và thực hiện 5K mới thấy được công tác tuyên truyền của thành phố rất quan trọng, người dân rất tin tưởng vào vắc-xin và tin tưởng vào đường lối chống dịch của thành phố.
"Sau mỗi lần tiêm, những lời cảm ơn của người dân khiến chúng tôi ấm lòng. Họ thật sự truyền cho chúng tôi động lực để thực hiện công việc. Tuy nóng bức với đồ bảo hộ, khi xong việc thì tay chân rã rời nhưng ai cũng vui vẻ vì cảm nhận được công việc mình đang làm rất ý nghĩa. Chúng tôi chỉ lo thiếu vắc-xin chứ không lo lắng bất cứ thứ gì" - chị Thắm bày tỏ.